Gần đây, hải quân Nga có kế hoạch trở lại căn cứ quân sự Cam Ranh của Việt Nam. Hành động này cho thấy Nga đang xúc tiến chuẩn bị chiến lược can dự vấn đề Biển Đông, trong đó chiến lược sâu xa là nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Vịnh Cam Ranh nằm ở con đường giao thông huyết mạch nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có vị trí địa lý rất quan trọng, trong thời gian chiến tranh Việt Nam từng trở thành căn cứ không quân chủ yếu của Mỹ. Năm 1979, Liên Xô và Việt Nam đã ký một hiệp định liên quan tới vịnh Cam Ranh với thời gian thuê là 25 năm, từ đó, vịnh Cam Ranh trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài.
Ở Cam Ranh, Liên Xô đã cho xây dựng cơ sở trinh sát vệ tinh, thông tin và tên lửa phòng không cỡ lớn. Tàu sân bay của Liên Xô từng đến vịnh Cam Ranh để tiến hành bổ sung hậu cần. Tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược và tàu mặt nước lớn cũng như lực lượng hải quân lục chiến của Liên Xô đều từng đến Cam Ranh thường trú. Nhưng vào năm 2002, sau thời gian dài sử dụng, Nga (nước thừa kế chính sau khi Liên Xô tan rã) đã rút khỏi Cam Ranh. Tuy nhiên mới đây, cơ quan tham mưu hải quân Nga đã nói một cách rõ ràng rằng nước này cần quay trở lại căn cứ quân sự Cam Ranh của Việt Nam và sẽ khởi động trở lại căn cứ quân sự Cam Ranh trong 3 năm.
Tháng 7/2012, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang sang thăm Nga và có cuộc hội đàm cấp cao với Tổng thống Nga V. Putin tại khu nghỉ mát Sochi, ngỏ ý Việt Nam cho phép Nga xây dựng căn cứ tu bổ tàu thuyền ở vịnh Cam Ranh. Phía Nga cam kết cho Việt Nam vay 10 tỷ USD, trong đó khoảng 8 tỷ USD dùng để xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, phát triển quan hệ đối tác toàn diện Nga-Việt trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, quốc phòng và an ninh.
Trở lại vịnh Cam Ranh không những đảm bảo hoạt động của Hạm đội Thái Bình Dương, mà còn giúp hải quân Nga tấn công cướp biển ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nhưng quan trọng hơn là Nga có thể lợi dụng việc trở lại căn cứ quân sự vịnh Cam Ranh để "thọc" sâu sức mạnh quân sự của mình vào khu vực Biển Đông. Trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông đang nổi lên, hành động này của Nga sẽ làm cho vấn đề Biển Đông trở nên phức tạp hơn.
Tác giả cho biết mấy năm lại đây, Nga tích cực phát triển quan hệ hợp tác hữu hảo với các nước Đông Nam Á. Đặc biệt, Nga đã tích cực chủ động phát triển quan hệ với các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Việt Nam, Malaixia. Cụ thể, tháng 3/2010, Bộ trưởng Quốc phòng Nga thăm Việt Nam, nói rằng hải quân Nga sẽ giúp hải quân Việt Nam xây dựng căn cứ tàu ngầm. Tháng 8/2012, Nga bàn giao cho Việt Nam chiếc tàu hộ tống lớp Gepard thứ hai sau khi bàn giao chiếc đầu tiên cách đó 1 tháng. Đây là loại tàu chiến hiện đại thế hệ mới, dù là về mặt kỹ thuật hay về trang bị đều đạt mức cao nhất ở tầm quốc tế.
Tháng 10/2010, Tổng thống Nga khi đó là ông D.Medvedev thăm Việt Nam. Tháng 11/2010, Việt Nam và Nga ký hiệp định liên quan tới nhà máy điện hạt nhân trị giá 5,6 tỷ USD. Qua so sánh, cân nhắc, Việt Nam đã quyết định sử dụng công nghệ tiên tiến lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ của Nga cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình. Ngoài Việt Nam, Nga còn cung cấp những gói trang bị quân sự hiện đại giá trị không nhỏ cho các nước Đông Nam Á khác. Ví dụ, tháng 11/2011, Nga bán cho Malaixia 18 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MKM với tổng giá trị hợp đồng là 900 triệu USD. Loại máy bay chiến đấu này có thể được lắp đặt tên lửa hành trình BrahMos do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển, có thể tấn công tàu mặt nước và mục tiêu trên mặt đất.
Theo tác giả, hải quân Nga tiến vào vịnh Cam Ranh sẽ giúp Việt Nam tăng sức mạnh trong tranh chấp Biển Đông. Sau khi Mỹ, Nhật Bản và Ôxtrâylia can dự Biển Đông, giờ đây đang có dấu hiệu Nga cũng sẽ can dự.. Về phía Nga, việc nước này cung cấp các loại vũ khí tiến công hiện đại nhất cho các nước xung quanh Trung Quốc như Ấn Độ, Việt Nam… rõ ràng là phục vụ ý đồ chiến lược ngăn chặn và răn đe Trung Quốc.
Tác giả cho rằng căng thẳng Biển Đông hiện nay tiếp tục tăng nhiệt là do các nước như Việt Nam và Philíppin không ngừng khiêu khích Trung Quốc. Việc Nga liên tục ký hợp đồng bán vũ khí số lượng lớn cho Việt Nam, cung cấp cho Việt Nam nhiều máy bay chiến đấu, tàu ngầm, tàu chiến và hệ thống chống tên lửa tiên tiến đã giúp Việt Nam tăng cường mạnh mẽ thực lực quân sự. Việc Nga bán vũ khí cho nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ẩn chứa mục đích chiến lược địa duyên lớn.
Trên thực tế, sở dĩ tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng một phần là do hành động bán trang thiết bị vũ khí tiên tiến của Nga cho các nước liên quan ở Đông Nam Á. Các nước có tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với Trung Quốc đều là những nước nhập khẩu vũ khí của Nga. Nga làm như vậy một là nhằm nâng cao và tăng cường thực lực quân sự và sức mạnh đối kháng của các nước này đối với Trung Quốc, không ngừng khiêu khích Trung Quốc; hai là gây tổn hại cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc, giảm nhẹ sự uy hiếp của Trung Quốc ở phía Bắc và vùng Trung Á đối với Nga.
Tác giả kết luận sự trỗi dậy của Trung Quốc đang phải đối mặt ngày càng nhiều thách thức. Lo lắng và bất an của Nga về sự trỗi dậy của Trung Quốc lớn hơn nhiều Mỹ và Nhật Bản. Dù Trung Quốc và Nga đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược song phương, nhưng Nga không muốn Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo thực sự của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nga càng không hy vọng Trung Quốc tiếp tục thẩm thấu vào khu vực Trung Á. Trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải Biển Đông, biển Hoa Đông, Nga lúc nào cũng có thể thay đổi quan hệ đối tác với Trung Quốc, bắt tay với Mỹ - nước đang thực thi chiến lược trở lại châu Á - để ngăn chặn Trung Quốc, gây trở ngại cho sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc tạo ra thêm nhiều phiền phức để Trung Quốc phải từ bỏ trỗi dậy giữa chừng. Đây có thể cũng chính là ý đồ chiến lược thực sự của Nga trong việc tích cực phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á liên quan.
-------------------------------------------------------------
Theo Bình luận Trung Quốc (Hồng Công)
Quốc Trung (gt)
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông