Khi trên thế giới xuất hiện càng nhiều mối đe dọa tới an ninh, hai cường quốc nhận thấy cần phải gạt bỏ dần những bất đồng.
Tối 17/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc, sau khi kết thúc chuyến thăm Nhật Bản.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhưng là chuyến thăm châu Á thứ ba của ông trong vòng 11 tháng qua.
Đại tá Zhao Xiaozhuo, Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc phòng Trung Quốc-Hoa Kỳ, thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc nhận định: Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta với mục đích để Trung Quốc hiểu hơn về chiến lược quốc phòng mới của Mỹ là chuyển trọng tâm từ khu vực Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) và người đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt tại cuộc họp báo chung hồi tháng 5/2012 (Ảnh: AFP) |
Trước đó, phát biểu tại cuộc Đối thoại Shangri-La (Singapore) hồi tháng 6/2012, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ đã vạch ra Chiến lược quốc phòng chi tiết của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, đến năm 2020, Mỹ sẽ bố trí 60% tàu chiến tại khu vực này.
Chuyến thăm cũng diễn ra khi Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản và lính thủy đánh bộ Mỹ đang tập trận chung tại các đảo Tinian, Guam, Saipan thuộc quần đảo Bắc Mariana nằm ở phía Tây Thái Bình Dương từ ngày 21/8-26/9.
Trong nhiều lần phát biểu trước báo giới, các quan chức cấp cao của Mỹ luôn phủ nhận những cáo buộc rằng, sự hợp tác quân sự và những cuộc tập trận giữa nước này với Nhật Bản và một số nước khác trong khu vực châu Á là nhằm vào Trung Quốc. Washington luôn khẳng định, không đứng về phía nào trong những tranh chấp lãnh thổ.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn còn đang nghi ngờ những tuyên bố và hành động của Mỹ, bởi lẽ, Ngoại trưởng Hillary Clinton và các quan chức Mỹ nhiều lần khẳng định, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi “Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ” năm 1960, vốn quy định Mỹ phải bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quân sự.
Trung Quốc cho rằng, chính sách quốc phòng mới của Mỹ và sự tăng cường hợp tác quân sự với những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới lợi ích và vị thế đang trỗi dậy của nước này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bắt tay hạ nhiệt?
Mặc dù quan hệ Trung-Mỹ vẫn còn nhiều bất đồng nhưng giới phân tích nhận định, chuyến thăm Trung Quốc của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta diễn ra trong tuần này được đánh giá là muốn kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản kiềm chế, tránh xảy ra xung đột vì tranh chấp lãnh thổ. Bởi nếu chiến tranh xảy ra, sẽ chẳng bên nào có lợi và thắng được hoàn toàn.
Ngoài ra, chuyến thăm Trung Quốc của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ còn được nhìn nhận là với mong muốn giảm dần sự nghi ngờ giữa hai nước.
Trong hơn 20 năm qua, mối quan hệ Trung-Mỹ luôn trải qua nhiều thăng trầm. Đặc biệt, hai nước đã từng trì hoãn ít nhất 6 lần đàm phán vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Điều này đã ảnh hưởng tới lòng tin của Trung Quốc đối với Mỹ cũng như sự hợp tác song phương.
Phía Trung Quốc cho rằng, việc tạo lòng tin về mặt chính trị sẽ là cơ sở quan trọng cho sự tin tưởng về hợp tác quân sự. Trong hai năm qua, những chuyến thăm của các tướng lĩnh quân đội cấp cao gữa hai cường quốc được duy trì một cách đều đặn. Cụ thể là trong tháng 5 và tháng 8/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt và Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Thái Anh Đỉnh đã thực hiện chuyến thăm Mỹ. Ngược lại, trong tháng 7/2012, Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ cũng đã có chuyến Trung Quốc.
Khi trên thế giới xuất hiện càng nhiều mối đe dọa tới an ninh, hai nước nhận thấy cần phải gạt bỏ dần những bất đồng để phối hợp nhằm đối phó với những vấn đề nguy hại đến an ninh như: chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, cướp biển... Bởi vì Mỹ-Trung nhận thức được rằng, không một quốc gia nào có thể giải quyết những thách thức trên một mình và họ cần phải hợp tác với nhau để đối mặt với những nguy cơ đe dọa tới an ninh trong khu vực cũng như toàn cầu.
Mặc dù kết quả chuyến thăm Trung Quốc của người đứng đầu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chưa biết sẽ được đánh giá như thế nào nhưng cả hai cường quốc đều ngầm hiểu rằng, nếu để mâu thuẫn, bất đồng và nghi ngờ ngày càng gia tăng, không được hóa giải thì sẽ chẳng có bên nào được lợi khi mà tình hình an ninh thế giới còn nhiều bất ổn và không thể lường trước./.
Chu Miên/VOV online