Đối mặt với các khoản cắt giảm ngân sách quốc phòng lên đến hàng trăm tỷ USD trong thập kỷ tới và một thế giới ngày càng phức tạp và trở nên thách thức hơn do sự trỗi dậy của Trung Quốc như một đối thủ chiến lược nặng ký, Lầu Năm Góc đang hy vọng việc xuất khẩu thêm nhiều vũ khí ra nước ngoài, đặc biệt là máy bay không người lái, sẽ là một chủ trương “nhất cử lưỡng tiện”. Hấp dẫn hay lộ bí mật?
Bắt đầu từ năm 2011, chính quyền của Tổng thống Obama đã phát động một chương trình rộng lớn để xây dựng những đường lối chỉ đạo về xuất khẩu vũ khí.
Thông qua những nỗ lực đó, chính quyền Mỹ hy vọng tạo ra chính sách hoàn thiện đối với danh sách xuất khẩu những mặt hàng liên quan đến quốc phòng đang nằm trong diện quản lý độc lập bởi Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ.
Các công ty quốc phòng Mỹ, sẽ được hưởng lợi lớn nếu các chính sách về xuất khẩu được thống nhất và các hạn chế được lới lỏng. Họ đang kiên trì chờ đợi những quyết định của Quốc hội và Bộ Ngoại giao về vấn đề này.
Theo tin tức gần đây thì những luật lệ mới, nếu được chấp nhận, sẽ làm cho 66 nước có thể mua được các loại máy bay không người lái của Mỹ, trong đó có cả loại máy bay không người lái Global Hawk của Northrop Grumman. Dù không đưa ra cụ thể tên các nước trong diện, nhưng Nhật Bản, Singapore và Australia đã bày tỏ quan tâm về các loại UAV của Mỹ.
Năm 2011, một hợp đồng bán máy bay UAV cho Hàn Quốc đã không thực hiện được, có tin vì lý do Seoul hạn hẹp tài chính ngân sách.
Những người ủng hộ cơ chế mới lập luận rằng những luật lệ lâu nay về “lưỡng dụng” – các loại hàng hóa có thể ứng dụng cả trong quân sự và dân sự - đã đặt các nhà sản xuất Mỹ trong thế bất lợi hơn so với các bên cạnh tranh không bị những quy định đó trói buộc.
Họ cũng lập luận rằng, những hạn chế nghiêm ngặt về xuất khẩu một số công nghệ nhất định có nguy cơ làm xói mòn thị phần của Mỹ trong mặt hàng vũ khí trên thị trường thế giới và làm cho các bên cạnh tranh lớn như Nga và Trung Quốc được hưởng lợi.
Trong khi những quy định đó tồn tại vì một số lý do – chủ yếu là chống lại việc đánh cắp các công nghệ nhạy cảm.
Có hai lý do có thể giải thích cho hiện tượng này:
Thứ nhất, là lý do hoàn toàn về tài chính khi nền công nghiệp quốc phòng Mỹ hướng ra thế giới bên ngoài để bù đắp một số doanh thu bị mất do việc cắt giảm trong ngân sách của Lầu Năm Góc.
Quá trình đó dường như là đã bắt đầu: Theo các cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, vũ khí Mỹ bán được năm 2011 đã tăng ba lần so với năm 2010, đạt 66,3 tỷ USD, là năm có tổng giá trị xuất khẩu tăng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ và chiếm trên 75% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí toàn cầu.
Đặc biệt, năm 2011 ghi nhận, lần đầu tiên châu Á có chi phí quốc phòng vượt châu Âu. Đây sẽ là thị trường hấp dẫn đối với các tổ hợp quốc phòng Mỹ. Một số nước ở châu lục này đang trong quá trình hiện đại hóa quân đội liên quan tới các căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Châu Á cũng là khu vực cho đến nay đã giúp điều hòa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều đó có nghĩa là các chính phủ ở khu vực sẵn sàng mở hầu bao mua thêm các loại vũ khí của Mỹ.
Các công ty quốc phòng Mỹ cũng lo ngại, những hạn chế về xuất khẩu vũ khí có thể khuyến khích các nước đồng minh tự sản xuất vũ khí cho bản thân họ. Đây là một quá trình lâu dài, tốn kém sẽ không chỉ phương hại đến việc bán vũ khí Mỹ mà còn làm cho các nước đồng minh bị mất đi các loại vũ khí họ cần để phục vụ các nhu cầu quốc phòng trực tiếp của mình.
Thứ hai, chính quyền của Tổng thống Obama đang chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á và mong muốn các nước đồng minh của Mỹ tăng cường sức mạnh quốc phòng chứ không dựa giẫm vào các lực lượng của Mỹ.
Trong khi bị hạn chế về tài chính, tại sao Mỹ phải trả tiền cho các chuyến bay trinh sát trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các vùng biển lân cận bằng máy bay trinh sát không ngời lái Global Hawk RQ-4 trong khi Nhật Bản có thể tự mình có thể thực hiện được? Trong một số vụ khẩn cấp, người Mỹ có thể đề nghị Nhật Bản hoặc Philippine tự bảo vệ quyền lợi của mình – sử dụng vũ khí Mỹ - hơn là chứng kiến lính Mỹ đứng trong trận tuyến.
Kết cục, các nhà chính trị Mỹ sẽ phải tìm cách cân bằng giữa việc cho phép đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí với những rủi ro các bên cạnh tranh khác sở hữu được các công nghệ nhậy cảm, và khả năng một chế độ cho phép xuất khẩu rộng rãi hơn có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang tại những khu vực diễn ra các vụ buôn bán vũ khí của Mỹ.
Phạm Ngọc Uyển (theo The Diplomat, ĐVO)