TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 01-11-2012


Philippines công bố 3 gói thầu mua máy bay

Flight Global trích dẫn nguồn tin Không quân Philippines cho biết, trong 12 tháng tới nước này sẽ công bố gói thầu cung cấp vận tải cơ, trực thăng, máy bay huấn luyện chiến đấu.

 Ngân sách cho kế hoạch mua các trang thiết bị quân sự này không được tiết lộ. Trước mắt, Philippineses sẽ công bố một hồ sơ dự thầu cung cấp máy bay huấn luyện chiến đấu - cường kích hạng nhẹ.

Theo nguồn tin, yêu cầu của Không quân Philippines là máy bay huấn luyện T/A-50 Golden Eagle (một phiên bản của T-50 Golden Eagle), thế nhưng quyết định mua loại này đã không được chấp thuận.

Như vậy cuộc đua giành quyền cung cấp máy bay huấn luyện chiến đấu - cường kích hạng nhẹ cho Không quân Philippines vẫn còn hy vọng cho ứng viên M-346 Master (Italia), Yak-130 (Rosoboronexport) và Hawk (BAE System).

Bộ Quốc phòng Philippines đang hoàn tất một số yêu cầu đưa ra. Theo đó những máy bay đầu tiên sẽ phục vụ trong kế hoạch năm 2014-2015.

Những chiếc máy bay mới sẽ sử dụng để đào tạo các phi công tiêm kích cũng như tham gia chiến đấu, ngoài ra, chúng phải sử dụng kết hợp được với máy bay huấn luyện chiến đấu cận âm Aemacchi S-211 mà Không quân Philippines có trong biên chế.

Bộ Quốc phòng Philippines cũng dự định mua thêm máy bay vận tải quân sự C-130, hai máy bay vận tải hạng trung và ba vận tải cơ hạng nhẹ. Chúng sẽ bổ sung vào đội bay vận tải quân sự hiện có của không quân nước này với hai C-130H và một chiếc C-130B Hercules.

Về lực lượng trực thăng, Bộ quốc phòng Philippines dự định tổ chức đấu thầu để khôi phục, sửa chữa và nâng cấp 21 trực thăng UH-1.

Nội dung cần thiết phải thực hiện là thay thế các bộ truyền động, thay động cơ và một số thành phần của thân máy bay. Theo đó, những trực thăng được hiện đại hóa sẽ phục vụ Quân đội Philippines không muộn hơn năm 2014.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2012, Chính phủ Philippines đã thông qua ngân sách 2,9 tỷ USD cho quốc phòng năm 2013. Số tiền này sẽ giành nhiều cho việc mua mới và hiện đại hóa các trang bị quân sự, vũ khí hiện có của quân đội quốc đảo này. 

Thu Hoài (theo Lenta, ĐVO)
----------
Mỹ điều thêm quân cùng tàu chiến tới Vịnh Persian

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, ngày 31/10, Mỹ đã điều thêm một nhóm các tàu chiến chở lính thủy đánh bộ tới vùng Vịnh Persian.
 
Theo Cơ quan thông tin báo chí Hải quân Mỹ, thêm một nhóm tàu đổ bộ Mỹ cùng tiểu đoàn lính thủy đánh bộ tới Vịnh Persian.
 
Thành phần nhóm tấn công đóng quân tại San Diego (California) bao gồm tàu đổ bộ Peleliu, tàu vận tải trực thăng đổ bộ Green Bay, tàu vận tải Rushmore, tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một đơn vị đặc nhiệm, phi đội chiến đấu và các trực thăng vận tải quân sự, cũng như phi đội chiến đấu cơ cất cánh và hạ cánh thẳng đứng.
 
Ngoài ra, nhóm còn có một tàu ngầm hạt nhân. Tổng số thủy quân lục chiến và thủy thủ là 2.400 người.
 
Thời hạn có mặt ở Trung Đông của nhóm tàu sẽ kéo dài khoảng sáu tháng. Hải quân Mỹ cho biết, nhóm có thể được huy động thực hiện hàng loạt nhiệm vụ.

Trong số này có các nhiệm vụ chiến đấu, hỗ trợ nhân đạo, chống hải tặc, cũng như duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực được triển khai./.

(Vietnam+)
--------
Trung Quốc thử thành công máy bay chiến đấu J-31

Phóng viên TTXVN tại Hong Kong đưa tin, theo báo điện tử Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) ngày 31/10, sáng cùng ngày, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công loại máy bay chiến đấu mới mang tên J-31, qua đó trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sau Mỹ sở hữu hai loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 (J-20 và J-31).

Trang web quân sự của tờ Thời báo Hoàn Cầu mil.huanqiu.com, một trang web quân sự hàng đầu của Trung Quốc Đại lục, đưa tin vụ thử nghiệm máy bay J-31 đã diễn ra thành công. Trang web này cũng đăng tải một số hình ảnh về loại máy bay chiến đấu tàng hình J-31.

Ông Andrei Chang, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng châu Á Hán Hòa có trụ sở ở Canada, nói rằng J-31 là mẫu máy bay kết hợp giữa các máy bay chiến đấu F-22 và F-35 của Mỹ.

Chiếc chiến đấu cơ này được chế tạo bởi Tập đoàn công nghiệp hàng không Thẩm Dương, chi nhánh của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc.

Các chuyên gia quân sự nhận định rằng, vụ thử máy bay J-31 chỉ là sự khởi đầu của một màn trình diễn quốc tế những kỹ thuật quân sự tiên tiến của Bắc Kinh.

Ngày 11/1/2011, Trung Quốc đã thử thành công chiếc máy bay chiến đầu tàng hình đầu tiên thuộc thế hệ thứ năm có tên J-20, do Viện Thiết kế Hàng không Thành Đô (ADI) thiết kế và chế tạo.

Vụ thử nghiệm này đã khiến cả thế giới ngạc nhiên vì không hiểu tại sao ADI có thể bí mật phát triển một loại máy bay phức tạp như vậy.

Vụ thử nghiệm diễn ra đúng ngày cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đang ở thăm Trung Quốc và có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào./.

(Vietnam+)
---------
Trung Quốc công bố gói đề xuất bốn điểm về Syria

THX/AFP đưa tin, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 31/10 đã công bố gói đề xuất bốn điểm mới của Bắc Kinh về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời hối thúc tất cả các bên tại quốc gia Trung Đông này ngừng bắn, chấm dứt bạo lực và sớm khởi động tiến trình chuyển tiếp chính trị.

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã đưa ra đề xuất trên trong cuộc hội đàm với Đặc phái viên hòa bình chung Liên hợp quốc - Liên đoàn Arập Lakhdar Brahimi đang ở thăm Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi thay thế nhà trung gian hòa giải quốc tế về Syria Kofi Annan hôm 1/9.

Theo ông Dương, tình hình tại Syria đang ở giai đoạn then chốt và quan trọng đối với các lợi ích cơ bản của người Syria, cũng như hòa bình và ổn định tại Trung Đông, đồng thời cho rằng "một giải pháp chính trị là lựa chọn thiết thực duy nhất ở Syria".

Ông khẳng định tương lai của Syria phải do chính người dân quốc gia Trung Đông này quyết định, đồng thời chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria phải được tôn trọng và bảo toàn.

Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế không ngừng nỗ lực hợp tác và ủng hộ hòa giải thông qua ngoại giao, trong khi vẫn tăng cường viện trợ nhân đạo cho Syria.

Trong diễn biến khác cùng ngày, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho hay hơn 36.000 người đã thiệt mạng kể từ khi bùng nổ cuộc nổi dậy chống chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 3/2011 và trung bình mỗi ngày có 165 người thiệt mạng kể từ hôm 1/8./.

(Vietnam+)
-------
Nga điều chỉnh luật về tội làm lộ bí mật của quốc gia

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin với 138 phiếu ủng hộ, một phiếu trắng, không có phiếu chống, Hội đồng Liên bang (Thượng viện ) Nga ngày 31/10 đã thông qua dự luật điều chỉnh, bổ sung cho điều luật về tội phản quốc (điều 275) và tội làm lộ bí mật quốc gia (điều 183) trong Bộ luật Hình sự Liên bang Nga.

Dự luật mới xem tội phản quốc không chỉ gồm việc chuyển thông tin mật cho các chính phủ nước ngoài, mà cả việc hỗ trợ tài chính, vật chất - kỹ thuật, tư vấn hoặc hỗ trợ những mặt khác cho các chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế và nước ngoài hoặc đại diện các chính phủ, tổ chức trên, để những chính phủ, tổ chức này can dự vào các hoạt động có xu hướng gây bất lợi cho an ninh của Nga, cũng như cho cơ cấu hiến pháp, sự toàn vẹn lãnh thổ và sự toàn vẹn quốc gia của Liên bang Nga.

Luật về tội phản quốc hiện hành không đề cập các tổ chức quốc tế và chỉ áp dụng đối các hoạt động phương hại an ninh đối ngoại.

Dự luật mới điều chỉnh điều luật về tội làm lộ bí mật quốc gia theo hướng tăng cường hình phạt đối với tội làm gián điệp và làm lộ bí mật quốc gia.

Văn bản này cũng bổ sung một điều luật mới vào Bộ luật Hình sự Liên bang Nga (điều 283.1), trong đó quy định tội hình sự mới, với khung hình phạt lên tới bốn năm tù giam, đối với hành vi "moi" bí mật quốc gia thông qua các hình thức trái phép như bắt cóc, hối lộ, tống tiền, cưỡng bức hay đe dọa dùng vũ lực.

Trước đó, hôm 23/10, Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua lần cuối dự luật này.

Dự luật mới, lần đầu tiên được trình lên Duma quốc gia Nga từ tháng 12/2008, chỉ có hiệu lực sau khi được Tổng thống Vladimir Putin ký ban hành./.

(TTXVN)
---------
Trung Quốc không dự diễn đàn quốc phòng Tokyo

Ngày 31/10, Diễn đàn Quốc phòng Tokyo thường niên (TDF) khai mạc tại thủ đô của Nhật Bản mà không có sự tham dự của Trung Quốc.

Trong diễn văn khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho biết diễn đàn sẽ tiếp tục thảo luận vai trò của Mỹ tại khu vực trong đối phó với các thách thức, đồng thời ông kêu gọi các nước trong khu vực hợp tác để đối mặt với những thách thức mới về an ninh và duy trì sự ổn định hòa bình của khu vực.

Phát biểu với các phóng viên sau diễn văn khai mạc, Bộ trưởng Morimoto cho biết phía Nhật Bản đã có ý định trao đổi một số quan điểm với Trung Quốc tại diễn đàn quốc tế này, song phía Bắc Kinh đã không tham dự.

Báo chí Nhật Bản đưa tin sự vắng mặt của Trung Quốc tại diễn đàn TDF năm nay là do căng thẳng giữa hai nước liên quan đến tranh chấp lãnh hải.

Diễn đàn TDF do Bộ Quốc phòng Nhật Bản tổ chức thường niên từ năm 1996, với mục đích góp phần vào ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thông qua việc tạo một diễn đàn để các quan chức quốc phòng các nước trao đổi ý kiến hoặc giao lưu quốc phòng trong khu vực.

Khủng hoảng ngoại giao giữa Tokyo và Bắc Kinh gia tăng nghiêm trọng sau khi Nhật Bản mua ba trong số năm đảo thuộc quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc thường xuyên điều tàu hải giám và ngư chính đi vào vùng biển tiếp giáp chuỗi đảo này, làm gia tăng quan ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc đối đầu Trung-Nhật ở Hoa Đông, đẩy khu vực Đông Bắc Á rơi vào bất ổn./.

(TTXVN)
-------
Campuchia nhận hàng trăm xe bọc thép

Theo Phnompenh Post, một lô hàng 140 xe tăng và xe bọc thép mà Quân đội Campuchia đặt mua đã cập cảng Sihanoukville, hôm 30/10.

Phnompenh Post dẫn lời quan chức tỉnh Preah Sihanouk cho biết, con tàu đã tới vào sáng hôm 30/10 với 100 xe tăng và chừng 40 xe bọc thép chở quân loại 8 bánh – 6 bánh.

Lãnh đạo cảng Sihanoukville Lou Kim Chhun chính thức nhận lô hàng trên, nhưng ông nay từ chối bình luận về số lượng hoặc nơi xuất xứ lô hàng. “Chi tiết thông tin các bạn có thể hỏi quan chức hải quan”, ông này nói.

Bộ Quốc phòng Campuchia vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về chuyến hàng này.

Trong tháng 9/2010, thời điểm xảy ra xung đột vũ trang giữa Campuchia và Thái Lan về tranh chấp ngôi đền cổ Preah Vihear, khi đó chính quyền Campuchia quyết định mua 94 xe tăng từ quốc gia Đông Âu – được cho là Ukraine. Cùng năm đó, Trung Quốc đã tăng cho Quân đội Campuchia 250 xe quân sự.

Hiện nay, trong kho xe tăng – bọc thép của Quân đội Hoàng gia Campuchia chủ yếu dùng xe có xuất xứ từ Liên Xô - Đông Âu, và có một phần từ Trung Quốc.

Thiên Minh (theo Phnompenh Post, ĐVO)
---------
Philippines mua 21 trực thăng UH-1, 5 tàu tuần tra

BQP Philippines đang lên kế hoạch để chi ra 1,26 tỷ peso để mua được 21 trực thăng chiến đấu đa dụng để tăng cường sức mạnh cho Không quân nước này.

Trong một thông cáo báo chí hôm 29/10, Bộ Quốc phòng Philippines nói rằng họ  có ý mua 21 trực thăng Bell UH-1 Huey đã được tân trang lại thông qua một gói hỗ trợ hậu cần bằng việc mở ra một cuộc đấu thầu mua sắm.

UH-1 là một trực thăng vũ trang đa năng từng nổi tiếng được Quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và hiện nay được gọi là Huey.

Trong động thái khác, Chính phủ Philippines cho biết sẽ chi ra 4,8 tỷ peso để mua được 5 tàu tuần tra của Pháp vào năm 2013.

Theo thông báo của Lực lượng tuần tra bảo vệ bờ biển Philippines, họ không chỉ định rõ công ty hay lớp tàu tuần tra nào được mua, nhưng khẳng định đó là một loại tàu mới, do Pháp chế tạo.

Ngoài ra, kế hoạch tới tháng 2/2013, Hải quân Philippines cũng sẽ nhận được tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai từ Mỹ, sau khi con tàu này trải qua quá trình nâng cấp và trang bị những vũ khí mới.

Thanh Dung (theo Phistar, ĐVO)
-------
Cảnh sát Hàn Quốc kiện chính phủ đòi tiền tăng ca

 Hàng ngàn nhân viên cảnh sát ở khắp Hàn Quốc đã đệ đơn lên tòa án kiện chính phủ để đòi khoản tiền làm ngoài giờ chưa được thanh toán trong suốt 3 năm qua.

Oh Seung-wook, thanh tra cảnh sát thuộc đồn cảnh sát Gusan, tỉnh Bắc Jeolla, người đại diện bên nguyên cho biết, họ đã gửi đơn lên tòa án quận trung tâm Seoul. Theo ông Oh, các sỹ quan cảnh sát bị từ chối trả tiền làm thêm ca do chính phủ đã viện dẫn sai một quy định, và như vậy là trái với luật lao động. 

Bên nguyên, gồm khoảng 5.000 cảnh sát, đã yêu cầu chính phủ bồi thường các khoản tiền làm thêm giờ trong suốt 3 năm qua, mỗi người 1 triệu won (912 USD).

Theo hãng Yonhap, Bộ Hành chính Hàn Quốc quy định viên chức không được trả đồng thời tiền làm thêm giờ và tiền làm thêm ngày nghỉ mỗi tuần. Nhân viên cảnh sát trên toàn quốc, những người phải làm việc bắt buộc hơn 40 giờ/1 tuần, thuộc phạm vi điều chỉnh này.

Được biết, năm 2009, một số cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hàn Quốc đã chiến thắng trong một vụ kiện tương tự. Hồi tháng 5 vừa qua, cảnh sát trại giam Hàn Quốc cũng đã nộp đơn kiện cùng với nội dung này.

Thùy Chi
Theo Sohu, ANTĐ
------
Các bên xúc tiến kế hoạch can thiệp quân sự vào Mali

Các chuyên gia châu Phi, châu Âu và Liên hợp quốc ngày 30/10 đã họp tại thủ đô Bamako của Mali để bàn thảo và hoàn chỉnh phương án tác chiến cho một cuộc can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali.

Tạp chí châu Phi cho biết cuộc họp kéo dài trong 5 ngày, các đại diện của Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc và Algeria sẽ thảo luận về chiến lược giải phóng miền Bắc Mali khỏi các nhóm vũ trang.

Bộ trưởng Quốc phòng Mali, Đại tá Yamoussa Camara cho rằng chiến tranh là "không thể tránh khỏi" để khôi phục chủ quyền của Mali tại miền Bắc. Song ông cho biết phải mất 2-3 tháng mới có thể phục hồi được năng lực của quân đội Mali - yếu tố chủ chốt trong chiến dịch quân sự này.

Tạp chí Maghreb dẫn một nguồn tin có thẩm quyền của Algeria cho rằng mặc dù đại diện của nước này tham gia cuộc họp tại Bamako, nhưng không có nghĩa là Algeria sẽ tham gia chiến dịch can thiệp quân sự của ECOWAS.

Algeria không có nghĩa vụ phải nói "có" hay "không" đối với chiến dịch can thiệp vì vấn đề này thuộc trách nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Quân đội Algeria sẽ không tham gia hoạt động quân sự ở Bắc Mali và cũng sẽ không có quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Algeria. Chính phủ Algeria cũng chưa có ý kiến cuối cùng về đề nghị cho máy bay nước ngoài sử dụng không phận của mình để không kích các mục tiêu ở miền Bắc Mali.

Trong khi đó, phát biểu trên Đài France Inter, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh các nước châu Phi cần phải tiến hành can thiệp quân sự vào Mali và Pháp sẽ hỗ trợ.

Ông cho rằng can thiệp quân sự là cần thiết để quân khủng bố không mở rộng được hoạt động ra toàn vùng Sahel. Theo ông, sự hiện diện của các nhóm khủng bố và mạng lưới buôn lậu vũ khí, ma túy và buôn người ở Bắc Mali là mối đe dọa đối với an ninh của Pháp nói riêng, của châu Âu nói chung.

Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết nghị quyết thứ hai của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Mali sẽ bao gồm ba vấn đề an ninh, tăng cường thể chế chính trị và thương lượng giữa Bamako với các nhóm phi khủng bố, và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Trong khi chờ AU và ECOWAS trình Hội đồng Bảo an kế hoạch can thiệp quân sự vào Bắc Mali (dự kiến vào tháng 11 tới), Tướng Sekouba Konaté, Đại diện cấp cao AU phụ trách tác chiến của Lực lượng can thiệp châu Phi (FAA), đã đến Bamako để thảo luận với chính quyền và giới chức quân sự nước này cũng như với đại diện Bộ Tham mưu quân đội các nước thành viên ECOWAS.

Trong chuyến thăm Algeria ngày 29/10, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng hối thúc Tổng thống nước chủ nhà Abdelaziz Bouteflika ủng hộ và tham gia can thiệp quân sự của các nước châu Phi vào miền Bắc Mali, nhưng không nhất thiết phải đưa quân tham chiến trên bộ.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Bouteflika, bà Clinton đánh giá cao kinh nghiệm của Algeria trong việc đối phó với những tình hình và vấn đề phức tạp ở miền Bắc Mali cũng như trong cuộc chiến chống các nhóm khủng bố và buôn bán ma túy trong vùng.

Hai bên nhất trí tiếp tục thảo luận về vấn đề Sahel và Mali thông qua các cuộc họp của chuyên gia hai nước, và trong khuôn khổ phối hợp với các đối tác trong vùng, với AU, ECOWAS và Liên hợp quốc để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề trên.

Trước đây, Algeria chủ trương giải quyết vấn đề Bắc Mali bằng thương lượng và ngoại giao, do lo ngại hành động quân sự của quốc tế vào Mali có thể đẩy các phần tử vũ trang Hồi giáo ở miền Bắc Mali sang lãnh thổ Algeria.

Tuy nhiên, Algeria ghi nhận nghị quyết của Liên hợp quốc cho phép ECOWAS lên kế hoạch can thiệp quân sự để khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Mali./.

(TTXVN)
---------
 Đài Loan bắt 8 cựu sỹ quan làm gián điệp cho Trung Quốc đại lục

 Thông tin từ cơ quan quốc phòng Đài Loan ngày 29/10 khẳng định 8 cựu sỹ quan hải quân của hòn đảo này đã bị bắt và truy tố về tội làm gián điệp cho Trung Quốc đại lục.

Theo đó trong số những người bị bắt có trung tá hải quân Chang Chih-hsin, cựu chỉ huy lực lượng chiến tranh chính trị tại Văn phòng khí tượng và đại dương hải quân. Theo thông báo của cơ quan quốc phòng Đài Loan, ông Chang đã bị điều tra ngay từ trước khi nghỉ hưu đầu năm nay.

Tài liệu điều tra cho thấy cơ quan tình báo Trung Quốc đã liên lạc với ông Chang thông qua những trung gian không rõ danh tính trong thời gian còn đương nhiệm. Ngay khi phát hiện kế hoạch làm gián điệp của Chang, cơ quan hải quân đã áp dụng các biện pháp phản gián đồng thời chuyển vụ việc lên Văn phòng công tố quân sự để mở rộng điều tra.

Theo người phát ngôn cơ quan quốc phòng Đài Loan Lo Shao-ho, ông Chang cùng 7 sỹ quan quân đội nghỉ hưu khác đã bị bắt dựa trên những bằng chứng vi phạm nêu trên và đã có những biện pháp để kiểm soát thiệt hại.

Cơ quan chức năng cũng bác bỏ những thông tin từ báo giới Đài Loan rằng ông Chang đã cung cấp cho phía Trung Quốc những thông tin mật về bản đồ biển dành cho tàu ngầm hay các dữ liệu về vùng nước xung quanh Đài Loan.

“Kết quả điều tra của chúng tôi cho thấy không có thông tin mật nào bị rò rỉ”, ông Lou nói. Đồng thời ông cho biết nhiệm vụ của ông Chang chỉ là lôi kéo và tuyển mộ thêm nhiều người cho cơ quan tình báo Trung Quốc đại lục để đánh cắp và bán các thông tin quân sự của Đài Loan.

Thanh Tùng
Theo Want China Times, Dân Trí
--------
Máy bay ném bom siêu âm Nga bị rơi

 Máy bay ném bom Su-24 của Nga bị rơi ở vùng núi Ural, Tân hoa xã dẫn nguồn tin quân sự Nga hôm 30/10.

“Đây là chuyến bay huấn luyện và vụ tai nạn xảy ra lúc 0 giờ 54 phút theo giờ Matxcơva”, ông Alexei Okatyev, công tố viên của quân khu trung ương Nga, nói.

Hai phi công trên chiếc Su-24 kịp bấm nút thoát hiểm và nhảy dù an toàn. Sau đó, họ được một máy bay trực thăng quân sự của Nga điều tới giải cứu.

Các công tố viên quân sự cho biết khu vực máy bay rơi cách ngôi làng gần nhất 40km và không có thương vong về người.

Điều tra sơ bộ cho thấy chiếc Su-24 bị rơi do gặp vấn đề với bộ đệm khí động học trên phần cánh máy bay.

Các máy bay ném bom siêu âm SU-24 có khả năng mang 7.500 kg bom, tên lửa không đối không và không đối đất.

Nguồn tin Tân hoa xã nói đã có khoảng 100 tai nạn liên quan đến các mô hình Su-24 kể từ khi nó được đưa vào phục vụ vào năm 1970. Vụ tai nạn gần đây nhất là vào tháng 2 năm nay ở vùng Kurgan, gần dãy núi Ural.
(VTC)
-----------
Ngoại trưởng Mỹ công du vùng Balkan: Tham vọng thâu tóm "vùng đệm"

 Trong lúc chiến lược "Balkan hóa" Sudan nhằm gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi của Washington đang tiến triển khả quan, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và bà Catherine Ashton, Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) hôm 29/10 đã tới Bosina và Herzegovina, mở đầu chuyến công du đến 5 nước vùng Balkan.

 Là khu vực chất chứa nguy cơ bất ổn khi xung đột giữa các nhóm sắc tộc chưa bao giờ lắng xuống, Balkan đã trở thành đối tác được Mỹ và EU lựa chọn nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của Nga trong khu vực. Vì thế, ngoài mục đích thúc đẩy "tiến trình dân chủ", chuyến thăm này còn được cho là để lôi kéo Balkan hội nhập sâu hơn vào EU và Khối quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO).

 Tại Bosina và Herzegovina, mục đích của chuyến đi đã được bộc lộ trọn vẹn khi quan chức ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ và châu Âu gửi tới Sarajevo thông điệp phải đẩy nhanh quá trình hàn gắn mâu thuẫn sắc tộc kéo dài suốt 17 năm qua. Theo đó, chỉ khi Sarajevo đạt được một bước tiến đột phá trong quá trình hòa giải thì cánh cửa của EU, NATO mới mở ra và trở thành tiền đề để quốc gia này có một chỗ dựa vững chắc hơn về chính trị, kinh tế. Trong lịch trình của chuyến công du này, ngoài chặng dừng chân tại Serbia, Kosovo và Croatia, điểm đến cuối cùng của Ngoại trưởng Mỹ và Cao ủy đối ngoại EU vào cuối tuần này là Albania với tham vọng thâu tóm "vùng đệm" của Nga. Hiện, trong số 6 nước thuộc Cộng hòa Nam Tư cũ, mới chỉ có Slovenia là thành viên của EU (từ năm 2004) và Croatia sẽ gia nhập khối này vào tháng 7/2013.                  
Cát Tường
Kinh Tế Đô Thị
---------
Xây trung tâm khoa học hạt nhân tại Hà Nội

Chính phủ Nga sẽ xây trung tâm khoa học hạt nhân tại thủ đô Hà Nội và thành phố Đà Lạt.

Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời kỹ sư Alexander Kulakov - trưởng dự án, cho biết Nga sẽ xây dựng lò phản ứng nghiên cứu công suất 15MW với toàn bộ phụ kiện tại Đà Lạt. Cơ sở tại Hà Nội bao gồm một trung tâm máy tính, tổ hợp phòng thí nghiệm, các hệ thống và thiết bị đảm bảo cho hoạt động an toàn.

Nhóm thiết kế đã tính tới điều kiện khí hậu và địa chất phức tạp của hai mặt bằng được lựa chọn, bởi hầu hết lãnh thổ Việt Nam nằm trong khu vực có hoạt động địa chấn thường xuyên.

“Chúng tôi sử dụng các giải pháp để công trình đủ sức chịu các dư chấn mạnh nhất", ông Kulakov khẳng định.

Theo Vietnam+
---------
Nga và Nam Phi hợp tác quốc phòng

Tổng giám đốc Rosoboronexport, Anatoly Issaikine cho biết Nga và Nam Phi sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quân sự.
Tại Triển lãm Hải Quân Châu Âu – cuộc triển lãm về lĩnh vực quốc phòng hàng hải và Hải Quân – diễn ra tại Paris ngày 24/10/2012 vừa qua, tổng giám đốc Rosoboronexport – đại diện cho cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga -  ông Anatoly Issaikine cho biết Nga và Nam Phi sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quân sự.

“Nga và Nam Phi có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực, gồm cả thiết kế tên lửa, hệ thống theo dõi và sản xuất đạn dược có tính chính xác cao cũng như công nghệ đóng tàu, hiện đại hóa xe bọc thép máy bay trực thăng”, ông M.Issakine "rào đón" tại Euronaval 2012 diễn ra tại Pháp.

Trong tháng 9/2012, nhiều công ty quốc phòng của Nga đã tham dự AAD – Triển lãm Quốc Phòng và Hàng không Châu Phi – diễn ra tại Pretoria, Nam Phi nhằm giới thiệu những thành tựu và công nghệ quân sự mới nhất của họ.

Nga đã trưng bày rất nhiều vũ khí và xe bọc thép lần đầu xuất hiện tại Châu Phi như xe thiết giáp trợ chiến BMPT (>> xem thêm) và biến thể nâng cấp mới nhất của xe tăng chủ lực T-72M1.

Theo ông M.Issakine, Nam Phi có nhiều “chuyên gia kỹ năng tốt” và “nguồn vật liệu chất lượng cao”. “Nam Phi có sáng kiến và công nghệ quốc phòng của riêng mình và họ đứng trong hàng ngũ các quốc gia xuất khẩu, cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho thế giới", ông Issakine nói.

Trước đó, Rosoboronexport và nhóm nhà máy đóng tàu Navantia của Tây Ban Nha đã ký một thỏa thuận cho việc cung cấp vũ khí Nga cho các tàu tuần tra của nước này.

Lê Hương (theo Armyrecognition, ĐVO)
-------
Israel nghiên cứu quân phục mới gọn, nhẹ hơn

Những binh sĩ của các lực lượng phòng vệ Israel (IDF) sẽ sớm nhận được những chiếc áo chiến đấu nhẹ và nhỏ gọn hơn và tăng cường khả năng di chuyển.

 Một người lính khi chiến đấu thường phải mang khá nặng, nhưng khối lượng này sẽ sớm trở nên nhẹ nhàng hơn. Bắt đầu từ năm 2013, tất cả các binh sĩ chiến đấu của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) sẽ được trang bị áo chiến đấu thế hệ tiếp theo.

Mô hình mới của chiếc áo này hứa hẹn sẽ hỗ trợ các binh sĩ trong hoạt động thường ngày cũng như chiến đấu. Nó nhẹ hơn, gọn gàng hơn, vừa vặn hơn, do đó đem lại cho những người lính một khả năng chuyển động linh hoạt hơn.

Hiện tại, các binh sĩ cần mặc hai chiếc áo - một để bảo vệ và một để gắn các thiết bị. Việc phải mặc hai áo đã làm tăng trọng lượng mà những người lính phải mang và do đó giới hạn khả năng chuyển động của họ, điều này là một khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chiếc áo mới này, ngược lại sẽ vừa có tác dụng bảo vệ vừa có thể mang theo trang thiết bị.

"Đây là một cải tiến đáng kể cho những người lính, chúng đã giảm tải cho họ một khối lượng đáng kể khi bớt đi một lớp áo", chỉ huy của Phòng thiết bị cá nhân thuộc ban trang thiết bị hậu cần của IDF giải thích trên trang mạng của cơ quan.

Ngoài ra, chiếc áo mới này có dạng module. Cấu trúc của nó cho phép việc bổ sung các túi để mang theo đạn dược, lựu đạn hoặc các thiết bị cần thiết khác thay đổi theo nhu cầu và quy tắc cụ thể của mỗi đơn vị.

Chiếc áo mới dự kiến ​​sẽ được chính thức ra mắt trong vài tuần tới. Nó đã được phát triển trong 2 năm qua bởi Ban thiết bị hậu cần của IDF.

Trong năm 2011-2012, 400 chiếc áo mới đã được thử nghiệm trong các tiểu đoàn được lựa chọn từ quân đoàn tình báo gồm có đơn vị đặc công Sayeret Rimon và Sayeret Egoz và các đơn vị đặc nhiệm là Duvdevan và Maglan.

“Tác dụng của chiếc áo mới này là rất tích cực và chúng tôi đang chờ đợi sự chấp thuận cuối cùng, sau đó nó sẽ được sử dụng một cách đồng loạt ", theo lời chỉ huy phòng thiết bị cá nhân thuộc ban trang thiết bị hậu cần của IDF.
Đàm Thuận (theo Defpro, ĐVO)
---------
Vạch mặt tội ác gây chấn động của chính quyền Rwanda

Các cựu tù nhân đã tố cáo với Tổ chức Ân xá Quốc tế rằng, họ bị lực lượng an ninh mật của Chính phủ tra tấn, buộc nhận một số tội danh.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International- AI) cho biết, họ có bằng chứng về việc dân thường Rwanda bị tra tấn dã man trong tù. Trong bản báo cáo vừa công bố, AI cho biết, các cựu tù nhân Rwanda đã tố cáo việc họ bị lực lượng an ninh mật của quân đội có bí danh J2 bắt và tra tấn.

Các nạn nhân thường bị giam giữ từ 10 ngày tới 9 tháng mà không được tiếp xúc với luật sư, bác sĩ hay thân nhân trong gia đình. Cụ thể, AI đã tiến hành hơn 70 cuộc phỏng vấn và ghi nhận 45 trường hợp bị giam giữ bất hợp pháp với 18 cáo buộc tra tấn.

Địa điểm giam giữ là các nhà giam trong doanh trại quân đội, các nhà tù bí mật ngay tại Thủ đô Kigali. Các thủ đoạn tra tấn phổ biến là đánh đập, cho điện giật và gây mất cảm giác để buộc phải nhận tội. Tội ác này đã diễn ra từ giữa tháng 3/2010 đến tháng 6/2012. Nhiều người trong số các nạn nhân đã bị chính quyền cáo buộc các tội danh mà họ không liên quan như đe dọa đến an ninh quốc gia. Một số người bị mất tích sau khi bị bắt.

Các vụ bắt bớ tràn lan bắt đầu diễn ra suốt từ tháng 3/2010 sau hàng loạt các vụ tấn công bằng lựu đạn tại Thủ đô Kigali. Tháng 8 năm đó, ông Paul Kagame tái đắc cử Tổng thống sau khi hai đối thủ chính của ông bị bắt giam. Những người bị bắt đã bị J2 thẩm vấn và tra tấn để buộc họ nhận là có liên quan đến các làn sóng bạo lực chống Tổng thống.

Trước cáo buộc này, Bộ tư pháp Rwanda tuyên bố thừa nhận đã có một số vụ giam giữ bất hợp pháp xảy ra, và các cá nhân sai phạm đã bị đưa ra tòa. Họ bác bỏ các cáo buộc tra tấn, bắt cóc thường dân của AI.

Được biết, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Luân Đôn này đang kêu gọi Chính phủ Anh ngừng viện trợ cho Rwanda để gây áp lực với nước này. Theo AI, các hành động bắt bớ, tra tấn tuy đã giảm bớt nhưng vẫn còn diễn ra.

Không chỉ bị tố cáo vi phạm nhân quyền với dân chúng nước mình, Tổng thống Kagame cũng đang bị các tổ chức khác cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và diệt chủng tại nước láng giềng Cộng hòa Dân chủ Công gô (DRC). Chính phủ của ông Kagame hiện đang hỗ trợ quân sự cho phe nổi dậy M23 tại nước láng giềng. Tại các khu vực kiểm soát được, M23 đã gây ra nhiều cái chết thương tâm cho thường dân.

Văn phòng tội ác chiến tranh của Mỹ, các đảng đối lập Rwanda lưu vong và Chính phủ DRC đều có chung đề nghị truy tố Kagame và các quan chức liên quan trong Chính phủ Rwanda lên Tòa án hình sự quốc tế ICC với tội danh trợ giúp và tiếp tay cho tội ác chống lại nhân loại của M23 tại DRC.

Một báo cáo mới nhất của LHQ đã xác nhận các cáo buộc nhằm vào ông Kagame là đúng và kịch liệt lên án hành vi tiếp tay cho tội ác tàn bạo của M23. Mỹ là nước phản ứng đầu tiên, bằng cách cắt giảm ngay lập tức khoản viện trợ quân sự 200.000 USD cho nước này.

Hàng loạt các quốc gia khác cũng tuyên bố ngừng viện trợ cho Rwanda, tổng trị giá các gói viện trợ này lên tới 16 triệu USD.                                       
Thanh Tùng (tổng hợp từ Guardian)
Theo Người Đưa Tin

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te