Nga triển khai siêu tiêm kích đánh chặn MiG-31 tới sát NATO
Bộ Quốc phòng Nga lên kế hoạch tới cuối năm 2013 sẽ triển khai một phi đội máy bay tiêm kích đánh chặn siêu âm MiG-31 tới căn cứ không quân Rogachevo ở trên đảo Zovaya Zemlya.
Izvestia trích dẫn nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga cho biết, việc triển khai các máy bay đánh chặn siêu âm MiG-31 tới căn cứ không quân mới nhằm bảo vệ nước Nga khỏi các cuộc tấn công từ phía Bắc.
Việc triển khai MiG-31 tới Rogachevo sẽ tạo thành một bộ phận phòng thủ tên lửa trong hệ thống phòng vệ rộng khắp nước Nga, trong đó, ngoài khả năng tấn công các máy bay chiến đấu của đối phương, MiG-31 sẽ tham gia đánh chặn các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân trong phạm vi kéo dài từ vùng biển Barents tới biển Laptev.
Nguồn tin cũng cho biết, phía Bắc nước Nga chưa có các hệ thống radar dày đặc, vì vậy đây sẽ là cơ hội tốt để MiG-31 thể hiện khả năng của nó khi có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách xa tới 200 km - cự li mà nó có thể sử dụng cả 2 loại tên lửa không - đối - không R-40 và R-33 để tiêu diệt.
Tuy nhiên, trước đó, Vitaly Orlov, đại diện Hiệp hội nghiên cứu và sản xuất Pravdinsky radiozavod - nơi đang thực hiện dự án phát triển radar thế hệ mới cho MiG-31 tiết lộ rằng, loại radar này không thể nhận ra mục tiêu từ cự li trên 80 - 90 km, một khoảng cách ngắn hơn rất nhiều so với con số 200 km mà Không quân Nga từng tuyên bố.
|
Siêu tiêm kích đánh chặn MiG-31 |
Trong khi đó, người đứng đầu Trung tâm Dự báo Chiến tranh Anatoly Tsyganok cho rằng, bên cạnh máy bay MiG-31, nên bổ sung tàu chiến.
Phía Bắc nước Nga không được bảo vệ đầy đủ trước các cuộc không kích tiềm năng của đối phương. Ngoài các hệ thống radar phát hiện thì chưa có các hệ thống đánh chặn đầy đủ, do đó xuất hiện nhiều lỗ hổng. Các tên lửa hành trình phóng từ Bắc Băng Dương có thể tấn công vào các mục tiêu quan trọng ở Ural, miền Tây Siberi và thủ đô Moscow.
Ngoài ra, những lỗ hổng phòng không cũng sẽ tạo cơ hội để các máy bay ném bom chiến lược như B-2 và B-1B của Mỹ xâm nhập lãnh thổ Nga và tấn công. Do vậy, cần tạo ra một đơn vị đánh chặn độc lập như MiG-31.
Tư lệnh Không quân Nga giải thích rằng, cho tới khi quyết định triển khai MiG-31 tới Rogachevo có hiệu lực, lực lượng tuần tra không phận sẽ phải dựa vào số máy bay đang có sẵn ở căn cứ này, và nếu cần có thể nhờ đến sự hỗ trợ của máy bay tiêm kích ở các căn cứ lân cận như Monchegorsk hoặc Kansk.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là Không quân Nga chỉ có khoảng 100 chiếc MiG-31, vì vậy, việc phân chia máy bay tới các căn cứ khác nhau trên toàn nước Nga sẽ là một vấn đề cần thảo luận.
MiG-31 bắt đầu đi vào phục vụ từ năm 1981 (thời Liên Xô), máy bay có khả năng tăng tốc tới hơn 3.000 km/h với tầm bay 1.450 km. Máy bay đánh chặn siêu thanh này có thể mang các tên lửa không - đối - không tầm xa R-33, tầm trung R-40 và tầm gần R-73 để tấn công/đánh chặn nhiều mục tiêu ở các cự li khác nhau.
Yến Phạm (theo Izvestia, BeeNet)