Sau khi cùng với đồng minh Nhật Bản ra “cú đấm bất ngờ” với Trung Quốc, ông chủ Lầu Năm Góc lại có hành động xoa dịu Bắc Kinh bằng việc trấn an nỗi quan ngại của nước này về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Châu Á.
Nhật, Mỹ ra “cú đấm bất ngờ” với Trung Quốc
Giữa lúc căng thẳng Trung - Nhật vì tranh chấp lãnh thổ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang lên cao trào, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã thực hiện một chuyến công du kéo dài một tuần đến khu vực Châu Á. Những chặng dừng chân mà ông chọn trong chuyến đi lần này gồm Nhật Bản, Trung Quốc và New Zealand.
Chuyến công du của ông chủ Lầu Năm Góc thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thế giới bởi người ta tò mò muốn biết phản ứng của Mỹ thế nào trước cuộc đối đầu căng thẳng giữa một bên là đồng minh thân thiết của họ - Nhật Bản với bên kia là đối thủ lớn của họ - Trung Quốc.
Mỹ được cho là đang rất khó xử trong cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản. Về lý thuyết, Mỹ sẽ phải đứng về phía Nhật Bản bởi Mỹ là đồng minh lớn nhất của nước Châu Á này. Hơn nữa, hai nước Mỹ và Nhật Bản còn có ràng buộc với nhau bởi một Hiệp ước phòng thủ chung. Tuy nhiên, xét trên thực tế, Mỹ hoàn toàn không muốn gây căng thẳng quá mức với Trung Quốc bởi điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ.
Vì lý do trên, trong chuyến công du Châu Á lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta được cho là sẽ phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn là làm sao xử lý khéo léo được cuộc đối đầu hiện nay giữa Tokyo và Bắc Kinh. Không rõ là ông Panetta có thành công trong việc thực hiện được nhiệm vụ quan trọng đó hay không, nhưng tại Nhật Bản, ông này đã “bất ngờ ra đòn” với Trung Quốc.
Hôm 17/9, các quan chức Mỹ và Nhật Bản thông báo, họ đã đạt được sự nhất trí về việc thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa thứ hai ở Nhật Bản. Phát biểu về sự kiện này, Bộ trưởng Panetta cho biết: "Mục đích thiết lập lá chắn tên lửa mới là để nâng cao khả năng bảo vệ Nhật Bản của chúng tôi. Hệ thống lá chắn đó cũng được thiết kế để giúp cho các hoạt động triển khai quân Mỹ trong khu vực. Nó còn hiệu quả trong việc bảo vệ đất nước Mỹ khỏi mối đe doạ tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên”.
Mặc dù Bộ trưởng Panetta khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ - Nhật mới không nhằm vào Trung Quốc nhưng chắc chắn, Bắc Kinh sẽ không tin vào lời khẳng định này, nhất là khi Trung Quốc và Nhật Bản đang ở bờ vực của một cuộc xung đột. Trung Quốc tin rằng, đây là một bước đi mới trong kế hoạch bao vây, kiềm chế họ của Mỹ.
Sau “đấm” là “xoa”
Khi mà Trung Quốc đang bực tức trước kế hoạch thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa mới của Mỹ và Nhật Bản, ông chủ Lầu Năm Góc đã ngay lập tức có hành động xoa dịu.
Trong bài phát biểu trực tiếp trước các sĩ quan trẻ Trung Quốc ngày hôm nay (19/9), Bộ trưởng Panetta đã tìm cách trấn an Bắc Kinh rằng, việc Mỹ đưa thêm lực lượng, tàu chiến và triển khai hệ thống lá chắn tên lửa trong khu vực không nhằm vào cường quốc Châu Á.
Kể từ khi Lầu Năm Góc thông báo về kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương hồi đầu năm nay, Bắc Kinh luôn cảm thấy bất an, “đứng ngồi không yên”.
Đề cập đến nỗi quan ngại của Trung Quốc, Bộ trưởng Panetta cho biết: "Kế hoạch sắp xếp lại lực lượng ở Châu Á - Thái Bình Dương của chúng tôi không phải là một nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc. Đó là một nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác với Trung Quốc và mở rộng vai trò của mối quan hệ hợp tác này trong khu vực Thái Bình Dương. Kế hoạch của chúng tôi là tạo ra một mô hình mới trong quan hệ giữa hai cường quốc Thái Bình Dương", ông Panetta đã nói như vậy tại một trường học của quân đội Trung Quốc.
Ông chủ Lầu Năm Góc thừa nhận, việc cải thiện quan hệ và xây dựng lòng tin giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ mất nhiều thời gian.
Quan hệ giữa hai siêu cường thế giới Mỹ - Trung trong năm nay liên tiếp rơi vào căng thẳng vì kế hoạch quay trở lại Châu Á của Mỹ cũng như một loạt các cuộc đối đầu giữa Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ. Bắc Kinh tin rằng, Washington đang nỗ lực thắt chặt vòng vây xung quanh họ khi liên tiếp củng cố mối quan hệ với một loạt các nước Châu Á.
Mấy tháng vừa qua, Washington và Bắc Kinh còn “cơm không lành canh không ngọt” vì cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông. Trong cuộc tranh chấp này, Bắc Kinh đã nhiều lần tỏ ý không hài lòng vì cho rằng Washington đang can thiệp vào cuộc tranh chấp của họ với Manila. Hiện tại, Mỹ lại đang bị lôi vào cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, việc Washington ủng hộ Đài Loan cũng khiến Trung Quốc tức giận.
Kiệt Linh
Theo VNmedia