Căng thẳng ngoại giao đang leo thang với Trung Quốc đã gây chia rẽ nội bộ chính trị Philippines. Một mối bất hòa đang ngày càng lớn và gây mất ổn định đang diễn ra trong chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino.
Một mặt, ông Aquino công khai đưa ra một đường lối cứng rắn đối với các hành động khiêu khích của Bắc Kinh về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, mặt khác ông dường như ‘bí mật’ sử dụng các kênh ngoại giao “cửa sau” để duy trì mối quan hệ thương mại song phương và các mối quan hệ đầu tư với Trung Quốc.
Đấu tranh nội bộ chính trị Philippines ngày càng tăng khi ông Aquino đưa ra những lời đề nghị chiến lược với Mỹ, bao gồm cả việc kêu gọi sự hỗ trợ quân sự nhiều hơn từ Mỹ và việc yêu cầu Mỹ cung cấp các máy bay do thám để giám sát các hoạt động hải quân của Trung Quốc trong các vùng biển lân cận.
Sau khi ông Aquino chính thức đổi tên Biển Đông thành biển Tây Philippines hôm 5/9, một động thái khẳng định chủ quyền của Manila trên khu vực hàng hải đang tranh chấp và kí hiệp ước phòng thủ với Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã từ chối gặp mặt Aquino bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Nga diễn ra vào tháng trước.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Ảnh: Internet |
Mặc dù tổng thống có quyền đưa ra quyết định cuối cùng đối với chính sách đối ngoại của Philippines, nhưng Bộ Ngoại giao (DFA) lại là người nắm toàn quyền các mối quan hệ đối ngoại. Tuy nhiên, việc kiểm soát chính sách với Trung Quốc của DFA đã từng bước bị giảm đi do cạnh tranh các nhóm lợi ích.
Mặc dù ông Aquino lên án công khai sự công kích của Trung Quốc, nhưng ông đã bí mật chỉ định Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes theo đuổi một đường lối ngoại giao song song "cửa sau" với Bắc Kinh. Tuy nhiên, sự chỉ định này gây nên sự bất đồng sâu sắc với Ngoại trưởng Albert del Rosario, người chịu trách nhiệm chính thức trong những đàm phán với Trung Quốc, mặc dù các nguồn khác nói rằng Del Rosario cũng có mặt trong cuộc họp nội các khi Aquino nói chuyện với Trillanes qua điện thoại và để chế độ loa.
Khi sự việc được công khai, một số nhà bình luận cho rằng Trillanes đã vô tình bị rơi vào một cái bẫy của Trung Quốc vì thiếu kinh nghiệm ngoại giao. Các nhà bình luận này nhận đinh Bắc Kinh đã khai thác những tham vọng chính trị vừa chớm nở của Thượng nghị sĩ này bằng cách lợi dụng ông ta để chia rẽ nội bộ Philippines, khẳng định khả năng kiểm soát tốt hơn trong tranh chấp tại bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough), và cô lập các phe thân Mỹ trong Bộ Ngoại giao Philippines (DFA).
Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes. Ảnh: Internet |
Các quan chức Trung Quốc dường như đã thuyết phục Trillanes rằng họ sẵn sàng rút tàu khỏi lãnh hải đang tranh chấp xung quanh Hoàng Nham để đổi lấy một động thái của Manila có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Manila rút toàn bộ tàu thuyền ra khỏi khu vực tranh chấp thì phía Bắc Kinh chỉ rút một số tàu thuyền. Kể từ đó Bắc Kinh đã xây dựng vị trí vững chắc hơn trong khu vực bãi cạn Hoàng Nham với số lượng tàu hải giám và tàu bán quân sự ngày càng tăng.
Những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận do Trillanes thực hiện với Trung Quốc đã khiến Philippines mất các biện pháp kiểm soát trước đây mà đất nước này đã thực hiện đối với bãi cạn Hoàng Nham và vùng đầm phá quanh đó.
Cáo buộc lẫn nhau tội 'phản quốc'
Sự việc này đã gây tiếng vang trong chính trị của Philippines. Về phần mình Trillanes đã cáo buộc Ngoại trưởng Philippines Del Rosario "phản quốc" vì những thỏa thuận của ông này với Mỹ và sự phản kháng đối với Trung Quốc. Là một nhà ngoại giao kỳ cựu, người đã từng làm đại sứ của Philippines tại Mỹ, Del Rosario đã thúc đẩy việc ‘tái sinh’ mối quan hệ Philippine - Mỹ chiến lược.
Chỉ trích chính sách của DFA, Trillanes cho rằng nhiều người Philippines không quan tâm đến vấn đề Hoàng Nham và muốn có quan hệ thân mật với Trung Quốc. Ông này cũng nói rằng, theo một cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành trên 77 tỉnh Philippines của công ty Nghiên cứu Chiến lược Laylo hồi tháng 8 vừa rồi, chỉ có 69% người Philippines quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên bãi cạn đang tranh chấp.
Tàu đánh cá của ngư dân Philippines hoạt động gần bãi cạn Hoàng Nham, khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Phe Trillanes cũng đã nhấn mạnh công việc trước đây của Del Rosario dưới quyền của Manny Pangilinan, Chủ tịch công ty dầu khí Philex Petroleum, một công ty lớn có tiềm năng sẽ khai thác dầu mỏ và khí đốt tại các lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông. Họ đã công khai đặt nghi vấn về sự “vô tư” của Del Rosario trong việc giải quyết vấn đề với Trung Quốc.
Ở phía bên kia, Chủ tịch Thượng viện Enrile đã liên tiếng bảo vệ Del Rosario. Enrile cáo buộc Trillanes đã đàm phán bí mật với "kẻ thù tiềm năng" của đất nước này.
Trích dẫn thông tin do Sonia Brady, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc cung cấp, Enrile cho rằng Trillanes đã có ít nhất 16 cuộc nói chuyện với các quan chức hàng đầu của Trung Quốc. Enrile cũng bóng gió chỉ trích rằng Trillanes đưa ra cáo buộc tội "phản quốc" đối với Del Rosario, bao gồm cả những lời buộc tội rằng vị ngoại trưởng này muốn tạo ra một "sự kiện chiến tranh" để biện minh cho việc thúc đẩy quan hệ quân sự với Mỹ quân sự là do mối liên hệ của Trillanes với Trung Quốc. Bản thân ông Enrile sau đó cũng bị cáo buộc tội phản quốc vì đã tiết lộ những thông tin ngoại giao bí mật trong một phiên họp Thượng viện.
Rạn nứt trong nội bộ chính phủ đã đẩy Aquino vào một vị trí khó khăn. Nhằm ngăn chặn những bất lợi về chính trị, Aquino đã yêu cầu cả Del Rosario và Trillanes ngừng đưa ra những tuyên bố công khai về vấn đề này.
Aquino đã công khai phủ nhận tuyên bố của Trillanes rằng ông đã bí mật bổ nhiệm Trillanes làm đặc phái viên tới Trung Quốc và cho rằng ông chỉ tích cực đáp ứng với gợi ý thực hiện các cuộc đàm phán và giảm căng thẳng với Trung Quốc của Trillanes trong chuyến thăm của ông này tới Trung Quốc do các doanh nghiệp Trung Quốc-Phillipines tài trợ. Nhiều doanh nhân Phillipines đã mong chờ Trillanes có thể làm dịu mối quan hệ giữa hai nước sau khi Bắc Kinh áp đặt những rào cản đối với thương mại và du lịch song phương giữa hai nước này khi căng thẳng ở bãi cạn Hoàng Nham leo thang.
Trong một cuộc họp báo, Trillanes cho biết ông được Tổng liên hội công thương người Hoa tại Philippines (Federation of Filipino Chinese Chambers of Commerce and Industry) yêu cầu đóng vai trò trung gian để giảm căng thẳng. Chủ tịch Hãng hàng không Philippines (PAL) Lucio Tan thậm chí còn tài trợ cho ông vé máy bay hạng sang tới Bắc Kinh.
Lợi ích kinh tế
Lợi ích kinh tế của Trung Quốc đối với Philippines rất lớn. Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất của Philippines, chiếm tới 24% lượng hàng xuất khẩu năm ngoái. Trung Quốc đại lục là đối tác thương mại lớn thứ 3 của đất nước này với thương mại song phương hàng năm dao động khoảng 30 tỷ USD. Năm ngoái, hai nước đã đồng ý kế hoạch mở rộng thương mại song phương lên đến 60 tỷ USD vào năm 2016, nếu đạt được sẽ khiến Trung Quốc đại lục trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Philippines.
Những doanh nhân hàng đầu của Philippines quan tâm tới kinh doanh bán lẻ và bất động sản đang bùng nổ tại Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào đây. Du khách Trung Quốc tới Philippines là nguồn thu lớn thứ 4 trong doanh thu du lịch của Philippines năm 2011.
Bắc Kinh cũng là một nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn của Philippines với giá trị của các dự án có đầu tư Trung Quốc trên khắp Philippines lên tới gần 8 tỷ USD. Trung Quốc cũng được coi là một nguồn vốn vay ưu đãi quan trọng, chủ yếu là trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, một thành phần cốt lõi trong chương trình nghị sự kinh tế của ông Aquino.
Vì vậy, sự ủng hộ của ông Aquino đối với ngoại giao “cửa sau” của Trillanes là một nỗ lực cân bằng giữa các lợi ích kinh tế và xoa dịu Bắc Kinh trong khi công khai không lùi bước bằng những lời lẽ cứng rắn rằng sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mình. Tháng trước, Aquino cũng đã cử Bộ trưởng Nội vụ Philippines Mar Roxas sang gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chuyển tải thông điệp hoà bình tới Bắc Kinh cũng như mong muốn 2 nước giải quyết những khúc mắc gây ra bởi tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bằng giải pháp hoà bình.
Các biện pháp ngoại giao này đã giúp xoa dịu căng thẳng song phương Trung Quốc – Philippines, nhưng cuộc đấu tranh giữa các phe phái về các quan điểm khác nhau đối với Trung Quốc trong chính quyền Aquino hoàn toàn chưa được giải quyết. Khi ông Aquino càng cố gắng để cân bằng giữa những mối quan tâm an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế, thì nguy cơ đấu đá nội bộ và sự rời rạc trong chính sách sẽ ngày càng cao.
Phạm Khánh
Theo Infonet