“Từ ngày 7-9 đến ngày 9-9, tại Vladivostok (Liên bang Nga) sẽ diễn ra cuộc gặp nguyên thủ các quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Tổng thống nước chủ nhà V.V.Putin sẽ tham dự các sự kiện. Đây là hoạt động đỉnh điểm trong nhiệm kỳ chủ tịch của Nga tại diễn đàn năm 2012”, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam, Ngài A.G.Kovtun chia sẻ thông tin trên tại cuộc gặp với báo chí Việt Nam sáng 4-9, tại Hà Nội.
Đại sứ A.G.Kovtun cho biết thêm, trong thời gian này, Tổng thống Putin sẽ có cuộc họp kín với các nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ. Nội dung chính trong cuộc bàn thảo sẽ là bàn về tình hình kinh tế thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bà C.Lagard, Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ được mời phát biểu với tư cách khách mời. Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh, nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu các chính phủ sẽ ra Tuyên bố chung.
Đại sứ A.G.Kovtun. Ảnh: Nguyễn Hòa |
Cơ hội để Nga phát triển vùng Siberia và Viễn Đông
Đại sứ A.G.Kovtun cho biết thêm, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức từ ngày 2-9 đến 9-9, tại Vladivostok, còn có rất nhiều các hoạt động liên quan, như các cuộc tiếp xúc song phương, các diễn đàn kinh tế ở nhiều quy mô khác nhau…
Đại sứ A.G.Kovtun cho biết, cho tới nay Nga đã chuyển cho các đối tác xem xét khoảng 100 đề xuất, dự thảo và sáng kiến. Gần một nửa trong số sáng kiến trên đã nhận được sự ủng hộ của các nước. Các chương trình ưu tiên của Nga trong APEC 2012 đó là: tự do hóa thương mại và đầu tư, hợp tác kinh tế khu vực; tăng cường an ninh lương thực; xây dựng mạng lưới vận tải, kho vận ổn định; tăng cường hợp tác để bảo đảm tăng trưởng đổi mới…Đại sứ Kovtun còn cho biết, Nga rất quan tâm đến mô hình giáo dục xuyên quốc gia, hình thành không gian giáo dục thống nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoài ra Nga cũng chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong cải thiện biện pháp quản lý hoạt động kinh tế; hợp tác trong các tình trạng khẩn cấp; hợp tác trong lĩnh vực chống tham nhũng…tất cả những hoạt động trên không chỉ góp phần tăng cường ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế mà còn giúp Nga phát triển vùng Siberia và Viễn Đông.
Việt Nam - đối tác hợp tác hàng đầu của Nga
Về quan hệ song phương với Việt Nam, Đại sứ Kovtun cũng khẳng định, chuyến thăm và dự Hội nghị của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ góp phần thắt chặt quan hệ Việt Nam – LB Nga trên nhiều lĩnh vực, đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu.
Dự kiến nguyên thủ hai nước sẽ có cuộc gặp song phương; có cuộc gặp với với doanh nghiệp Việt Nam và Nga tại Vladivostck. Hai bên cũng sẽ bàn thảo về các vấn đề liên quan tới hiệp định tự do thương mại. Về lập trường của Nga trong vấn đề này, Đại sứ Kovtun cho biết, phía Nga rất ủng hộ, quá trình chuẩn bị các tài lệu để đàm phán với Việt Nam đang chuẩn bị rất tốt.
Nhấn mạnh mối quan hệ chính trị tốt đẹp Việt Nam – Nga, Đại sứ Kovtun khẳng định, Nga coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Hằng năm hai nước đều có nguyên thủ và quan chức cấp cao thăm viếng lẫn nhau. Hiện có 3 lĩnh vực quan trọng được ưu tiên hợp tác là dầu khí, điện hạt nhân, kĩ thuật quân sự. Ngoài 3 lĩnh vực trên, hiện hai nước đang tăng cường vào những thế mạnh khác như giáo dục, du lịch, nông nghiệp…
“Tôi vẫn khuyên và nhấn mạnh với các doanh nghiệp Nga rằng, thị trường Việt Nam đối với Nga luôn là một thị trường hấp dẫn bậc nhất. Đây là thị trường có triển vọng. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng đến Việt Nam kinh doanh”, Đại sứ Kovtun nói.
Về một số vấn đề khác liên quan tới tình hình khu vực như vấn đề Biển Đông, Đại sứ Kovtun cũng khẳng định, trong Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ ngày 26 đến ngày 30-7-2012, hai bên đã nhấn mạnh, các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian Châu Á - Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và tiến tới sớm xây dựng Bộ Quy tắc về ứng xử tại Biển Đông.
Hai bên thống nhất tăng cường phối hợp hành động trong khuôn khổ Diễn đàn "Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương" (APEC), đặc biệt trong dịp Liên bang Nga giữ chức Chủ tịch APEC. Việt Nam ủng hộ các ưu tiên hoạt động của APEC năm 2012 do Nga đề xuất.
Đại sứ Kovtun cho biết thêm, lập trường của Nga trong xử lý các vấn đề quốc tế là coi trọng sự hợp tác hòa bình, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. Nga sẵn sàng hợp tác với các bên để giải quyết các vấn đề có liên quan.
NGUYỄN HÒA
Theo Quân Đội Nhân Dân