Nga và Mỹ đang nỗ lực tranh giành ảnh hưởng kinh tế tại các nước khu vực Tây bán cầu. Đây là cuộc chiến được ví như “Chiến tranh lạnh” về kinh tế giữa hai cường quốc.
Bởi trên vũ đài chính trị, Nga và Mỹ là hai cường quốc có tiếng nói mang trọng lượng gần như ngang nhau khi mà Hội đồng Bảo an LHQ chắc chắn không thể ban hành bất kỳ nghị quyết nào nếu không nhận được cái gật đầu của cả Washington và Moscow (cũng như 3 nước còn lại trong số 5 nước ủy viên thường trực của cơ quan này).
Tuy nhiên, trong cuộc chiến nâng cao vai trò và ảnh hưởng về kinh tế đối với thế giới bên ngoài, Nga dường như đang giành được ưu thế với những chiến lược rõ ràng nhằm vượt mặt Mỹ ở ngay khu vực vốn được coi là sân sau của cường quốc này: khu vực Mỹ Latinh. Cuba là một ví dụ điển hình. Lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba hàng thập kỷ qua đã trao cơ hội cho Nga lấp đầy “lỗ hổng kinh tế” do chính Mỹ tạo ra. Mỹ có rất ít hoạt động thương mại, kinh tế với Cuba. Trong khi đó, mối quan hệ, đặc biệt là về kinh tế, Nga - Cuba lại đang phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn trong từng năm qua.
Mới đây, Cty dầu mỏ Zarubezhneft của Nga tuyên bố đến năm 2025 sẽ đầu tư 100 triệu USD vào Cuba. Với trữ lượng dầu mỏ của Cuba được ước tính vào khoảng 20 tỷ thùng, kế hoạch đầu tư của người Nga sẽ mang lại lợi ích khổng lồ cho cả Nga và Cuba. Ecuador cũng là một minh chứng khác cho thấy Nga đang ngày càng tăng cường ảnh hưởng và thu được nhiều lợi ích kinh tế từ Mỹ Latinh. Cuối tháng 7 vừa qua, chính phủ Ecuador đã ký một biên bản ghi nhớ với Gazprom - tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga. Biên bản ghi nhớ này được coi là bước khởi đầu để Gazprom tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác mỏ khí tại vùng ven biển phía Nam Ecuador.
Lại một lần nữa Nga giành được một hợp đồng đôi bên cùng có lợi. Trong khi chính phủ Ecuador sẽ thu được những khoản thuế đáng kể cùng với việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực năng lượng của mình, thì Nga cũng duy trì được sự bảo đảm tiếp cận thị trường Ecuador, một quốc gia cũng đã được chứng minh là có trữ lượng khí đốt rất ấn tượng. Đáng chú ý, Tổng thống Ecuador Rafael Correa tiếp tục đưa ra những tuyên bố cho thấy mong muốn giảm lệ thuộc vào Mỹ, và lại bằng cách hoan nghênh sự hiện diện của Nga.
Cần lưu ý rằng, Gazprom, cùng với một Cty dầu mỏ khác là Rosneft, được coi là những đại sứ cho chính sách kinh tế đối ngoại của Nga. Chính phủ Nga sở hữu hơn 50% cổ phần tại Gazprom và 75% cổ phần tại Rosneft, do vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn giám sát chặt chẽ chiến lược phát triển của cả hai tập đoàn này. Gazprom là tập đoàn khai thác khí đốt lớn nhất thế giới và đứng thứ hai toàn cầu về khai thác dầu mỏ với năng lực sản xuất 9,7 triệu thùng/ngày. Trong khi Rosneft cũng là tập đoàn sản xuất dầu khí lớn thứ 15 thế giới. Sức mạnh của hai tập đoàn này là một thứ vũ khí lợi hại khi Nga muốn tấn công vào các thị trường mới.
Như vậy, Cuba và Ecuador là hai điển hình minh chứng cho việc Mỹ không hoàn toàn giành được lợi thế trong cuộc chiến kinh tế với các cường quốc khác, cho dù Washington nắm lợi thế về khoảng cách địa lý. Nga đã chứng minh được năng lực đàm phán với các quốc gia trong khu vực này, cũng như vượt qua rào cản về cấm vận của Mỹ để tăng cường phát triển quan hệ kinh tế với Cuba. Nga cũng cho thấy sự sẵn sàng đầu tư ngay cả vào những lĩnh vực nhạy cảm nhưng mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ như dầu khí. Trong cuộc chiến kinh tế, khi mà kẻ chiến thắng không nhất thiết phải sử dụng đến “mũi tên, hòn đạn”, Nga đang cho thấy ưu thế rõ ràng trước đối thủ Mỹ.
Hoàng Hà
Theo PLXH