TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 27-10-2012


 'Mỹ sẽ củng cố mạng lưới liên minh quân sự'

Trong bối cảnh phải cắt giảm ngân sách quốc phòng do những khó khăn của nền kinh tế hiện nay, Mỹ đang cố gắng củng cố mạng lưới các liên minh quân sự toàn cầu nhằm duy trì vị thế cường quốc số một của mình.

Ngày 25/10, trả lời câu hỏi của các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc về viêc quân đội Mỹ làm thế nào để duy trì sức mạnh và sự hiện diện trên toàn thế giới trong bối cảnh các nguồn lực suy giảm, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta khẳng định "một biện pháp quan trọng mà chúng tôi sẽ thực hiện là củng cố mạng lưới các liên minh quân sự toàn cầu."

Ông Panetta cho biết: "Một trụ cột quan trọng của chiến lược quốc phòng (Mỹ) đã được công bố trong năm nay là phát triển và làm sâu sắc các mối quan hệ với các nước khác, tăng cường năng lực cho các nước này cũng như xây dựng các đồng minh và đối tác mới nhằm thúc đẩy an ninh (toàn cầu). Đây là một trong những chìa khóa đối với lực lượng quốc phòng Mỹ mà chúng tôi cố gắng xây dựng trong thế kỷ 21", .

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng hệ thống các liên minh quân sự và đối tác an ninh là một trong những tài sản an ninh quốc gia đáng giá nhất của Mỹ mà không nước nào có được. Nó cho phép bảo vệ lợi ích của Mỹ trong khi vẫn chia sẻ được gánh nặng với các quốc gia khác.

Trước đó, ngày 24/10, ông Panetta đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc như một phần của cuộc đối thoại thường kỳ với các đồng minh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm tiếp tục củng cố mối quan hệ đồng minh 60 năm qua giữa hai nước. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey dự kiến sẽ có cuộc gặp với các bộ trưởng Quốc phòng châu Á tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng châu Á sắp tới ở Campuchia.

TTXVN/Tin tức
--------------
Nga có thể cử quan sát viên tới giám sát bầu cử Mỹ

 Bộ Ngoại giao Nga ngày 26/10 cho biết, nước này dự định cử quan sát viên tới giám sát cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 6/11 tới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Lukashevich trả lời trước báo giới hôm qua  cho biết, Chính phủ Nga có thể cử một vài thành viên Quốc hội tham gia đoàn 57 quan sát viên của Hội đồng nghị viện châu Âu (PACE) tới Mỹ.

Theo ông  Lukashevich, quan sát viên Nga cũng có thể là những nhà ngoại giao đang làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Mỹ. Trong một thông báo trên website Bộ Ngoại giao, Nga cũng chỉ trích việc Mỹ hạn chế hoạt động giám sát quốc tế trong các cuộc bầu cử Tổng thống nước này.

Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney đang bước vào chặng nước rút trong cuộc đua tới Nhà Trắng. Mục tiêu của cả 2 ứng cử hiện nay là lá phiếu của những cư tri vẫn đang do dự./.

Hoàng Lê/VOV-TTTin
(Theo Tân Hoa xã)
-----------

 Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn hiệp định biên giới với 2 nước

 Hiệp định phê chuẩn phân định giao điểm đường biên giới giữa 3 nước Trung Quốc, Afghanistan và Tajikistan.

Tân Hoa xã ngày 26/10 đưa tin, Quốc hội Trung Quốc (NPC) đã phê chuẩn hiệp định biên giới với Afghanistan và Tajikistan về phân định giao điểm đường biên giới giữa 3 nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung quốc Dương Khiết Trì cho biết, hiệp định này căn cứ vào các công ước biên giới liên quan đến Afghanistan và Tajikistan, đã đạt được sự đồng thuận của 3 nước.

Trước đó, vào năm 2010 lãnh đạo 3 quốc gia đã họp bàn và ký thỏa thuận sơ bộ. Đến tháng 6/2012, thỏa thuận tiếp theo cũng được ký kết tại Bắc Kinh. 

Sự phê chuẩn hiệp ước này có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình ở khu vực biên giới, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc, Afghanistan và Tajikistan./.

Hồng Anh/VOV - Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã

--------
Bộ trưởng Ngoại giao của Ấn Độ Krishna từ chức

Theo các hãng tin AFP, THX, các quan chức cấp cao trong Chính phủ Ấn Độ cho biết Ngoại trưởng nước này S.M. Krishna ngày 26/10 đã từ chức trong bối cảnh New Delhi có kế hoạch tiến hành cải tổ vào ngày 28/10.

Một quan chức giấu tên trong Bộ ngoại giao Ấn Độ xác nhận: "Ngài Ngoại trưởng đã từ chức."

Một quan chức cấp cao khác trong Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ cho hay ông Krishna đã hủy chuyến thăm Lào theo kế hoạch tháp tùng Thủ tướng Manmohan Singh./.

(Vietnam+)
----------
 EU cam kết hỗ trợ cho chính quyền Palestine

Theo đó, EU hỗ trợ để tiến tới xây dựng nhà nước Palestine, đảm bảo tài chính bền vững cho nước này.

    Ngày 25/10, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, bà Catherine Ashton tiếp tục thăm Bờ Tây và có cuộc gặp với gặp thủ tướng Palestine Salam Fayyad.

 Tại cuộc gặp, hai bên đã thông báo kết quả đàm phán giữa EUvà Chính quyền Palestine về kế hoạch hành động mới, trong đó vạch rõ các mục tiêu cho mối quan hệ giữa hai bên trong 5 năm tới.

Theo thông báo của EU, những mục tiêu này bao gồm EU hỗ trợ để tiến tới xây dựng nhà nước Palestine, đảm bảo tài chính bền vững cho Chính quyền Palestine và phát triển kinh tế trên khắp các vùng lãnh thổ của người Palestine cũng như hỗ trợ người dân Palestine tại Đông Jerusalem.

Kế hoạch hành động này là cơ sở để phối hợp thực hiện chương trình giữa hai bên trên các lĩnh vực: tư pháp, hợp tác kinh tế, thương mại, năng lượng, cung cấp nước và giao thông vận tải.

Bà Catherine Ashton tái khẳng định cam kết của EU đối với giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng chung sống hòa bình: “Chúng tôi tin vào giải pháp hai nhà nước. Chúng tôi tin vào việc thành lập một nhà nước cho người dân Palestine bên cạnh một đất nước Israel được đảm bảo an ninh. Chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục làm việc để đạt được mục tiêu đó trong thời gian tới đây”./.

Trần Nga/VOV-Reuters
---------
 Lính Mỹ chết vì tự tử nhiều hơn vì chiến đấu

Báo cáo công bố ngày 25/10 của quân đội Mỹ cho thấy, số quân nhân tự tử từ đầu năm cho đến 30/9/2012 là 247 người, trong khi số chiến sĩ tử trận chỉ là 222. Chỉ riêng trong tháng 9, đã có 31 quân nhân tự tử, một con số quá lớn.

Tất cả các binh chủng trong quân đội Mỹ đều đang mất quân số do "kẻ thù" vô hình này. Để đối phó với vấn nạn tự tử, quân đội đã thiết lập nhiều chương trình điều trị và hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho quân nhân.

Trong một thông cáo báo chí, trung tướng Howard Bromberg, Phó tổng tham mưu trưởng phụ trách nhân lực, đã đề nghị tất cả các binh sĩ, người thân của họ và mọi công dân có thể có liên quan đến một quân nhân “hãy quan tâm lẫn nhau, nhằm phát hiện những dấu hiệu như lạm dụng thuốc, trục trặc trong các mối quan hệ, rút khỏi các hoạt động tập thể...” để có thể kịp thời giúp đỡ những binh sĩ có vấn đề về tâm lý.

Thông cáo của quân đội cũng cung cấp Đường dây nóng ngăn chặn tự tử quốc gia, hoạt động liên tục, cũng như những tài liệu và chương trình ngăn ngừa nạn tự tử.

T.H/ Tin Tức
------
“Nga và Đức có quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ”

Nga và Đức được gắn kết với nhau bằng mối quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ. Đây là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi đại biểu tham dự phiên họp kỷ niệm 60 năm thành lập Ủy ban phương Đông của nền kinh tế Đức, diễn ra ngày 26/10 tại thủ đô Berlin.

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga và Đức không chỉ có lập trường tương đồng về các vấn đề toàn cầu và châu Âu, mà quan hệ song phương phát triển rất tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, nhân đạo, năng lượng, đặc biệt là kinh tế.

Theo ông Putin, hai nền kinh tế Nga và Đức đang bổ sung cho nhau cùng phát triển và hướng đến hợp tác sản xuất trong những lĩnh vực công nghệ cao và những ngành đòi hỏi khoa học chuyên sâu. Kim ngạch thương mại hai chiều đã vượt mức kỷ lục 72 tỷ USD và đang tiếp tục tăng lên, trong khi đó khối lượng đầu tư của Đức vào thị trường Nga cũng xấp xỉ 30 tỷ USD.

Bên cạnh đó, hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng cũng không ngừng được củng cố và phát triển. Nga cung cấp tới 40% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Đức và dầu mỏ cũng lên đến 30%. Hai bên đang cùng thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, trong đó có đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc," mà nhánh thứ hai của đường ống này đã được khánh thành vào ngày 8/10 có thể nâng công suất vận chuyển khí đốt của Nga vào châu Âu lên tới 55 tỷ m3/năm.

Ông Putin bày tỏ tin tưởng rằng dựa trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, có chung mục đích, lợi ích Nga và Đức sẽ thành công trong việc mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại, đầu tư, kỹ thuật... vì sự thịnh vượng của nhân dân hai nước, châu Âu và thế giới.

Trong khi đó, phát biểu tại phiên họp Ủy ban phương Đông của nền kinh tế Đức, Thủ tướng Đức Angela Merken nhấn mạnh rằng bà hoàn toàn tán thành với Tổng thống Putin khi nhận định mối quan hệ Nga - Đức còn có nhiều tiềm năng hợp tác phát triển.

Ủy ban trên được thành lập năm 1952, có nhiệm vụ kết nối 170 công ty, doanh nhân hàng đầu ở Nga và các nước Đông Âu./.

(TTXVN)
-----------
Uy tín của Tổng thống Putin đang tăng mạnh

Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn liên bang (VSIOM) tối 25/10 công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy đa số cử tri Nga tin cậy và ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin.

Theo kết quả trên, trong con mắt các cử tri Nga, Tổng thống Putin là người năng động (85% số ý kiến), tráng kiện (83%), tư duy lành mạnh (82%), sáng suốt (69%), dễ gần (64%), nhà lãnh đạo hiện đại (53%) và đang sung sức nhất (62%).

Trong khi đó, kết quả điều tra do trung tâm Levada điều tra và công bố cùng ngày cũng xác nhận hiện uy tín của Tổng thống Putin đang tăng mạnh thể hiện qua con số 67% số người Nga ủng hộ và tán thành hoạt động của ông trên cương vị nguyên thủ quốc gia.

Tổng Giám đốc Cơ quan thông tin chính trị và kinh tế Nga, Dmitry Orlov khẳng định nếu Nga tổ chức bầu cử tổng thống mới vào thời điểm hiện nay thì ông Putin sẽ đắc cử ngay trong vòng một với đa số phiếu ủng hộ áp đảo.
(VTC)
-----------
EU quan ngại về 'luật phản quốc' của Nga

Người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), Catherine Ashton, đã bày tỏ quan ngại về ‘luật phản quốc’ mới của Nga, trong đó mở rộng định nghĩa của tội danh phản quốc.

Hôm 25/10, văn phòng của Ashton đã ra một thông báo cho rằng “luật mới sẽ nới rộng phạm vi truy tố và giảm quá trình chứng minh tội danh phản quốc và gián điệp”.

Bà Ashton lưu ý rằng dự luật này cùng với một số sửa đổi lập pháp và tư pháp gần đây ở Nga sẽ hạn chế không gian phát triển xã hội dân sự, và tăng phạm vi đe dọa nhân quyền.

Trong khi đó, Matxcova phủ nhận những mối lo ngại về nhân quyền và cho biết dự luật mới được ban hành là nhằm tăng cường an ninh.

Luật hiện hành mô tả tội phản quốc là làm gián điệp hay các hành động hỗ trợ cho nước ngoài gây nguy hại tới an ninh Nga. Dự luật mới bao gồm cả những hành vi được mô tả là chống “trật tự hiến pháp, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ” của Nga. Nó cũng thay đổi cả cách giải thích về tội danh phản quốc khi bao gồm cả các hoạt động như hỗ trợ tài chính, tư vấn cho nước ngoài hay một tổ chức quốc tế.

Dự luật này đã được Hạ viện Nga thông qua hôm 23/10 và dự kiến sẽ sớm được Thượng viện thông qua trước khi được Tổng thống Vladimir Putin ký thành luật.

Nhiều người chỉ trích cho rằng dự luật này là một phần trong chiến dịch đàn áp của Điện Kremli đối với giới bất đồng chính kiến.

Phạm Khánh// Infonet
-------
 Các nước trong khu vực ủng hộ dự thảo COC

 Phát biểu trong cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino tại Thủ đô Canberra hôm 24-10, Thủ tướng Australia Julia Gillard hối thúc các nước ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC). Bà Gillard cho biết, Australia không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng kêu gọi tất cả các bên làm sáng tỏ và tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển.

Về phần mình, Tổng thống Philippines khẳng định tầm quan trọng của việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC), nhằm đảm bảo  hòa bình và an ninh khu vực. Trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhận thấy sự cần thiết của việc kiềm chế và tránh có các hành động làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.

Cùng ngày, phát biểu tại cuộc gặp với người đồng nhiệm Indonesia, Marty Natalegawa ở Yogyakarta, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam tuyên bố Singapore ủng hộ dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) do Indonesia đề xuất. Ông K. Shanmugam nêu rõ, bản dự thảo COC do Indonesia đề xuất và được chuyển cho các ngoại trưởng ASEAN bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) hồi tháng 10 vừa qua là rất hữu ích. Dự kiến, đại diện các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ nhóm họp tại Thái Lan vào tuần tới để nêu ý kiến về bản dự thảo COC.

Hoàng Cường
(Theo AAP/Jakarta Post, ANTĐ)
--------
Thủ tướng Medvedev sắp đến thăm Việt Nam

Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev sẽ có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam vào đầu tháng 11 này. Đây là thông tin vừa được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - ông Lương Thanh Nghị cho biết trong cuộc họp báo định kỳ chiều ngày hôm qua (25/10).

Theo ông Lê Thanh Nghị, đây là chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Nam và Liên Bang Nga vừa nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Hai bên dự kiến sẽ thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực và trao đổi những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Có thể nói, quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga đang không ngừng được củng cố về mọi mặt và ngày càng đi vào chiều sâu. Mới đây, trong khuôn khổ tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 20 Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại thành phố Vladivostok, Liên bang Nga, ngày 8/9, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về các phương hướng và biện pháp quan trọng nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Mới đây nhất, hôm 17/10, tại phiên họp của Ủy ban Hợp tác Quân sự - Kỹ thuật Nga ở dinh thự Novo - Ogarevo, ngoại ô Moscow, Tổng thống Putin đã chỉ thị nâng quan hệ hợp tác quân sự-kỹ thuật với Việt Nam lên một mức độ mới về chất.

Những diễn biến trên cho thấy, quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Hải Yến// VNmedia
----
 Trung Quốc kêu gọi giải pháp hoà bình cho hạt nhân Iran

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho rằng, việc đối thoại về vấn đề hạt nhân Iran đang ở giai đoạn quan trọng.

Trung Quốc một lần nữa khẳng định quan điểm của mình trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran một cách hoà bình. Phát biểu trong buổi họp báo tại Bắc Kinh ngày 25/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã kêu gọi các bên liên quan tiếp tục đối thoại và đàm phán để giải quyết một cách hoà bình vấn đề hạt nhân Iran.

Ông Hồng Lỗi nói:  “Các lệnh trừng phạt và việc sử dụng lực lượng về cơ bản không thể giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Ngược lại, chúng chỉ có thể tạo ra nhiều vấn đề mới phức tạp có thể tác động tiêu cực đến hoà bình và ổn định ở khu vực Trung Đông cũng như toàn thế giới. Điều này cũng không phù hợp với lợi ích của bất kỳ bên nào”.

Ông Hồng Lỗi cho rằng, việc đối thoại về vấn đề hạt nhân Iran đang ở giai đoạn quan trọng. Ông hy vọng tất cả các bên liên quan có thể đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao, tạo ra điều kiện cho việc tiến hành vòng đàm phán mới với Iran càng sớm càng tốt. Các bên cần đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran một cách toàn diện, phù hợp và mang lại kết quả lâu dài./.

Thuỳ Linh/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters
-------
Hơn 100 tài liệu tuyệt mật về nhà giam khét tiếng của Mỹ bị lộ?

Wikileak tuyên bố, các chỉ thị, hướng dẫn, chính sách của quân đội Mỹ trong hơn một thập kỉ qua đối với việc quản lí, xử lí tù nhân tại các nhà tù của mình ở nhiều nơi trên thế giới sẽ được lần lượt công bố trong tháng tới.

Theo hãng tin RT, tài liệu đầu tiên sẽ được tiết lộ là về Trại giam 2002 Camp Delta, nhà tù vịnh Guantanamo và các hướng dẫn điều hành hiện hành.

"Tài liệu này có mang ý nghĩa lịch sử quan trọng. Vịnh Guantanamo đã trở thành một biểu tượng của việc lạm dụng quyền con người có hệ thống ở Mỹ ẩn dưới lí do tốt", người sáng lập Wikileak Julian Assange cho biết.

Wikileak cũng đang sở hữu tài liệu hướng dẫn cách khiến cho các tù nhân nhạy cảm biến mất bằng cách khiến cho họ không được đánh số tù.

Thậm chí, trong số những tài liệu này còn có những hướng dẫn về việc tiêu hủy các cuộc băng phỏng vấn từ sau khi vụ bê bối về việc tra tấn tù nhân trong trại Abu Ghraib xảy ra hồi giữa những năm 2000.
(Soha)
-----
Cuba điều chỉnh quy định hồi hương, thăm thân

Ngày 25/10, Chính phủ Cuba tiếp tục thông báo một số điều chỉnh mới trong chính sách di trú liên quan tới những người Cuba định cư ở nước ngoài có nguyện vọng hồi hương.

 Thư ký Hội đồng Nhà nước Cuba Homero Acosta cho biết, theo qui định mới, tất cả những công dân Cuba di cư trái phép sau khi hiệp định về di trú được ký kết với Mỹ năm 1994 đều có thể về thăm lại quê hương nếu họ đã định cư ở nước ngoài từ 8 năm trở lên kể từ khi rời bỏ đất nước. Điều chỉnh trên cũng sẽ được áp dụng tương tự đối với các chuyên gia y tế và các vận động viên thể thao thành tích cao đào ngũ khi đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài hoặc vượt biên trái phép sau năm 1990. Tuy nhiên, những đối tượng vượt biên trái phép qua khu căn cứ quân sự của Mỹ ở Guantanamo sẽ không nằm trong diện điều chỉnh trên vì lý do quốc phòng và an ninh quốc gia.

Ngoài ra, Chính phủ Cuba cũng mở rộng diện hồi hương cho tất cả các công dân Cuba di cư ra nước ngoài bất hợp pháp khi chưa đủ 16 tuổi và những công dân có nguyện vọng trở về nước để chăm sóc người thân trong gia đình bị bệnh tật. Theo ông Acosta, những công dân khi ra đi bất hợp pháp chưa đủ 16 tuổi là đối tượng chưa đủ khả năng kiểm soát các hành vi của mình và thông thường bị cuốn theo những cuộc phiêu lưu của người lớn. Chính vì vậy, khi họ có đủ quyền công dân và muốn trở về nước thì sẽ được chấp nhận mà không cần phải có thời gian ít nhất là 8 năm định cư ở nước ngoài như các đối tượng khác.

Những bổ sung này nằm trong khuôn khổ quyết định điều chỉnh chính sách di trú sẽ có hiệu lực kể từ ngày 14/1/2013. Cách đây 1 tuần, Chính phủ Cuba đã công bố những điều chỉnh đầu tiên, theo đó thủ tục xin giấy phép xuất cảnh bắt buộc sẽ được bãi bỏ. Ngoài ra, tất cả công dân Cuba khi ra nước ngoài vì lý do cá nhân cũng không cần thiết phải trình thư mời từ người thân hoặc tổ chức ở nước ngoài.

 TTXVN/tin tức

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te