Để thu hút lá phiếu của tầng lớp lao động, hai ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ tập trung vào chủ đề cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Barack Obama và Mitt Romney. Ảnh: CBS News |
"Năm 2008, ứng cử viên Obama từng hứa sẽ 'đánh bật' Trung Quốc. Nhưng từ đó đến nay, Trung Quốc đã vượt qua chúng ta", ứng cử viên đại diện đảng Cộng hòa Mitt Romney phát biểu trong đoạn phim vận động tranh cử tiêu tốn 4,5 triệu USD và dành riêng cho 15 bang quan trọng. Trung Quốc trở thành đề tài để ông Romney thu hút cử tri thuộc tầng lớp công nhân lao động ở các bang này.
Để đáp lại, đội vận động tranh cử của đương kim Tổng thống Barack Obama, đại diện đảng Dân chủ, chỉ trích rằng chính ông Romney được hưởng lợi từ Trung Quốc. Chiến dịch của ông Obama cũng chi 6 triệu USD cho 60 giây của đoạn phim vận động tranh cử, trong đó cựu tổng thống Bill Clinton nói rằng "đảng Cộng hòa muốn quay lại với chính sách cũ vốn đã khiến chúng ta gặp rắc rối".
Vào thời điểm 7 tuần trước ngày bầu cử, hai ứng cử viên nhấn mạnh các nỗ lực dành cho nền kinh tế, thông qua góc độ cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Ông Romney được cho là tiến hành đầu tư trong các công ty Trung Quốc và xuất khẩu việc làm sang cho nước này.
Theo AP, Tổng thống Obama đang tận hưởng lợi thế khi sức mạnh của đối thủ đảng Cộng hòa bị giảm sút ít nhiều. Còn với ông Romney, việc nhấn mạnh vấn đề Trung Quốc sẽ là biện pháp hữu hiệu để thu hút cử tri sau một tuần bị suy yếu bởi vấn đề chính sách đối ngoại trước những cuộc biểu tình nổi dậy ở Trung Đông. Chính sách đối ngoại vốn là điểm yếu của ứng viên đảng Cộng hòa trước đảng Dân chủ.
Phe của ông Obama tuyên bố họ hoan nghênh cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, đồng thời chỉ trích luận điểm của ông Romney về Trung Quốc có rất nhiều lỗ hổng. Chiến dịch của ông Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tăng trưởng ở bang Ohio, nơi có nhiều nhà máy lớn và vẫn thường chỉ trích Trung Quốc đã làm suy yếu nền công nghiệp Mỹ.
Nền kinh tế Mỹ vẫn ở trong tình trạng ảm đạm với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 8,1% và chưa thể biết được rằng các cử tri Mỹ tin tưởng ứng cử viên nào hơn cho đến ngày bầu cử vào tháng 11.
Vũ Hà
Theo VNexpress