Mỹ chuẩn bị có cuộc tập trận hải quân chung với Campuchia vào tuần tới. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang để ngỏ khả năng cho phép Myamar tham gia vào cuộc tập trận lớn nhất khu vực Châu Á diễn ra hàng năm do nước này chủ trì cùng với Thái Lan. Những động thái này cho thấy Mỹ đang tăng cường các hoạt động hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á. Đây có thể là bước đi nằm trong chiến dịch “quay trở lại” Châu Á-Thái Bình Dương mà Washington chính thức tuyên bố từ hồi cuối năm ngoái.
Mỹ mời Myamar tham gia cuộc tập trận lớn nhất thế giới?
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Mỹ - ông George Little hôm qua (19/10) cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét một đề nghị của Thái Lan về việc cho phép các sĩ quan quân đội Myamar tham gia vào cuộc tập trận Hổ mang Vàng (Cobra Gold) 2013 với tư cách là quan sát viên. Đây là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang dần ấm lên giữa Mỹ và Myanmar sau một thời gian dài giá lạnh.
Theo ông Little, Thái Lan – nước chủ nhà của cuộc tập trận Hổ mang Vàng 2013, đang bàn bạc, trao đối với phía Washington về khả năng mời 3 sĩ quan đến từ Myanmar giám sát một số phần của cuộc tập trận thường niên.
Nếu Mỹ và Thái Lan cùng nhất trí về việc mời Myanmar, các sĩ quan quân đội của nước Đông Nam Á này sẽ được tham gia với tư cách giám sát viên vào các màn diễn tập ứng phó với thảm họa, cứu trợ nhân đạo và quân y.
Hổ mang Vàng là một cuộc tập trận đa quốc gia do Thái Lan và Mỹ chủ trì. Đây là cuộc tập trận thường niên lớn nhất được tổ chức ở khu vực Châu Á. Cuộc tập trận Hổ mang Vàng 2012 thu hút sự tham gia của một số lượng binh lính khổng lồ lên tới 13.180 người đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Mỹ là nước đóng góp nhiều binh lính nhất cho cuộc tập trận với gần 9.000 người. Đứng thứ hai là Thái Lan với hơn 3.600 binh lính. Ngoài ra, Singapore, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia đều đưa quân đến Thái Lan tham gia cuộc tập trận. Các nước như Philippines , Anh , Canada , Pháp, Ấn Độ, Italy , Bangladesh , Nepal , Australia ... tham gia với tư cách quan sát viên.
Cuộc tập trận Hổ mang Vàng 2012 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với nhiều nội dung diễn tập phong phú như bắn đạn thật, sơ tán thường dân, diễn tập hậu chỉ huy, các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và dân sự, đặc biệt là các hoạt động liên quan tới công tác khắc phục trận lũ lụt lịch sử ở Thái Lan. Các tướng lĩnh của những nước tham gia tập trận cũng sẽ gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm và xây dựng các mối quan hệ.
Các quan chức Mỹ từng tuyên bố hồi đầu năm nay rằng, Mỹ xem cuộc tập trận Hổ mang Vàng là một biểu tượng quan trọng cho cam kết của quân đội Mỹ về việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực Châu Á.
Hải quân Mỹ, Campuchia tập trận chung
Ngoài việc tăng cường hợp tác quân sự với Myanmar, Mỹ cũng có động thái đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quân sự với Campuchia. Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia hôm nay (20/10) ra thông cáo báo chí cho biết, các thành viên thủy thủ đoàn trên tàu chiến USS Vandegrift của Hải quân Mỹ sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung với Hải quân Hoàng gia Campuchia ở Sihanoukville từ ngày 22/10-26/10. Mục đích của cuộc tập trận này là để thúc đẩy hợp tác giữa hải quân hai nước.
Cuộc tập trận “Sẵn sàng Hợp tác và Huấn luyện” (CARAT) lần thứ 3 giữa Mỹ và Campuchia sẽ tập trung vào việc củng cố các kỹ năng an ninh hàng hải thông qua các hoạt động như chiến dịch lặn và cứu hộ, thao diễn và ứng phó với thảm họa, thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia cho biết.
Ngoài ra, cuộc tập trận chung kéo dài 5 ngày giữa hải quân Mỹ, Campuchia còn nhằm mục đích nâng cao khả năng hợp tác, tăng cường hiểu biết chung và xây dựng lòng tin giữa hải quân hai nước qua các hoạt động thể thao và xã hội.
CARAT 2012 sẽ củng cố mối quan hệ với cộng đồng dân sự thông qua các dự án phục vụ cộng đồng. Theo đó, ban nhạc của Hạm đội thứ 7 của Mỹ sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc miễn phí ở thành phố Kampot, tỉnh Kampot vào thứ Tư tuần tới.
Vào năm 2010, Campuchia đã lần đầu tiên tham gia vào cuộc tập trận CARAT. Các nước khác tham gia vào cuộc tập trận CARAT gồm Bangladesh, Brunei, Indonesia, Malaysia, Thailand, Philippines, Singapore, và Timor- Leste.
Các cuộc tập trận thường niên CARAT đã chính thức được khởi động từ năm 1995 ở khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu của cuộc tập trận này là nâng cao tính chuyên nghiệp và tăng cường khả năng phối hợp tác chiến giữa quân đội các nước trong khu vực.
Việc Mỹ tăng cường tập trận với các nước Đông Nam Á được xem là một động thái nằm trong chiến lược “quay trở lại” Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng của nước Mỹ. Kể từ khi ông Obama lên nhậm chức hồi đầu năm 2009, Mỹ đã bắt đầu có những hành động hết sức cụ thể để can thiệp sâu hơn vào Đông Nam Á. Bằng chứng đầu tiên cho thấy sự quan tâm trở lại của Washington đối với Đông Nam Á là việc nữ Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chọn khu vực này là điểm đến trong chuyến công du đầu tiên thay vì chọn đến Châu Âu như các Ngoại trưởng tiền nhiệm.
Trong chuyến công du đầu tiên khi đó, bà Hillary từng phát biểu, Tổng thống Obama tin rằng Đông Nam Á là khu vực cực kỳ quan trọng đối với tiến bộ, hòa bình và thịnh vượng của toàn cầu. "Đông Nam Á và ASEAN đặc biệt quan trọng đối với tương lai của chúng tôi," bà Hillary nhấn mạnh.
Kiệt Linh
Theo VNmedia