TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Căng thẳng Trung-Nhật: Không bên nào chịu xuống thang

Quan hệ Trung-Nhật ngày càng căng thẳng với việc tàu công vụ Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc tẩy chay Diễn đàn Quốc phòng Tokyo và Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba bác bỏ khả năng tiến hành cuộc gặp cấp cao giữa Nhật Bản và Trung Quốc để giải quyết bế tắc.

  

Tranh minh họa: The Korea Times


Ngày 31/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã bác bỏ khả năng tiến hành cuộc gặp cấp cao giữa Nhật Bản và Trung Quốc để giải quyết bế tắc trong tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku mà Tokyo đang kiểm soát, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và cũng đòi chủ quyền.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Gemba nhấn mạnh chưa đến lúc để tiến hành hội đàm cấp cao Nhật-Trung và ông không có kế hoạch tham dự Hội nghị Á-Âu tại Lào vào tuần tới cũng như các hội nghị liên quan tới ASEAN trong tháng tới ở Campuchia. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo sẽ không hội đàm song phương bên lề Hội nghị cấp cao Á-Âu tại Lào ngày 5-6/11 và cũng sẽ không gặp nhau bên lề các hội nghị liên quan tới ASEAN tại Campuchia vào giữa tháng 11.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc xấu đi kể từ khi Tokyo mua ba trong số năm đảo chính thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi giữa tháng Chín. Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc thường xuyên điều tàu hải giám và ngư chính đi vào vùng biển tiếp giáp chuỗi đảo này.

Theo hãng tin Kyodo, lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết bốn tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải ngoài khơi quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư lúc 11 giờ sáng 30/10. Các tàu Trung Quốc đã phớt lờ cảnh cáo của JCG và một trong số các tàu này đã phát thông điệp bằng tiếng Trung và tiếng Nhật trên một tấm bảng điện tử rằng các tàu tuần tra của JCG phải "lập tức rời" khu vực mà họ gọi là "lãnh hải của Trung Quốc".

Cũng trong ngày 31/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố việc các tàu hải giám Trung Quốc gần đây tuần tra tại những vùng biển gần Điếu Ngư là "hoạt động thông thường" nhằm thực hiện quyền tài phán của Trung Quốc đối với quần đảo trên biển Hoa Đông này. Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 30/10, ông Hồng Lỗi nói Nhật Bản "đang tự lừa dối mình" khi cho rằng không có tranh chấp đối với quần đảo Điếu Ngư, đồng thời kêu gọi Tokyo thừa nhận tranh chấp và giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng.

Trong bài viết được nhật báo Pháp Le Monde đăng tải ngày 31/10, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Khổng Tuyền lưu ý rằng quan hệ Trung-Nhật gần đây đã rúng động do tranh chấp quần đảo Điếu Ngư. Theo ông, rất nhiều hồ sơ lịch sử, trong đó có một số bản đồ cổ được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Pháp, cho thấy nhóm đảo không có người ở nói trên là một phần lãnh thổ Trung Quốc. Ông Khổng Tuyền nêu rõ việc trao trả các đảo này cho Trung Quốc là bổn phận pháp lý Nhật Bản phải thực hiện sau khi thất trận trong Chiến tranh Thế giới thứ II, đồng thời lưu ý rằng thỏa thuận song phương mà các cựu lãnh đạo hai nước đạt được nhằm khép lại bất đồng này là nền tảng quan trọng cho việc bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật.


Theo ĐVO, Vietnam+

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te