TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Nhật Bản: Hai kế hoạch phòng vệ Senkaku

Ở Nhật Bản đang xuất hiện hai luồng ý kiến đối với kế hoạch phòng vệ quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku): bố trí lực lượng tác chiến ở Senkaku hay là “để mất sau đó sẽ giành lại.

Những người chủ trương bố trí lực lượng tác chiến ở quần đảo Điếu Ngư cho rằng việc này là nhằm ngăn chặn hành động xâm nhập trực tiếp bằng vũ lực và số lượng binh lính để bố trí cho quần đảo Điếu Ngư có thể lên tới vài nghìn người. Nhưng nếu tiến hành bố trí lực lượng ở quần đảo Điếu Ngư, vấn đề cần phải giải quyết là bảo đảm hậu cần liên tục nhằm duy trì sức chiến đấu, rốt cuộc sẽ phải tiêu hao nhiều tiền của, tăng gánh nặng cho ngân sách tài chính. Bên cạnh đó, phải thấy rằng môi trường khắc nghiệt ở quần đảo Điếu Ngư sẽ trở thành thử thách thực sự đối với kế hoạch bố trí hàng nghìn binh lính tại đây. Cho dù Nhật Bản không tiếc tiền, tiến hành vận chuyển một lượng hàng hóa hậu cần lớn để tiếp tế cho quần đảo Điếu Ngư, nhưng vẫn rất khó duy trì được tinh thần của người lính nơi đây. Ngoài ra, việc Nhật Bản bố trí lực lượng tác chiến ở quần đảo Điếu Ngư e rằng sẽ trực tiếp chọc giận hai bờ eo biển Đài Loan, đẩy căng thẳng tới bờ vực chiến tranh. Hơn nữa, việc bố trí lực lượng tác chiến ở quần đảo Điếu Ngư sẽ trở thành nguyên nhân chính làm bùng nổ chiến tranh giữa các bên liên quan.


Tàu đổ bộ Oosumi, niềm tự hào mới của Hải quân Nhật Bản hiện đại. Tàu đổ bộ Oosumi (lượng giãn nước 8.900 - 13.000 tấn) có thể chứa 2 trực thăng CH-47j, 3 tàu đổ bộ đệm khí, 10 xe tăng Type-90 cùng 330 lính hải quân đánh bộ

Những người chủ trương “để mất quần đảo Điếu Ngư sau đó sẽ giành lại” cho rằng phương án đóng quân ở quần đảo Điếu Ngư vừa tốn kém về nhân lực vừa tốn kém về vật lực, không hiệu quả và thực tế bằng việc bồi dưỡng năng lực nhằm phản kích và giành lại quần đảo Điếu Ngư một cách nhanh chóng. Việc này cũng phù hợp với quan niệm “phòng vệ theo động thái” nêu ra trong Đại cương Phòng vệ mới, cũng như khái niệm tổ chức “tự vệ” của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. “Để mất quần đảo Điếu Ngư sau đó sẽ giành lại” thực chất là không tổ chức đóng quân trực tiếp ở quần đảo Điếu Ngư mà chuyển sang thực hiện phương thức nhanh chóng động viên lực lượng phòng vệ tiến hành phản kích sau khi quần đảo Điếu Ngư bị xâm lược. Đây là cách làm hiệu quả và thực tế, nhưng có một điểm hạn chế lớn là Nhật Bản sẽ phải chịu cơn chấn động chính trị gây ra bởi việc để mất quần đảo Điếu Ngư. Tương tự, việc quần đảo Điếu Ngư rơi vào tay kẻ địch cũng là đòn giáng mạnh vào sĩ khí của binh lính Nhật Bản.

Nếu chủ trương “để mất quần đảo Điếu Ngư sau đó sẽ giành lại”, kế hoạch tác chiến bảo vệ quần đảo Điếu Ngư của Nhật Bản trước tiên chú trọng tới “tính cơ động”, nghĩa là làm thế nào để nhanh chóng động viên lực lượng sau khi nước ngoài chiếm lĩnh quần đảo Điếu Ngư nhằm đánh đuổi quân địch ra khỏi quần đảo này. Sau đó, năng lực cơ động của Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản sẽ được kiểm nghiệm thông qua việc làm thế nào để đưa lực lượng lục quân, trang thiết bị và hàng hóa hậu cần tới vùng biển của quần đảo Điếu Ngư. Tiếp đó, cũng như tất cả các hành động tác chiến đổ bộ khác, hoạt động “đánh chiếm giành lại quần đảo Điếu Ngư” của lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ phải dựa vào sự phối hợp giữa lục quân, không quân và hải quân. Trong đó, không quân phải đảm bảo giành ưu thế trên không đối với các đảo nằm trong phạm vi tác chiến, hải quân phải giành quyền kiểm soát trên biển đối với vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư, bảo vệ an toàn cho tuyến đường cung cấp hậu cần, và nhiệm vụ tác chiến đổ bộ sẽ do Lục quân Phòng vệ đảm trách. Khi hành động đổ bộ bắt đầu, hai bên sẽ không thể tránh được một cuộc hải chiến và không chiến ác liệt.

Một khi chiến tranh tại quần đảo Điếu Ngư bùng nổ, đối với Nhật Bản, đây sẽ là một cuộc chiến tranh có sự phối hợp tác chiến của ba binh chủng hải, lục, không quân. Đồng thời, nếu chiến tranh trên quần đảo Điếu Ngư nổ ra, các bên sẽ rơi vào vòng tuần hoàn “bị chiếm lĩnh, giành lại quyền kiểm soát, bị tái chiếm, giành lại quyền kiểm soát”. Thành bại thực sự của chiến tranh nằm ở mức độ nhẫn nại về chính trị của các bên sau khi chiến tranh bùng nổ. Nhưng đối với Nhật Bản, một cuộc chiến tranh trường kỳ rõ ràng là điểm bất lợi lớn.

Mới đây, khi đề cập đến Senkaku, Thủ tướng Nhật Bản Noda nhấn mạnh, để duy trì và quản lý một cách bền vững quần đảo hiện đang nằm trong tầm kiểm soát hiệu quả của Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiệm vụ cấp bách là quốc hữu hóa quần đảo này. Để đạt được mục tiêu cuối cùng đó, chính quyền trung ương cần hợp tác chặt chẽ với chính quyền thành phố Tokyo - đối tượng chính lên kế hoạch mua lại các hòn đảo ở Senkaku. Ngoài ra, Chính phủ không thể không tăng cường khả năng của Lực lượng bảo vệ biển Nhật Bản (JCG) và Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) nhằm nhanh chóng đáp trả các hành động lên đảo bất hợp pháp cũng như những vụ xâm phạm lãnh hải Nhật Bản của các đối tượng nước ngoài./.

V.V (Theo Yomiuri, Tuần san châu Á)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te