TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 01-11-2012


Nga dùng "quyền lực mềm" cho mục tiêu ngoại giao

Bộ Ngoại giao Nga ngày 31/10 tuyên bố Mátxcơva sẽ sử dụng "quyền lực mềm" để đạt được các mục đích ngoại giao của nước này.
 
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Hợp tác Quốc tế và Ngoại giao Công thuộc tổ chức Public Chamber, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nói: "Về khách quan, sử dụng hiệu quả quyền lực mềm giúp chúng ta đạt được những ưu tiên trong các hoạt động quốc tế."
 
Trong số những công cụ "quyền lực mềm" của Nga, ông Gatilov đã nhắc tới việc tăng cường sự hiện diện về văn hóa, thông tin và con người Nga ở nước ngoài.
 
Ông cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc Nga tham gia thiết thực hơn vào thị trường giáo dục thế giới, gắn kết với công dân Nga định cư lâu dài ở nước ngoài và thực thi các chương trình di trú rõ ràng hơn.

Theo ông, các nỗ lực của Chính phủ Nga tăng cường "quyền lực mềm" sẽ thành công trong tương lai gần.
 
Khái niệm "quyền lực mềm" được học giả Joseph Nye của Trường Đại học Harvard đưa ra để miêu tả việc phổ biến tầm ảnh hưởng của một quốc gia thông qua những phương tiện phi quân sự. Khái niệm này sau đó đã được sử dụng phổ biến trên thế giới như là một chính sách đối ngoại./.
( Vietnam+)
--------
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng vừa “tái xuất”

Nhật báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong ngày 30/10 đưa tin cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã xuất hiện trở lại trước công chúng khi chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ Đại hội Toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
 
Thông tin này cũng được đăng tải lại trên kênh BBC.
 
Ông Lý Bằng đã trao học bổng trị giá 3 triệu Nhân dân tệ cho các sinh viên nghèo ở huyện Diên An thuộc tỉnh Thiểm Tây, nơi từng là căn cứ địa cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
 
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV)̀, số tiền này được trích từ nhuận bút những cuốn sách mà ông Lý viết trong thời gian nghỉ hưu.
 
Ông Lý Bằng tái xuất chỉ vài ngày sau khi người kế nhiệm ông là cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ và đương kim phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn gặp gỡ hội đồng cố vấn của Khoa Kinh tế trường Đại học Thanh Hoa ngày 24/10.
 
Ở Trung Quốc, các lãnh đạo sau khi về nghỉ thường hiếm khi xuất hiện trước công chúng chỉ trừ những sự kiện mang tính biểu tượng như Quốc khánh. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây thì cả Lý Bằng, Chu Dung Cơ và cựu Chủ tịch nước Giang Trang Dân đã liên tục tái xuất./.

(Vietnam+)
-------
 Nga – Pháp bất đồng về Syria

Nga và Pháp tiếp tục có những lập trường bất đồng trong cách thức tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đang ở thăm Pháp, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng, sẽ không thể tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria nếu Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn nắm quyền, cần phải có sự thay đổi tại Syria.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, việc ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad không quan trọng bằng việc ưu tiên chấm dứt bạo lực tại Syria. Ông Lavrov nói: “Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là cần chấm dứt bạo lực. Không có lựa chọn nào khác đó là tuân theo nghị quyết đã đưa ra tại Geneva. Nếu ai đó nghĩ rằng ưu tiên hiện nay đó là lật đổ một nhà lãnh đạo mà họ không muốn thì khi đó xung đột đẫm máu vẫn sẽ tiếp tục xảy ra”.

Vào tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo thế giới đã có cuộc họp tại Geneva và đạt được một thỏa thuận kêu gọi thành lập một chính phủ chuyển giao tại Syria, có nhiệm vụ tổ chức các cuộc bầu cử công bằng và tự do để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, các nước vẫn còn bất đồng về vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad trong tiến trình này./.

Phạm Hà/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters
--------
Trung Quốc hạn chế phi cơ đồ chơi trước đại hội đảng

Lệnh hạn chế mua bán các máy bay, trực thăng mô hình, vừa được đưa ra tại Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc thắt chặt an ninh chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ 18 sắp diễn ra.

Tờ Youth Daily của Bắc Kinh cho hay, với một số mẫu trực thăng và máy bay chỉ có thể điều khiển trong vòng vài mét trở lại, người mua bắt buộc phải chứng minh nhân thân cho chủ hàng. Một số cửa hàng được lệnh ngừng hoàn toàn việc bán loại đồ chơi này.

Quyết định trên được đưa ra khi Trung Quốc đang tăng cường an ninh, chuẩn bị cho đại hội đảng Cộng sản lần thứ 18 khai mạc vào ngày 8/11 tới. Tổng cộng 1,4 triệu tình nguyện viên đã được triển khai để hỗ trợ an ninh cho cuộc họp của các lãnh đạo hàng đầu đất nước.

Truyền thông Trung Quốc cho hay, công tác kiểm tra cũng được tăng cường khắp các nút giao thông công cộng ở Bắc Kinh. Giới chức an ninh đã gia tăng giám sát các chuyến tàu từ vùng tây bắc bất ổn Tân Cương, nơi chủ yếu là người theo đạo Hồi sinh sống.

Vấn đề an ninh trước thềm đại hội đảng đang là chủ đề được các cư dân mạng bàn tán sôi nổi trên các mạng xã hội lớn của Trung Quốc. Một thành viên của mạng Sina Weibo cho hay anh này đã được yêu cầu điền vào một tờ khai các thông tin cá nhân và điểm đến, khi lên một chiếc taxi. Một người khác kể rằng anh này không được phép mua một con dao vì đây là mặt hàng nằm trong lệnh hạn chế buôn bán.

Đại hội đảng lần thứ 18 của Trung Quốc sẽ kéo dài khoảng một tuần, với sự tham dự của 2.000 đại biểu. Tại sự kiện này, cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo mười năm có một được cho là sẽ diễn ra, với việc Phó Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến trở thành tổng bí thư đảng Cộng sản, thay cho ông Hồ Cẩm Đào.

Anh Ngọc
VNexpress
----------
Chìm tàu ở Ấn Độ Dương, 130 hành khách mất tích

Theo hãng tin AFP, cảnh sát Bangladesh và một nhóm ủng hộ người Hồi giáo Rohingya ngày 31/10 cho biết khoảng 130 hành khách đang mất tích sau khi một tàu chở những người tị nạn Rohingya bị đắm tại khu vực hải giới giữa Myanmar và Bangladesh.

Theo Thanh tra cảnh sát Mohammad Farhad tại Teknaf, vùng đất mũi Đông Nam Bangladesh, 1 trong 6 người sống sót sau vụ đắm tàu cho hay trên tàu có khoảng 135 hành khách.

Con tàu này đã rời làng Sabrang ở Bangladesh hôm 27/10 và hướng tới Malaysia./.

(Vietnam+)
---------
 Tổng thư ký LHQ sẵn sàng thăm Triều Tiên

Ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi Hàn Quốc hỗ trợ Triều Tiên giải quyết những khó khăn về kinh tế.

Phát biểu trong chuyến thăm Hàn Quốc hôm 30/10, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon bày tỏ sẵn sàng thăm Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên nhằm thúc đẩy hòa bình trên bán đảo này.

Ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi Triều Tiên đáp lại những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng kêu gọi Hàn Quốc hỗ trợ Triều Tiên để giải quyết những khó khăn về kinh tế.

Hiện ông Ban Ki-moon đang có chuyến thăm Hàn Quốc kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ hôm 28/10. Ông từng đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng Hàn Quốc trước khi trở thành Tổng thư ký thứ 8 của Liên Hợp Quốc vào năm 2006./.

Vũ Anh Tuấn/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters
---------------
 Thống đốc gặp vạ vì đeo đồng hồ nạm vàng

 Lãnh đạo nước cộng hòa Udmurtia (thuộc Liên bang Nga) vừa bị một blogger “chọc ngoáy”, sau khi một bức ảnh ông đeo một chiếc đồng hồ đắt tiền được xóa khỏi ảnh bằng kỹ thuật photoshop.

Bức ảnh được dùng làm áp phích treo trước cổng chính vào sở thú Izhevsk, cho thấy ông Volkov đeo chiếc đồng hồ Breguet Classique Grande Complication nạm vàng 19 carat giá 123.000USD đang vuốt ve một con báo con. Theo blogger Andrei Konoval, giá của chiếc đồng hồ vượt quá mức lương hằng năm 3,6 triệu rúp (116.000 USD) của ông Volkov.

Các blogger phát hiện chiếc đồng hồ hồi đầu tuần trước nhưng đến thứ sáu qua, nó biến mất khỏi bức áp phích, thay vào đó là một chiếc đồng hồ khác không có thương hiệu và xem ra rất rẻ tiền. Kovoval nói xem kỹ thì chiếc này được dán đè lên chiếc “xịn” kia. Các blogger nhắc lại: khi tranh cử, ông Volkov đã kêu gọi cử tri đang gặp cơn khó khăn tài chính nên cần thắt lưng buộc bụng.

Volkov, 60 tuổi, làm thống đốc Udmurtia từ 19 năm nay, đã quyết định giữ im lặng, trong khi người phát ngôn Viktor Chulkov của ông khẳng định với Hãng tin RIA Novosti, rằng ông chưa bao giờ thấy “thủ trưởng” đeo chiếc Breguet sản xuất tại Thụy Sỹ, và có lẽ phe đối lập “chơi xỏ” ông Volkov.

Theo báo Izvestia, ông Volkov “đổ tội” cho các nhà tạo dựng áp phích, là những tay thợ tự do không tên tuổi đã “cố tình tô đẹp hình ảnh thống đốc” bằng cách “vẽ” chiếc đồng hồ đắt tiền vào ảnh. Nhưng báo điện tử Rusnovosti.ru cho tải nhiều ảnh ông Volkov đeo một chiếc đồng hồ giống chiếc Breguet, tuy độ nét không rõ để có thể kết luận đó là chiếc đồng hồ ấy.
Theo Thế giới & Hội nhập
----------
Mỹ-EU khởi động đàm phán thương mại

 Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang khởi động các cuộc đàm phán chính thức về một thỏa thuận nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác thương mại xuyên Đại Tây Dương lớn nhất trên phạm vi thế giới.
Hãng tin Reuters cho biết, một báo cáo của nhóm chuyên gia làm việc dưới sự chỉ đạo của Cao ủy phụ trách Thương mại của EU, Karel De Gucht, và Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk, sẽ được công bố trong tháng 12 tới.
 
Theo giải thích của một quan chức EU: "Báo cáo sẽ đề nghị đàm phán về một thỏa thuận toàn diện giữa Mỹ và EU. Tuần trước, Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại với Mỹ có thể bắt đầu vào năm 2013. Mỹ và EU tiếp tục có những bước tiến liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế. Với sự hỗ trợ mới về chính trị, một hiệp ước thương mại xuyên Đại Tây Dương đang được xây dựng."

Trong tháng Sáu vừa qua, nhóm chuyên viên cấp cao Mỹ-EU về Việc làm và Tăng trưởng đã công bố báo cáo sơ bộ nêu rõ đây sẽ là một thỏa thuận tiềm năng bao gồm thuế quan, hàng rào phi thuế quan, các vấn đề pháp lý, dịch vụ, đầu tư, mua sắm, quyền sở hữu trí tuệ và các quy tắc.

Tại một cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Mexico, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng thừa nhận: "Mỹ và EU đã đồng ý về những bước tiếp theo để đàm phán về một thỏa thuận nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại vốn rất sâu sắc của hai bên và đối tác đầu tư." Một thông báo chính thức dự kiến công bố sau cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và nếu các cuộc đàm phán thương mại bắt đầu vào đầu năm tới, một thỏa thuận có thể được ký kết trước khi kết thúc năm 2014.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, quan hệ đối tác Mỹ-EU vẫn là nền tảng cho một trật tự kinh tế quốc tế. Dù cho ông Barack Obama hay ông Mitt Romney chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-EU sẽ trở thành một ưu tiên trong chính sách của Mỹ.

EU đã có một thỏa thuận thương mại với Mexico và gần đây mới ký với Canada, được kết hợp với một thỏa thuận với Mỹ trong tương lai, tạo cơ sở cho một khu vực thương mại tự do NAFTA-EU. Điều này sẽ là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy các mục tiêu tạo ra một liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Theo TTXVN
---------
Vào NATO và EU giúp Bosnia & Herzegovina ổn định

Mỹ tin rằng việc Bosnia & Herzegovina gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) là con đường tốt nhất giúp nước này có được sự ổn định bền vững và thịnh vượng.

Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sau cuộc hội đàm với Hội đồng tổng thống Bosnia & Herzegovina, ngày 30/10 tại Sarajevo, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du năm quốc gia vùng Balkan cùng với Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Catherine Ashton.

Ngoại trưởng Clinton nhấn mạnh rằng vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Bosnia & Herzegovina là không phải bàn cãi, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo Bosnia and Herzegovina tìm kiếm lập trường chung và hành động vì lợi ích của người dân của quốc gia vùng Balkan này.

Tiếp đó, Ngoại trưởng Mỹ và Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU đã tới Cộng hòa Serbia để hội đàm với các nhà lãnh đạo nước này. Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic và Thủ tướng Ivica Dacic, Ngoại trưởng Clinton và bà Ashton hối thúc Cộng hòa Serbia bình thường hóa quan hệ với Kosovo để bảo đảm một nền hòa bình ở khu vực Balkan, dù không công nhận nền độc lập của vùng lãnh thổ ly khai này.

Theo bà Clinton, đối thoại giữa Belgrade và Pristina "không đòi hỏi Serbia phải công nhận Kosovo" và các bên cần phải nghiêm túc thực hiện thỏa thuận đã đạt được với sự trung gian của EU, tập trung vào các biện pháp giúp bình thường hóa quan hệ để người dân nơi đây được sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ và EU đều khẳng định tương lai của Serbia là ở trong EU.

Tối 30/10, Ngoại trưởng Clinton cùng bà Ashton đã tới thủ phủ Pristina của Kosovo nhằm hối thúc lãnh đạo vùng lãnh thổ ly khai này nỗ lực hơn nữa để nhanh chóng gia nhập NATO và EU.

Serbia, cùng với Nga và nhiều nước khác, vẫn không công nhận nền độc lập của Kosovo, vùng lãnh thổ đã được khoảng 90 nước; trong đó có các nước thành viên EU và Mỹ, công nhận.

Bất đồng về quy chế của Kosovo vẫn là trở ngại chính ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong khu vực này sau khi Liên bang Nam Tư tan rã./.

(TTXVN)
----------
Ngoại trưởng Mỹ Clinton công du khu vực Balkan

Theo AFP, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 30/10 đã tới Pristina sau khi thúc giục Serbia bình thường hóa quan hệ với Kosovo để đảm bảo một nền hòa bình tại Balkan, dù không công nhận nền độc lập của vùng lãnh thổ ly khai này.

Theo kế hoạch, bà Clinton và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton, quan chức cùng tham gia với bà Clinton trong một phần chuyến công du năm nước Balkan của bà, sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Kosovo trong ngày 31/10.

Dự kiến hai quan chức ngoại giao này sẽ hối thúc Pristina đẩy mạnh nỗ lực hội nhập vào EU và NATO để đảm bảo hòa bình trong khu vực Balkan bất ổn.

Trước đó, tại Beograd (thủ đô Serbia), sau khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo Serbia, bà Clinton tuyên bố: "Mỹ hối thúc tất cả các bên thực thi những thỏa thuận đạt được cho đến nay (trong các cuộc đàm phán do EU làm trung gian giữa Beograd và Pristina), và tiến tới các biện pháp cụ thể nhằm bình thường hóa quan hệ."

Washington là một trong những nước chính ủng hộ nền độc lập của Kosovo, vùng lãnh thổ đã tuyên bố độc lập vào năm 2008, tuy nhiên bà Clinton khẳng định đối thoại giữa Beograd và Pristina "không đòi hỏi Serbia phải công nhận Kosovo. Chúng tôi hiểu những khó khăn về hiến pháp và chính trị trong vấn đề này."

Đáp lại, Thủ tướng Serbia Ivica Dacic đã hoan nghênh tuyên bố của bà Clinton. Ông nói: "Chúng tôi sẽ không công nhận Kosovo độc lập song chúng tôi sẵn sàng... đàm phán và cho rằng điều này nên gắn với việc đẩy mạnh việc hội nhập với châu Âu của chúng tôi." Ông cho biết thêm đã thống nhất với bà Ashton rằng họ sẽ họp vào tháng 11 tới.

Serbia vẫn quyết không công nhận nền độc lập của Kosovo, vùng lãnh thổ đã được khoảng 90 nước trong đó có 22/27 thành viên EU cũng như Mỹ, công nhận.

Bất đồng về quy chế của Kosovo vẫn là trở ngại chính ảnh hưởng tới các mối quan hệ trong khu vực này sau khi Nam Tư cũ tan rã./.

(Vietnam+)
---------
Các tập đoàn dầu khí phương Tây phớt lờ yêu cầu của Iraq

Bất chấp việc không được LHQ và chính phủ trung ương Iraq công nhận là một quốc gia độc lập, các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới vẫn ký hợp đồng khai thác dầu mỏ với khu vực Kurdistan ở miền Bắc Iraq.

Năm ngoái, ExxonMobil đã ký một hợp đồng thăm dò dầu khí độc lập với Kurdistan bất chấp những đe dọa từ Chính phủ Iraq. Chính phủ Iraq đã cảnh báo sẽ cấm ExxonMobil nếu họ ký hợp đồng đó với Kurdistan. Chevron và các công ty khác phớt lờ những đe dọa của Iraq, cũng sớm theo chân ExxonMobil. Tuần này, Kurdistan đã xuất lô dầu mỏ độc lập đầu tiên của họ ra các thị trường quốc tế theo một hợp đồng với Gemel, một công ty liên doanh Anh-Thổ Nhĩ Kỳ, do cựu giám đốc BP Tony Hayward đứng đầu và được sự hỗ trợ của các công ty tài chính toàn cầu Nathaniel Rothschild và Paulson & Co.

Sự đe dọa của Iraq đối với những công ty này và yêu cầu công nhận chủ quyền của Badghdad đối với Kurdistan đã trở nên vô ích bởi vì trữ lượng dầu khí khổng lồ ở khu vực Kurdistan quan trọng hơn những tế nhị ngoại giao. Trong khi các nguồn tài nguyên năng lượng lớn, nhưng hoạt động kém hiệu quả ở miền Nam Iraq, suy yếu do những đấu đá nội bộ trong chính phủ và sự bỏ bê, quan liêu, khu vực Kurdistan ở miền Bắc đang trở thành một trong những khu vực khai thác năng lượng nóng và có lãi nhiều nhất thế giới. Ước tính trữ lượng dầu mỏ ở khu vực này lên tới 45 tỷ thùng, trong khi trữ lượng khí đốt tự nhiên là khoảng 6.000 tỷ m3.

Ảnh hưởng đang tăng lên của Kurdistan đối với các khu vực còn lại của Iraq cũng có thể khiến những người Kurds, vốn ủng hộ phương Tây, tuyên bố đốc lập và chính thức tách khỏi Iraq trong một cuộc nội chiến. Phía nam của biên giới Kurdistan hiện nay là những vùng đất giàu dầu mỏ, trong đó có những thành phố lớn của người Kurds là Mosul và Kirkuk, thủ phủ truyền thống của họ, nơi những người Kurds đã bị cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein trục xuất để "Arập hóa" khu vực này.

Nếu người Kurds thành công trong việc thiết lập một nhà nước độc lập tại tất cả các vùng đất lịch sử của họ ở bên trong Iraq, một nước Iraq bị thu hẹp nhiều sẽ mất quy chế mà họ mới giành được gần đây là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong khi Kurdistan có thể nổi lên là một trong những quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn nhất Trung Đông. Việc các công ty dầu mỏ lớn sẵn sàng cự tuyệt Iraq để "bắt tay riêng" với Kurdistan là sự "đánh cược" rằng Iraq sẽ không có khả năng giành lại quyền kiểm soát đối với Kurdistan.

Sự đánh cược này dường như là đúng, phần lớn do hậu quả của cuộc chiến tranh Iraq. Với việc Mỹ bất ngờ rút quân khỏi Iraq mà không đảm bảo sự có mặt quân sự hiện nay, Iraq và các nguồn dầu mỏ của nước này ngày càng rơi vào sự kiểm soát của Iran, khiến phương Tây thất vọng. Phương Tây dường như sẽ hỗ trợ Kurdistan trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Iraq. Một nhà nước Kurds ủng hộ phương Tây sẽ từ chối các nguồn năng lượng của Iran và khiến Tehran gặp khó khăn hơn nữa. Hơn nữa, một nhà nước Kurds có thể là một đồng minh tiềm tàng của phương Tây tại Trung Đông, làm giảm sự trỗi dậy của tổ chức "Anh em Hồi giáo" ở khắp khu vực, gia nhập liên minh với Israel, đối tác đáng tin cậy duy nhất của phương Tây tại Trung Đông.

Mặc dù một Iraq được Iran hỗ trợ có thể không khoanh tay đứng nhìn việc Kurdistan li khai, nhưng họ khó có thể thành công trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Thứ nhất, người Kurds là những chiến binh dũng mãnh trong suốt lịch sử 2.500 năm của họ. Thứ hai, giấc mơ độc lập của người Kurds, được hứa hẹn sau khi Đế chế Ottoman sụp đổ sau Chiến tranh thế giới thứ I, là một "mệnh lệnh quốc gia". Với vũ khí của Mỹ và Israel, đã giúp người Kurds kháng cự trong nhiều thập kỷ, người Kurds dường như sẽ được nhiều hơn trong một trận chiến chống lại sự phản đối của Iraq. Ngành dầu mỏ biết cách thức chơi con bài địa chính trị.

Nh.Thạch (Theo Post National, Petrotimes)
-------
ASEAN-LHQ kêu gọi giúp Myanmar giải quyết xung đột giáo phái

Hàng chục ngàn người Myanmar đã phải rời bỏ nhà cửa do bạo lực giáo phái ở miền nam nước này.

Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Surin Pitsuwan hôm 30/10 cảnh báo cuộc xung đột giáo phái tại bang Rakhine, miền Tây Myanmar, không chỉ là vấn đề bạo lực tôn giáo mà có thể lây lan, đe dọa an ninh và ổn định của toàn khu vực.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Kuala Lumpur, Malaysia, ông Pitsuwan nhấn mạnh rằng, đây không chỉ là một vấn đề giữa người Hồi giáo và người Phật giáo mà là vấn đề về cấu trúc thể chế, dân chủ, nhân quyền và hòa giải dân tộc.

Ông cảnh báo vấn đề này có thể lan rộng rất nhanh chóng, đồng thời kêu gọi quốc tế giúp Myanmar giải quyết tình trạng xung đột giáo phái hiện nay: “ASEAN sẽ viện trợ nhân đạo cho người dân Myanmar nhằm giúp giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay. Ngoài ASEAN, chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế, trong đó Liên Hợp Quốc đóng vai trò trung tâm, cũng sẽ tích cực giúp Myanmar thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc”.

Cùng ngày, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) đã kêu gọi tạo điều kiện để những người đang phải sơ tán do tình trạng bạo lực giáo phái ở miền Tây Myanmar tiếp cận được với viện trợ nhân đạo. Người phát ngôn của UNHCR, ông Adrian Edwards cho biết trong các cuộc đụng độ tuần qua, ước tính có 28.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đến các trại tị nạn ở thành phố Sittwe, thủ phủ bang Rakhine. UNHCR cũng đã gửi vải dầu đến để dựng nhà cho khoảng 2.000 người và cung cấp mềm chăn và màn chống muỗi cho Sittwe.

Theo truyền thông chính thống của Myanmar, các cuộc bạo động tái bùng phát tại bang Rakhine đã được kiểm soát vào ngày 27/10, và tình hình đã trở lại bình thường. Làn sóng đụng độ mới nhất này giữa người theo đạo Hồi và người theo đạo Phật đã làm 84 người thiệt mạng và 129 người bị thương chỉ trong một tuần từ 21-27/10./.

Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
Theo TTX, Reuters
----------
Nhật giúp Myanmar đảm bảo nguồn cung điện năng

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yukio Edano ngày 30/10 đã thể hiện sẵn sàng muốn giúp Myanmar đảm bảo nguồn cung điện năng ổn định.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng điện lực Myanmar Khin Maung Soe đang ở thăm Nhật Bản, ông Edano đã hy vọng rằng việc nối lại các khoản vay bằng đồng yen vào năm tới sẽ được sử dụng để giải quyết các vấn đề ở Myanmar, nước đang gặp khó khăn bởi nguồn cung điện năng không ổn định do phụ thuộc vào các nhà máy thủy điện phụ thuộc vào thời tiết.

Phát biểu trong cuộc gặp, ông Edano nói: “Phát triển các hệ thống cấp điện là vấn đề quan trọng không chỉ đối với đời sống của người dân, mà còn đối với cả các doanh nghiệp. Chúng tôi muốn tích cực hợp tác và mong muốn ông tham quan kỹ công nghệ mũi nhọn và kinh nghiệm của Nhật Bản trong chuyến thăm này."

Phía Nhật Bản cho rằng việc cung cấp điện ổn định ở Myanmar cũng sẽ giúp khuyến khích các công ty Nhật Bản đầu tư vào nước này.

Sự phụ thuộc của Myanmar vào thủy điện đã gây ra tình trạng cắt điện luân phiên tại Yangon cho tới hết mùa khô, gây ra sự bất bình trong cư dân.

Bộ trưởng điện lực Khin Maung Soe dẫn đầu đoàn quan chức ngành điện lực Myanmar đang ở thăm Nhật Bản theo lời mời của Bộ trưởng Edano.

Hồi đầu tháng 10, Nhật Bản đã tuyên bố sẽ nối lại các khoản vay bằng đồng yen cho Myanmar vào đầu năm tới sau 26 năm gián đoạn nhằm giúp nước này chuyển sang chế độ dân chủ./.

M.Sơn (Vietnam+)
-------
Việt Nam-Liên minh châu Âu tăng cường hợp tác

 Từ ngày 31/10 đến 2/11, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy và phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm này khẳng định Liên minh châu Âu coi Việt Nam là đối tác có thể tăng cường hợp tác.
                      
Cuối tháng 6/2012, một ngày trước khi Việt Nam và Liên minh châu Âu ký Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. Hiệp định mới thay thế cho văn bản ký năm 1995 bao gồm những thay đổi cơ bản trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Âu.
 
Ông Daniel Calleja, Cao ủy Liên minh châu Âu về Năng lượng và Công nghiệp khẳng định: “Việt Nam phát triển nhanh, có nhiều tiến bộ rất quan trọng. Tôi cho là kinh tế Việt Nam và kinh tế châu Âu có thể phối hợp và bổ sung cho nhau rất nhiều. Có nhiều khả năng hợp tác giữa hai bên trong đào tạo, phát triển công nghiệp, kỹ nghệ, trong sản xuất năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. Châu Âu có những doanh nghiệp mạnh trong những lĩnh vực này và có thể đóng góp cho sự phát triển bền vững cho Việt nam”.
 
Liên minh châu Âu hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 25 tỷ USD. Vào đầu tháng 10 tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên liên quan đến một Hiệp định thương mại tự do.
 
Ông Pedro Serrano, Vụ trưởng châu Á - châu Úc, Bộ Ngoại giao Liên minh châu Âu:  nhấn mạnh: “Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam sẽ góp phần đẩy nhanh quan hệ thương mại, đem lại lợi ích cho cả người dân Việt Nam và người dân châu Âu. Nội dung không chỉ liên quan đến việc gỡ bỏ các rào cản thuế quan, mà còn là gỡ bỏ những cản trở phi thuế quan, để bảo đảm thực sự có một quan hệ thương mại có lợi cho cả hai bên”.
 
Từ lúc Việt Nam và Liên minh châu Âu ký Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện đến nay chưa được nửa năm, nhưng rất nhiều phần việc đã được triển khai, trên nhiều lĩnh vực hợp tác mới.
 
Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Đại công quốc Luxembourg và Liên minh châu Âu: “Việt Nam đã cử một đoàn liên ngành sang làm việc với các cơ quan có liên quan của Liên minh châu Âu về rất nhiều lĩnh vực. Đây là một điểm mới trong hợp tác giữa Việt Nam và EU. Cụ thể là lĩnh vực chống khủng bố, an ninh, quốc phòng và kể cả xử lý lĩnh vực khủng hoảng.

Tác giả : Hồng Quang
(VTV)
------------
Hy Lạp thoát nguy cơ vỡ nợ

Chính phủ Hy Lạp vừa đạt được thỏa thuận giảm chi tiêu nhằm nhận giải ngân gói cứu trợ vào tháng sau để thoát nguy cơ vỡ nợ.

Chính phủ Hy Lạp vừa đạt được thỏa thuận giảm chi tiêu nhằm nhận giải ngân gói cứu trợ vào tháng sau để thoát nguy cơ vỡ nợ.

Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras cho biết, nếu thỏa thuận tiếp tục được quốc hội thông qua và kế hoạch ngân sách được thông qua, Hy Lạp sẽ tiếp tục ở lại eurozone và thoát khủng hoảng.

Theo thỏa thuận, Hy Lạp chấp nhận giảm chi tiêu 13,5 tỷ USD đồng thời tiến hành cải cách lao động. Ngoài ra, một trong những điều kiện mà các chủ nợ đưa ra là Hy Lạp phải đóng cửa một số tổ chức chính phủ.
( Stox)
-----
Indonesia: Hàng nghìn người sơ tán vì bạo lực sắc tộc

Cảnh sát Indonesia ngày 30/10 cho biết đã có 12 người thiệt mạng và hơn 1.600 người phải sơ tán do các cuộc đụng độ sắc tộc tại đảo Sumatra.

Nữ phát ngôn viên của cảnh sát tỉnh Lampung cho AFP biết: "Đụng độ giữa người dân tại hai làng thuộc tỉnh Lampung đã làm 12 người thiệt mạng và 1.663 người phải sơ tán."

Bà cũng cho biết hơn 2.000 cảnh sát được triển khai để ngăn chặn bạo lực tại khu vực phía Nam của đảo Sumatra sau khi nổ ra xung đột hôm 27/10, và tình hình hiện giờ đã ổn định.

Theo truyền thông địa phương, đã xảy ra bạo lực giữa người dân của cộng đồng người Bali theo đạo Hindu chiếm đa số tại làng Balinuraga và người dân làng Sidoreno, nơi tập trung chủ yếu người theo Đạo hồi, sau khi hai phụ nữ trẻ của một làng được cho là bị những người đàn ông của làng kia quấy rối./.

(Vietnam+)




 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te