TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines: ‘Nước xa không cứu được lửa gần’

Người Philippines lo ngại rằng do ngân sách hạn hẹp và quân đội đang bị căng trải, Mỹ khó có thể giúp đỡ họ trong một cuộc xung đột thực sự ở Biển Đông vì “nước xa không cứu được lửa gần”.

 

Nét mặt trầm tư của Ngoại trưởng Philippines. Ảnh csmonitor.com


Lợi dụng căng thẳng gia tăng Trung Quốc và Nhật Bản về tranh chấp biển đảo ở Đông Hải, Philippines vừa thông qua một sắc lệnh đổi tên South China Sea thành biển Tây Philippines. Sự quyết đoán ngày càng tăng của Philippines khi đối mặt với các mối đe dọa của Trung Quốc dựa trện tính toán rằng Trung Quốc còn bận rộn tranh chấp biển đảo với Nhật Bản và Mỹ sẽ hỗ trợ trong trường hợp các cuộc “đấu khẩu” biến thành “đấu súng” với Trung Quốc

Bị lép vế hoàn toàn về sức mạnh quân sự

Ngân sách quốc phòng của các bên tranh chấp ở Biển Đông quả là chẳng thấm vào đâu so với Trung Quốc. Trong khi ngân sách quốc phòng hàng năm của Philippines chỉ vào khoảng 1,5 tỷ USD (xếp hạng thứ 59 trên thế giới), thì Trung Quốc - cường quốc quân sự lớn thứ hai thế giới – có ngân sách quốc phòng hàng năm dự kiến lên tới 129 tỷ USD vào năm 2015. Phần lớn chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là nhằm tăng cường năng lực hải quân, trong đó có năng lực “chống xâm nhập” và khả năng viễn chinh trên các đại dương.

Nhiều nhà phân tích chiến lược cho rằng chi tiêu quân sự chính thức của Trung Quốc đã bị cố tình hạ thấp nhằm tránh gây ra sự hoảng sợ ở các nước láng giềng Đông Nam Á.

Yếu kém về quân sự là căn bệnh kinh niên của Philippines. Căn bệnh này có nhiều nguyên nhân - trong đó có việc định hướng chiến lược quá mức vào các mối đe dọa trong nước như nổi dậy và khủng bố, thiếu đầu tư hiện đại hóa quân đội, nạn tham nhũng trong mua sắm quân cụ và phụ thuộc quá nhiều vào Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ.

Khi phải đối mặt với các cuộc xâm nhập của Trung Quốc năm 1995 tại Mischief Reef, Manila không có sự lựa chọn nào khác ngoài  dựa vào hòa giải đa phương . Trong vòng 15 năm tiếp theo, đối sách của Manila với Bắc Kinh là tập trung vào ngoại giao và thương mại để tránh mọi cuộc đối đầu về lãnh thổ.

Tình hình đã thay đổi trong năm 2010,  khi Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự và bán quân tại những vùng biển gần, quyết đoán hơn trong những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Đối với nhiều quốc gia  Đông Nam Á, sự quyết đoán này đánh dấu sự chấm dứt hai thập kỷ “quyến rũ, ve vãn” của Trung Quốc  và bắt đầu thời kỳ tranh chấp lãnh thổ quyết liệt ở cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông.

Học giả nổi tiếng kiêm nghị sĩ  Philippines, Walden Bello, nhận xét: “Tình hình hiện nay phức tạp hơn, với việc hải quân Trung Quốc ngày càng trở nên có ảnh hưởng hơn trong quân đội Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc đang sử dụng các vấn đề lãnh thổ làm cầu bật để hợp pháp ảnh hưởng gia tăng trong quân đội. Hiện thời, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên ‘hậu Đặng Tiểu Bình’ và đối mặt với  một người hàng xóm lớn quyết đoán hơn và đòi hỏi chủ quyền toàn bộ South China Sea (Biển Đông)”.

"Chú Sam" nhập cuộc

Philippines vốn được cho là trung tâm của chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Người Mỹ đã quay trở lại khu vực này nhằm làm đối trọng với sự gia tăng ảnh hưởng quyền lực của Trung Quốc.

Các nhà phân tích chiến lược cho rằng chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là một nỗ lực rõ ràng chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc và bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ về tự do hàng hải trên các tuyến đường thủy quan trọng ở châu Á.

Hành động táo tợn gần đây của Trung Quốc đã khiến cho lợi ích chiến lược của Mỹ và lợi ích chiến lược của các nước đồng minh châu Á ngày càng xích lại gần nhau. Hiện chưa rõ sự xích lại gần nhau này sẽ đem lại ổn định hay làm gia tăng đối đầu. Nhưng có một điều chắc chắn là khi Philippines công khai kêu gọi tăng cường quan hệ quân sự và hợp tác quốc phòng với Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc, Bắc Kinh đã và đang phản ứng quyết liệt hơn trong những tháng gần đây.

Vốn là thuộc địa của Mỹ, Philippines đang nổi lên trở thành một nút quan trọng trong quá trình chuyển trọng tâm sang châu Á của Mỹ.

Subic và Clark - từng là hai căn cứ quân sự ở nước  ngoài lớn nhất của Mỹ - dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược mới. Mặc dù hiến pháp Philippines cấm lập căn cứ nước ngoài thường trú ở Philippines, gần đây Manila đã bày tỏ sẵn sàng để Mỹ “hiện diện luân phiên” tại các căn cứ này.

Philippines gần đây đã đón tiếp tàu chiến và máy bay chiến đấu Mỹ nhằm tăng cường khả năng tương tác song phương. Về phần mình, Mỹ có kế hoạch triển khai các máy bay chiến đấu và tàu chiến tiên tiến nhất ở khu vực, trong đó có máy bay chiến đấu EA-18G bay nhanh hơn tốc độ âm thanh và làm tắc nghẽn hệ thống phòng không của đối phương.

Lầu Năm Góc dự kiến sẽ triển khai 60% các loại tàu chiến nổi ở  khu vực, 6 tàu sân bay và phần lớn các tàu ngầm, tàu khu trục và tàu chiến hoạt động ở những vùng nước nông ven biển. Có tin nói Mỹ đã đưa 60% tổng số các đội tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài việc bán cho Philippines hai tàu tuần tra,  Washington dường như cũng đồng ý cung cấp cho Manila loại máy bay tuần tra biển Orion-3 P. Mới đây,  tàu ngầm hạt nhân USS North Carolina cũng cập cảng Subic, một động thái đáp lại hoạt động gia tăng của hải quân Trung Quốc ở vùng biển gần.

Các báo cáo được tiết lộ hồi tháng trước cho thấy Mỹ có ý định lắp đặt hệ thống radar cảnh báo sớm trên đất liền thứ hai (X-Band 2) ở Nhật Bản. Tuy Mỹ tuyên bố các hệ thống radar X-Band 2 này nhằm mục đích chống lại các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, nhưng các nhà phân tích chiến lược cho rằng đây chính là thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa chống lại chiến lược “chống xâm nhập” và tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.

Philippines có thể là một địa điểm quan trọng đối với việc mở rộng một vòng cung phòng thủ của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Việc lắp đặt trạm radar X-Band thứ 3 ở Philippines có thể là một trong những ưu tiên chiến lược hàng đầu của Mỹ.

Khó khăn về tài chính và địa chính trị

Việc diễn giải Hiệp định phòng thủ chung Mỹ-Philippines 1951 là một vấn đề khá gai góc. Không giống như chính quyền Mỹ trước đó, chính quyền Barack Obama vẫn chưa khẳng định cam kết bảo vệ Philippines trong trường hợp xảy ra tranh chấp biển đảo. Cho đến nay, những cam kết của chính quyền Obama là khá mơ hồ và không có dấu hiệu rõ ràng về ở đâu, khi nào và làm thế nào để Washington giải cứu cho Manila trong trường hợp xảy ra một cuộc đụng độ vũ trang với Trung Quốc.

Bị phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, quan hệ Washington-Bắc Kinh là mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới trong vài thập kỷ tới. Nhiều người ở Manila sợ rằng Mỹ sẽ ưu tiên bảo tồn sự ổn định hài hòa trong quan hệ với Trung Quốc hơn là việc bảo vệ các đồng minh đã ký hiệp ước phòng thủ chung  như Philippines.

Hiện cũng chưa có ai dám chắc rằng liệu Mỹ có thể rút khỏi Trung Đông và Nam Á một cách ổn thỏa và nhanh chóng hay không.  Với việc Iran đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz chiến lược nếu bị Israel tấn công, gần đây Mỹ đã buộc phải tăng cường hiện diện hải quân ở vùng Vịnh Ba Tư.

Nghị sĩ Bello nhận định: “Tôi không cho rằng Mỹ có thể chuyển trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương một cách thuận lợi và toàn diện vì nước này đang mắc kẹt ở Trung Đông, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng về chương trình hạt nhân của Iran và sự thúc ép liên tục của Israel. Nga và Trung Quốc cũng có lợi ích trong việc khiến cho Mỹ bị mắc kẹt ở nhiều nơi khác, cách xa châu Á-Thái Bình Dương”./.

 

Minh Bích (theo Asia Times Online, ĐVO)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te