TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Quân đội yếu kém - Thách thức lớn nhất của Philippines

Hồi đầu năm nay, năng lực quốc phòng yếu kém của Philippines được thể hiện rõ ràng trong cuộc tranh chấp chủ quyền hàng hải với Trung Quốc trên Biển Đông.
 

Quân đội yếu kém - Thách thức lớn nhất của quốc phòng Philippines

Philippines đang sở hữu một lực lượng vũ trang yếu kém (Ảnh minh họa).

Ngay cả Tổng thống Benigno Aquino III cũng đã phải thừa nhận sự yếu kém của quân đội nước mình trong bài phát biểu hồi tháng 7 năm ngoái: “Một số người đã mô tả Không quân của chúng ta là chỉ có toàn “Không” mà không có “quân”. Do thiếu các trang thiết bị cần thiết, quân đội của chúng ta vẫn yếu ớt ngay cả khi rơi vào tình huống hiểm nguy. Chúng ta không thể để tình trạng này tiếp tục”.

Ông Aquino hứa sẽ nâng cấp năng lực quốc phòng của Philippines nhằm bảo vệ an ninh và chủ quyền đất nước. Cụ thể, ông tuyên bố rằng 21 chiếc trực thăng UH-1H, 4 chiếc trực thăng chiến đấu, súng trường, súng cối và máy sản xuất đạn mà chính phủ ông đặt mua sẽ được chuyển giao trong năm nay. Ông cũng nói thêm rằng 10 chiếc máy bay trực thăng tấn công, 2 chiếc trực thăng hải quân, 2 chiếc máy bay hạng nhẹ, 1 chiếc tàu chiến và thiết bị bảo vệ lực lượng không quân sẽ được chuyển giao trong năm tới. Đó là những vũ khí khí tài ngoài chiếc tàu tuần duyên mà Philippines mua từ Mỹ vào năm ngoái.

Nhiều nhà phân tích quân sự ủng hộ quân đội Philippines hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh để cân bằng với năng lực quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Lẽ dĩ nhiên người dân Philippines ủng hộ kế hoạch cải thiện năng lực quân sự của đất nước. Nhưng đồng thời, người dân cũng yêu cầu chính phủ phải giải trình việc chi tiêu hàng tỷ peso trong 2 thập kỷ qua để hiện đại hóa quân sự. Họ cho rằng lúc nào cũng có ngân sách dành để mua sắm vũ khí mới nhưng một số lượng lớn tiền thuế của người dân đã bị các quan chức tham ô. Người dân Philippines lo ngại rằng nếu dư luận ủng hộ kế hoạch củng cố các lực lượng vũ trang của đất nước thì số tiền đó sẽ chỉ được dành để làm giàu thêm các tướng lĩnh và chính trị gia tham nhũng mà thôi.

Mối lo ngại của người dân Philippines không phải là không có cơ sở do tình trạng tham nhũng của các vị tướng và các quan chức quân đội nghỉ hưu đã bị Thượng viện “vạch mặt”. Ví dụ như Thượng viện Philippines tiết lộ rằng trong thời kỳ điều hành của chính phủ trước, khoản tiền 55 triệu USD mà Liên Hợp Quốc tài trợ cho các lực lượng gìn giữ hòa bình của Philippines đã biết mất. Một cựu trưởng ban quản lý quân đội bị buộc tội đã lấy cắp ít nhất 7 triệu USD từ các két sắt quốc gia. Ngoài ra, một cựu quan chức kho bạc đã vạch trần “truyền thống của quân đội” là tặng những món quà hào phóng cho các sĩ quan nghỉ hưu.

Gần đây, 10 quan chức lực lượng Cảnh sát quốc gia Philippines đã bị sa thải và buộc tội hối lộ trong khi làm trung gian cho thỏa thuận mua 2 chiếc máy bay Robinson R44 Raven loại cũ được cho là thuộc quyền sở hữu của chồng cựu tổng thống Gloria Arroyo với giá 820.000 USD.

Hiện cảnh sát cũng đang điều tra các cáo buộc rằng Cựu thứ trưởng nội vụ Rico E. Puno, một người bạn cũ của đương kim tổng thống Auino, đã được chi số tiền để mua 60.000 khẩu súng lục cho các nhân viên thi hành luật pháp nhiều hơn giá trị thực của số vũ khí này.

Các nhà phê bình đang đặt ra câu hỏi liệu có thêm vụ tham nhũng âm thầm nào còn đang được thực hiện trong quân đội hay các lực lượng an ninh khác không. Ít nhất, các nhà phê bình đang tìm cách đòi tiền đền bù cho các thỏa thuận có tham nhũng đã bị phát hiện.

Tóm lại, tình trạng tụt lùi của các lực lượng vũ trang Philippines bắt nguồn một phần không nhỏ từ những năm giới tướng lĩnh quân đội và những người bảo trợ của họ trong chính phủ dân sự. Rõ ràng là Philippines cần phải gấp rút cải thiện kho vũ khí khí tài của mình. Tuy nhiên, điều đó không nên bị đánh đổi bởi sự thiếu minh bạch trong tất cả các giao dịch.

LÊ DUNG
Theo InfoNet


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te