Izvestia dẫn lời quan chức cấp cao quân đội cho biết, Bộ Quốc phòng Nga đã từ bỏ ý định thành lập Bộ chỉ huy thống nhất các lực lượng hạt nhân quốc gia.
Bộ ba hạt nhân Nga gồm: các tàu ngầm chiến lược của hải quân, máy bay ném bom tầm xa của Không quân và tên lửa đạn đạo liên lục địa bố trí trên đất liền của Lực lượng Tên lửa Chiến lược (RSVN) vẫn trực thuộc các quân chủng và binh chủng của mình.
“Vấn đề thiết lập Bộ chỉ huy chiến lược của Nga đã được xem xét lâu và cẩn trọng. Trong quá trình đó, chúng tôi đã nghiên cứu kinh nghiệm Bộ chỉ huy xung kích toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, cuối cùng Bộ trưởng Quốc phòng quyết định từ bỏ ý đồ này”, đại diện Bộ Quốc phòng Nga nói.
Bộ chỉ huy chiến lược hoặc Bộ chỉ huy xung kích toàn cầu của Không quân Mỹ (Air Force Global Strike Command) được thành lập ngày 12/1/2009. Cơ quan này chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ huy, kiểm sát và liên lạc với toàn bộ các thành phần của bộ ba hạt nhân cả trong thời bình, cả trong trường hợp chiến tranh. Trong tầm kiểm soát của nó là toàn bộ vũ khí hạt nhân của Quân đội, Không quân và Hạm đội Mỹ, kể cả vũ khí chiến thuật.
Nguyên Tham mưu trưởng Bộ đội tên lửa chiến lược, Thượng tướng Viktor Esin nhận định, việc thành lập một cơ cấu như vậy là hết sức cần thiết để củng cố lá chắn hạt nhân của Nga nhưng không nên sao chép kinh nghiệm của người Mỹ.
“Bộ ba hạt nhân phải được phát triển theo một kế hoạch thống nhất và được sử dụng theo một ý đồ thống nhất. Việc xé lẻ các thành phần của nó là không hiệu quả. Nhưng thành lập bộ chỉ huy này theo mẫu của Mỹ, tách một quân chủng làm nền thì không nên.
Bộ chỉ huy này phải được thành lập như một cơ cấu của Bộ Tổng tham mưu Liên bang Nga và nhận được mọi thành tố hạt nhân để chỉ huy linh hoạt từ cấp chiến dịch”, ông Esin nói.
Bộ chỉ huy thống nhất các lực lượng hạt nhân với nước Nga là cần thiết, nhưng xây dựng theo phương án nào, ai là người chỉ huy đó mới là vấn đề? |
Theo ông này, ý định thành lập Bộ chỉ huy chiến lược lẽ ra phải thực hiện từ cuối thế kỷ 20, nhưng sự đối địch về vấn đề này giữa Bộ trưởng Quốc phòng Igor Sergeyev và Tổng tham mưu trưởng Anatoly Kvashnin đã làm thất bại cuộc cải tổ.
Chủ tịch Viện đánh giá chiến lược Alexander Konovalov nhấn mạnh sự cần thiết thành lập Bộ chỉ huy thống nhất các lực lượng chiến lược, ông nhận định cơ sở cho Bộ chỉ huy này phải là RSVN.
“RSVN đã có truyền thống là lực lượng mạnh nhất và có chức năng phù hợp nhất trong bộ ba hạt nhân. Ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân càng cao bao nhiêu thì trách nhiệm và sự chỉ huy tập trung càng phải cao bấy nhiêu, và đảm bảo an ninh cũng cao hơn. Mà quyết định về việc sử dụng vũ khí này luôn thuộc quyền Tổng thống của đất nước," ông Konovalov nói.
Theo ông này, nguyên nhân làm Bộ Quốc phòng từ bỏ việc thiết lập Bộ chỉ huy chiến lược là "cuộc đấu đá" giữa các quân binh chủng có trang bị vũ khí hạt nhân (thuộc Hải quân - Không quân - Lục quân) nhằm giành lấy quyền chỉ huy. “Không ai muốn để mất tính độc lập tự chủ trong chỉ huy vũ khí chiến lược, vì theo họ điều đó làm giảm vai trò quan trọng và chính là giảm đầu tư kinh phí cho quân chủng hoặc binh chủng của họ”, ông Konovalov nhận định.
Hiện các lực lượng chiến lược của Nga gồm:
- RSVN biên chế 332 tên lửa đạn đạo liên lục địa với 1.092 đầu đạn hạt nhân;
- Hải quân biên chế 11 tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo (96 tên lửa, 336 đầu đạn);
- Không quân biên chế 66 máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa hành trình tầm xa có thể trang bị đầu đạn hạt nhân.
Nguyễn Vũ (theo Izvestia, ĐVO)