TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tàu Nhật 'lượn' quanh Senkaku, rình Trung Quốc?

Các tàu của Nhật đang tuần tra xung quanh quần đảo Senkaku nhằm bảo vệ quần đảo này trước bất kỳ hành động xâm phạm nào của tàu hải giám Trung Quốc hiện cũng đang có mặt tại khu vực này.

 

Tàu Nhật 'lượn' quanh Sankaku, 'rình' tàu Trung Quốc

Hai tàu tuần tra Nhật Bản chặn tàu Trung Quốc khi tàu này tiến về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng trước.

Hôm qua, tờ Asahi Shimbun (Nhật) cho biết 2 tàu hải giám Trung Quốc đã có mặt tại biên giới vùng đặc quyền kinh tế của Nhật và Trung Quốc nhưng tàu Trung Quốc không tiến về phía các hòn đảo Senkaku.

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc điều động 2 tàu Hải giám nói trên nhằm bảo vệ chủ quyền của nước này với quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

“Tình hình trên vùng biển này đang rất nguy hiểm do cả hai quốc gia đều đang điều động tàu tuần tra đến cùng một khu vực. Nguy cơ xảy ra sự cố ngoài dự kiến giữa lực lượng an ninh hai nước ngày càng tăng lên sau các hành động vừa qua”, Yoichiro Sato, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Đai học châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan ở Tokyo, nhận xét.

Nhật Bản sáp nhập quần đảo gồm 8 hòn đảo mà nước này gọi là Senkaku vào lãnh thổ của mình năm 1895 và sau đó lấy lại từ Hoa Kỳ theo hiệp ước hậu Chiến tranh thế giới lần II. Bắc Kinh gọi quần đảo này là Điếu Ngư và tuyên bố quần đảo này thuộc về chủ quyền của Trung Quốc kể từ thời xa xưa.

Trong những tuần vừa qua, cả hai nước đều lên giọng về tuyên bố chủ quyền với quần đảo này và chưa bên nào tỏ dấu hiện nhượng bộ.

Những người theo chủ nghĩa yêu nước ở Nhật Bản hối thúc đưa quần đảo này về tay Nhật, mở đầu bằng chiến dịch quyên tiền mua đảo của Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara.

Vào ngày 11/9 vừa qua, Tokyo đã phớt lờ cảnh cáo của Bắc Kinh sau khi tuyên bố hoàn thành thỏa thuận mua Senkaku từ một gia đình Nhật Bản.

Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tuyên bố: “Chính quyền và các lực lượng vũ trang Trung Quốc giữ quan điểm cứng rắn và quyết tâm không thể lay chuyển nhằm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia”.

Theo chuyên gia Jamie Metzl thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á ở New York, xung đột là có thể xảy ra do tinh thần dân tộc ở cả Trung Quốc và Nhật Bản đang dâng cao đến mức người dân bắt đầu hành xử thiếu lý trí.

“Điều cần có lúc này một giai đoạn "giảm nhiệt" sau khi tiến hành các cuộc đàm phán. Nhưng công cuộc đàm phán gặp khó khắn lớn khi một số quốc gia nhất định, đặc biệt là Trung Quốc, đang bác bỏ các nguyên tắc của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển”, ông Metzl nói.

Tuy nhiên, chuyên gia Metzl phỏng đoán rằng sẽ không xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Hầu hết các chuyên gia cũng đều cho rằng hai quốc gia sẽ không đổ máu chỉ vì vài hòn đảo không có người ở.

Theo ông Metzl, tranh chấp này là bằng chứng của cái mà ông gọi là thời kỳ hậu Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Trung Quốc không chỉ phô trương sức mạnh để gây sức ép với các quốc gia khác mà còn nhằm thử nghiệm mối quan hệ của nước này với các quốc gia khác – đặc biệt là Nhật Bản và Hoa Kỳ”, ông Metzl nhận xét.

Hiện Hoa Kỳ chưa bày tỏ quan điểm rõ ràng về chủ sở hữu của quần đảo mặc dù nước này vẫn gọi quần đảo này là Senkaku.

Tuần trước, trả lời câu hỏi của một phóng viên Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tái khẳng định Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền nhưng Washington bị ràng buộc bởi Hiệp ước hợp tác quốc phòng song phương ký kết với Nhật vào năm 1971.

Theo hiệp ước này, Mỹ có nghĩa vụ phải bảo vệ Nhật và nếu Trung Quốc dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp này với Nhật thì Nhật hi vọng Mỹ sẽ thực thi các cam kết quốc phòng này.

“Hoa Kỳ sẽ không có sự lựa chọn nào khác vì nếu tình huống đó xảy ra, Hoa Kỳ phải bảo vệ uy tín với đồng minh, không chỉ với Nhật Bản mà còn với các đồng minh khác. Mỹ không muốn bị rơi vào tình huống đó”, ông Sato bình luận.

Ông Sato cũng cho rằng trong thời điểm này, Mỹ nên ngăn chặn Trung Quốc bằng cách lên tiếng bảo vệ cam kết với Nhật Bản mạnh mẽ hơn nữa.

Lê Dung
Theo InfoNet


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te