Các loại vũ khí siêu nhỏ phóng từ trên không đã được quân đội Mỹ nghiên cứu và đưa vào sử dụng. Trọng lượng của các loại vũ khí này chỉ từ 2,3 đến 18 kg. Những loại vũ khí tí hon này được Mỹ chủ trương trang bị cho máy bay không người lái (UAV) hoặc máy bay chiến đấu thông thường nhằm tiêu diệt những toán đối phương đang hành quân bộ, di chuyển trên những chiếc ô tô, hoặc ẩn nấp trong các căn nhà nhưng giảm đến mức thấp nhất thương vong đối với thường dân xung quanh.
Rốckét mini
Hiện nay, quân đội Mỹ đang có ít nhất tám loại tổ hợp rốckét mini có điều khiển, với trọng lượng từ 13-16 kg. Các bộ điều khiển dành cho loại rốckét có đường kính 70 mm và các kích cỡ khác là sản phẩm của Công ty ATK và Elbit Systems (Rốckét chiến thuật tiên tiến có điều khiển), Công ty BAE Systems (tổ hợp vũ khí tiến công chính xác tiên tiến), Công ty Elbit Systems (Bộ điều khiển sử dụng công nghệ lade), Công ty Kongsberg & Bristol Aerospace (Rốckét có điều khiển), hãng Lockheed Martin (Rốckét tấn công trực tiếp có điều khiển), hãng Raytheon/EAIG (Rốckét điều khiển bằng công nghệ lade), và Công ty Rocketsan (Tổ hợp rốckét điều khiển bằng công nghệ lade).
Mô hình tổ hợp vũ khí tiến công chính xác tiên tiến được phóng từ máy bay trực thăng của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. |
Trong đó, tổ hợp vũ khí tiến công chính xác tiên tiến (APKWS) do Công ty BAE Systems chế tạo hiện đang được trang bị cho các máy bay trực thăng của lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ ở Ápganixtan. Trước đó, loại vũ khí này được triển khai lần đầu tiên vào tháng 4/2012. BAE Systems phát triển và sản xuất môđun điều khiển WGU-59/B. Môđun này có 4 cánh điều khiển tự động bật ra trong hành trình bay cùng với các thiết bị cảm biến lade tích hợp cỡ nhỏ của hệ thống tìm mục tiêu sử dụng công nghệ lade bán chủ động có khẩu độ phân tán. Hầu hết các loại trực thăng vũ trang của Mỹ đều phóng được APKWS, kể cả máy bay không người lái Firescout. Loại vũ khí này cũng được phóng đi từ các máy bay có cánh cố định. Sản phẩm máy bay đời mới nhất, AT-6, do Công ty Beechcraft chế tạo cũng chứng tỏ được khả năng linh hoạt “thả và bắn” của APKWS. Roy Rumbaugh, Giám đốc phụ trách chương trình tên lửa và đạn của Công ty BAE, tiết lộ: “Người sử dụng có thể phóng tổ hợp vũ khí này giống như phóng một quả rốckét Hydra thông thường”.
Kết quả thử nghiệm gần đây nhất của loại rốckét tấn công trực tiếp có điều khiển (DAGR) của hãng Lockheed Martin (được tiến hành ở trường bắn Yuma, bang Arizona) cho thấy, một trực thăng phóng được 4 quả DAGR. “DAGR bắn trúng một mục tiêu đang di chuyển ở khoảng cách 3,5 km. Chính điều này đã khiến DAGR ghi điểm”, Hady Mourad, Giám đốc chương trình DAGR của Lockheed Martin cho biết.
Mô hình đạn có điều khiển VIPER STRIKE GBU-44/E. |
Lockheed Martin đã tiến hành hơn 30 lần phóng thử nghiệm DAGR với các khoảng cách từ 1-5,1 km từ một số trực thăng có khả năng phóng tên lửa không đối đất Hellfire. Được trang bị một đầu đạn có khối lượng 4,5 kg, DAGR được thao tác giống như tên lửa Hellfire và có thể được phóng đi từ mọi bệ phóng Hellfire kỹ thuật số.
Tháng 9/2011, hãng Raytheon tuyên bố rằng, rốckét có điều khiển TALON được phát triển với sự hợp tác giữa hãng này với Tập đoàn đầu tư Emirates đã đạt đến độ hoàn thiện để bắt đầu đưa vào sản xuất hàng loạt. Trước đó, loại rốckét này đã được nhiều lần bắn thử thành công từ một máy bay trực thăng AH-64D.
Đạn tấn công nhanh
Loại đạn này được gọi với tên đạn có điều khiển VIPER STRIKE GBU-44/E với trọng lượng 19,8 kg được phát triển từ đạn chống tăng Brilliant. Chi nhánh ở Mỹ của nhà sản xuất vũ khí MBDA đã mua lại chương trình sản xuất loại đạn này từ Công ty Northrop Grumman vào tháng 12/2011. Trong những đợt thử nghiệm gần đây, loại đạn này được phóng đi từ một bệ phóng gắn trên một máy bay của lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ hướng đến các mục tiêu đã được bố trí sẵn tại trường bắn China Lake của Trung tâm chiến tranh không quân của hải quân ở bang California. Kết quả thử nghiệm cho thấy, ưu điểm lớn nhất của loại vũ khí này không chỉ là trọng lượng nhẹ mà nó còn có thể tiêu diệt được những mục tiêu chỉ xuất hiện trong tích tắc.
Đạn tấn công nhanh được thiết kế cánh hình chữ thập có tác dụng tăng tầm bay và bộ điều khiển kết hợp cả phương pháp điều khiển bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và công nghệ điều khiển bằng lade bán chủ động ở giai đoạn cuối. Điều này giúp nó có thể tiêu diệt cả các mục tiêu cố định và di động. Nhờ sử dụng phương thức tiến công mục tiêu từ trên không, GBU-44/E có thể tiêu diệt được các mục tiêu được chỉ thị bằng lade từ trên máy bay hoặc dưới mặt đất. Loại đạn này hiện đang được sản xuất tại nhà máy của MBDA ở thành phố Huntsville, bang Alabama.
“GBU-44/E thích hợp với các dòng máy bay chiến đấu hiện nay và cả trong tương lai nhờ khả năng tấn công chính xác mục tiêu ở trong những điều kiện địa hình phức tạp nhất”, Jerry Agree, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành MBDA cho biết.
Loại vũ khí có điều khiển nhỏ nhất phóng từ trên không hiện đang được phát triển là loại đạn 40 mm điều khiển bằng GPS, có khối lượng khoảng 450 gram dành cho các loại súng phóng lựu của bộ binh và kể cả UAV. Loại đạn này đã được phóng thử nghiệm vào tháng 4/2010 nhưng cho đến nay vẫn được nghiên cứu bổ sung các đầu dẫn và tăng tầm bắn.
Bom tí hon
Có kích thước thậm chí còn nhỏ hơn đạn chiến thuật nhỏ do hãng Raytheon chế tạo, loại bom liệng tí hon này chỉ dài chưa đầy 56 cm với trọng lượng hơn 6 kg. Bom tí hon được trang bị chủ yếu cho các máy bay không người lái chiến thuật loại nhỏ. Phiên bản 2 của loại vũ khí này đã tiêu diệt được mục tiêu ngay trong lần bắn thử nghiệm đầu tiên được tiến hành hồi tháng 2 ở trường bắn Yuma khi nó được phóng đi từ một máy bay không người lái của hãng Raytheon. Hệ thống điều khiển bom liệng là sự kết hợp của phương pháp điều khiển bằng GPS và lade bán chủ động.
Lockheed Martin lần đầu tiên phóng thành công bom chính xác từ một UAV. |
Đầu tháng 5, Lockheed Martin công bố lần đầu tiên phóng thành công một vũ khí chống bộ binh thậm chí còn nhỏ hơn dưới dạng một loại bom đặt tên là Shadow Hawk nặng 4,95 kg được phóng đi từ máy bay không người lái ở trường bắn Dugway, bang Utah. Được thả từ độ cao 1.554 mét, loại bom này đạt đến vận tốc 140,2 m/s và tiêu diệt trúng mục tiêu được chỉ thị bởi một thiết bị lade đặt trên mặt đất với sai số chỉ là hơn 20 cm, hãng Lockheed Martin cho biết.
“Mọi loại đầu dẫn và bộ phận điều khiển của loại bom này đều đã được kiểm tra qua các lần phóng thử nghiệm và đã sẵn sàng đưa vào sản xuất hàng loạt. Ngoài ra, loại bom liệng tí hon này đã được thử nghiệm với các hệ thống vũ khí khác của Lockheed Martin”, Glen Kuller, Giám đốc chương trình tên lửa và điều khiển bắn của Lockheed Martin cho hay.
Tên lửa Griffin B được phóng từ tàu chiến. |
MBDA cũng là một nhà sản xuất vũ khí hoạt động trong lĩnh vực chế tạo bom đạn có kích thước rất nhỏ trang bị cho máy bay không người lái. Hãng này giới thiệu dòng bom liệng tăng tầm loại nhỏ (Saber) có trọng lượng từ 4,5 - 13,5 kg, sử dụng kết hợp phương pháp điều khiển GPS/INS và phương pháp dẫn đường bằng lade bán chủ động ở giai đoạn cuối, được trang bị một đầu đạn nổ. Loại bom này sử dụng bộ cánh gập do MBDA chế tạo và một động cơ rốckét thông thường.
Đạn chính xác có điều khiển bắn từ trên không (PAGDM) có khối lượng 4,86 kg là một chương trình của Lục quân Mỹ, trong đó Phòng nghiên cứu, phát triển và công trình của Lục quân phối hợp với Phòng chế tạo bom đạn và các hệ thống chiến thuật của hãng General Dynamics đã cải tiến đạn cối 81 mm thành loại đạn chính xác có điều khiển để phóng từ các UAV chiến thuật loại nhỏ. Các chuyên gia về vũ khí của các đơn vị này cũng đang phát triển hệ thống điều khiển, dẫn đường và kiểm soát những loại vũ khí này bằng GPS dựa trên sáng kiến công nghệ cánh cố định hoạt động theo cơ chế xoay tròn.
Các cuộc thử nghiệm phóng bom liệng tí hon từ trên không bắt đầu được triển khai từ tháng 12/2008. Quả đạn đầu tiên rơi xuống cách mục tiêu chưa đầy 10 mét còn quả thứ hai cách mục tiêu gần 11 mét. Cả hai kết quả này nằm trong phạm vi chính xác cho phép của thiết bị thu tín hiệu GPS. Tháng 3/2010, Mỹ tiến hành đợt thử nghiệm thứ hai. Lần này, quả đạn được bắn đi từ một phương tiện bay không người lái từ độ cao 2.438 mét. Nhờ có công nghệ điều khiển cải tiến bằng thuật toán, độ chính xác của viên đạn thật đáng ấn tượng, chỉ rơi cách mục tiêu 2 mét.
Trong năm 2011, loại đạn này đạt đến cấp độ hoàn thiện về mặt công nghệ ở mức 6/7 sau những lần phóng thành công từ trên không với một thiết bị thu tín hiệu GPS có độ nét cao và tích hợp với các bộ phận của thiết bị an toàn điện tử cùng với các hệ thống điều khiển và kiểm soát.
Tên lửa mini
Hãng Raytheon chế tạo thành công tên lửa mini Griffin A với trọng lượng chưa đến 15 kg. Loại tên lửa này sử dụng phương thức phóng từ phía đuôi nên có thể được sử dụng trên cả máy bay tiêm kích “phi truyền thống”, chẳng hạn như C-130. Còn tên lửa Griffin B được thiết kế để triển khai trên các máy bay tiêm kích cánh cố định, máy bay trực thăng, các bệ phóng trên mặt đất và tàu mặt nước. Loại tên lửa này có trọng lượng là 19,8 kg. Cả hai phiên bản này mang một đầu đạn trọng lượng 5,85 kg và được thao tác thông qua một giao diện đồ họa. Điều này giúp người sử dụng có thể điều khiển tên lửa bằng tọa độ GPS hoặc chỉ thị mục tiêu bằng lade.
Tên lửa SPIKE. |
Được thiết kế để dễ dàng tích hợp với nhiều phương tiện mang khác nhau, Griffin B đã được phóng từ máy bay trực thăng trinh sát vũ trang. Tháng 9 năm ngoái, Raytheon thông báo ý định tích hợp loại tên lửa này với máy bay AT-6. Mới đây, loại tên lửa này được thử nghiệm chức năng phòng thủ căn cứ và phòng thủ tàu. Vào giữa tháng 2, Lục quân Mỹ tiết lộ rằng họ đã tiến hành phóng thử nghiệm loại tên lửa này từ một bệ phóng trên mặt đất trong vai trò của một thứ vũ khí chính xác dùng để bảo vệ các căn cứ tiền tiêu và những tiền đồn nhỏ. Trong các cuộc thử nghiệm, người ta đã sử dụng loại tên lửa này để tiêu diệt một mục tiêu ở khoảng cách 4 km bằng phương pháp tọa độ GPS.
Tên lửa Griffin B cũng đã được thử nghiệm phóng đi từ một bệ phóng xoay đặt trên tàu chiến. Kết quả thử nghiệm cho thấy, loại vũ khí này bắn trúng mục tiêu cố định cách đó khoảng 3 km bằng cách sử dụng kết hợp phương pháp điều khiển bằng GPS và lade.
“Loại tên tửa này giúp các lực lượng trên bộ có thể bảo vệ được vị trí của họ bằng cách tấn công chính xác các mục tiêu trong phạm vi 360 độ. Chúng thực sự mang lại cho các máy bay chiến đấu một sức mạnh đáng nể. Hiện loại vũ khí này đang được chúng tôi đưa vào sản xuất hàng loạt”- Henry Schulte, chuyên gia sản xuất tổ hợp tên lửa của hãng Raytheon, tiết lộ.
Ngoài ra, tên lửa SPIKE của Ban vũ khí thuộc Trung tâm chiến tranh không quân của hải quân Mỹ cũng được đưa vào danh sách vũ khí tí hon khi nó chỉ nặng 2,25 kg. Hiện Hải quân Mỹ đang triển khai loại vũ khí này cho các phương tiện bay không người lái và các ứng dụng cho người lính. Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu Trung tâm tìm biện pháp cắt giảm chi phí sao cho khoản đầu tư cho mỗi quả tên lửa dạng này chí còn 1/10 so với hiện nay, tức là chỉ còn 5.000 USD. Các lần bắn thử tên lửa tí hon này dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 3/2013.
Đình Vũ (tổng hợp)
Theo Báo Tin tức