Sau lần thử nghiệm thất bại hồi tháng 8 vừa qua, quân đội Mỹ thông báo tiến hành tái thử nghiệm tên lửa siêu thanh X-51A với khả năng bay nhanh gấp 6 lần tốc độ âm thanh vào năm tới.
Máy bay siêu thanh X-51A |
Trong chuyến bay thử nghiệm lần thứ ba vào ngày 15/8, tên lửa siêu thanh Waverider (Mỹ gọi là "vật thể bay siêu thành" X-51A) đã bị nổ tung ngay trên khu vực Thái Bình Dương. Sau thất bại này, các quan chức thuộc Không quân Mỹ cho biết họ chưa thể lập kế hoạch để thực hiện vụ thử nghiệm lần thứ tư của X-51A.
Theo giám đốc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân - Charlie Brink, kết quả điều tra ban đầu về tai nạn của X-51A trong lần thử nghiệm vào tháng 8 vừa qua cho thấy sự cố của một trong những bộ thăng bằng là nguyên nhân dẫn tới tai nạn.
Sau khi được thả từ một máy bay ném bom B-52, vật thể bay siêu thanh X-51A không người lái có thể bay nhanh gấp 6 lần tốc độ âm thanh (Mach 6), tương đương 5.800 km/giờ. Với tốc độ bay của X-51A, thời gian bay từ New York tới London sẽ diễn ra chưa đầy 1 giờ đồng hồ.
Theo các nhà phân tích, quân đội Mỹ đang lên kế hoạch sử dụng chương trình Waverider để phát triển các tên lửa mang đầu đạn phi hạt nhân, có thể tấn công tới mọi nơi trên thế giới trong vòng 1 giờ đồng hồ. Đây có thể là nguyên nhân khiến một số người gọi X-51A là "tên lửa siêu thanh".
Ông Brink khẳng định bản báo cáo kết quả điều tra cuối cùng của vụ tai nạn X-51A vào tháng 8 sẽ được hoàn chỉnh vào giữa tháng 12 tới. Trong khi đó, các kỹ sư đang gấp rút chuẩn bị những công đoạn cuối cùng cho vụ thử thứ 4 của X-51A vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè năm 2013.
Không quân Mỹ cho biết 4 chiếc X-51A được sản xuất phục vụ cho quân đội. Một trong 4 chiếc đã thực hiện hành trình bay kéo dài hơn 3 phút với tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh trong chuyến bay thử nghiệm năm 2010.
Trong đó, hãng Pratt & Whitney Rocketdyne chịu trách nhiệm thiết kế động cơ phản lực tĩnh siêu âm cho X-51A. Tuy nhiên, chi phí cho cuộc thử nghiệm của X-51A không được tiết lộ.
Năm 2004, NASA đã tiến hành thử nghiệm chiếc máy bay phản lực tĩnh siêu âm X-43, đạt vận tốc Mach 9,6 gần 7.000 dặm/giờ (11.270 km/h). Tuy nhiên, hành trình bay của X-43 chỉ kéo dài vài giây, sau đó mất dần vận tốc và rơi xuống Thái Bình Dương.
TẦN KHANH
Theo Infonet