Sau vụ thử tên lửa đạn đạo thế hệ mới DF-41 với khả năng phân tách đầu đạn độc lập cũng như cơ động trên xe mang phóng được báo chí phương Tây đưa tin ầm ĩ vào tháng 7/2012, khoảng một tháng sau đó, Trung Quốc được cho là đã phóng thử tiếp một đạn tên lửa đường đạn liên lục địa từ tàu ngầm.
Một quan chức giấu tên của Mỹ nói rằng một tàu ngầm lớp Tấn đã bắn thử một quả tên lửa JL-2 từ biển Bột Hải vào hồi trung tuần tháng 8/2012. Ngay sau đó, cục tình báo quân sự Mỹ (DIA) từ chối bình luận về thông tin này.
Trước vụ phóng JL-2, các bản tin công khai của truyền thông Trung Quốc đã gây được sự chú ý của người Mỹ. Trong hai ngày 8-9/8, Đài truyền hình Thâm Quyến đưa tin một tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn có khả năng trang bị tên lửa đường đạn liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) loại JL-2 đã rời cảng và tiến hành tuần tra trên biển. Tuy nhiên, các bản tin được phát đi trong hai ngày này không hề đề cập đến việc phóng tên lửa.
Đài truyền hình Thâm Quyến chỉ viện dẫn lời của một nhà bình luận quân sự Trung Quốc nói rằng: “Washington luôn cho rằng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Bắc Kinh không thể phóng được tên lửa đạn đạo chiến lược”.
Sau đó, đến ngày 13/8, cục hàng hải tỉnh Liêu Ninh thuộc Đông Bắc Trung Quốc đưa ra văn bản cấm biển và yêu cầu các tàu thuyền dân sự không được đưa đến vùng biển tỉnh này.
Tên lửa đạn đạo JL-2 phóng từ tàu ngầm. |
Trong báo cáo hàng năm mới nhất về sức mạnh quân sự Trung Quốc, Lầu Năm Góc chỉ rõ, Bắc Kinh đang phát triển một loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược có khả năng phóng được tên lửa đạn đạo liên lục địa là tàu lớp Tấn hay Type 094.
Tàu ngầm lớp Tấn có thể mang theo loại tên lửa đạn đạo JL-2 có tầm bắn lên đến 7.400 km. Với Type 094, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hy vọng có thể có được khả năng răn đe hạt nhân chiến lược từ biển.
Theo các báo cáo, kế hoạch nghiên cứu phát triển JL-2 được kéo dài nhiều lần. Theo dự báo mới nhất, trong vòng 2 năm tới, nó sẽ có khả năng sẵn sàng chiến đấu. Bắc Kinh đã trang bị 2 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 và trong tương lai con số này sẽ tăng đến 8 chiếc.
Với DF-41 có thể được mang trên các xe phóng cơ động và JL-2, lực lượng tác chiến hạt nhân của Trung Quốc có khả năng tồn tại và phản công hạt nhân cao hơn rất nhiều so với trước đây trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân với các cường quốc khác.
Tên lửa đường đạn liên lục địa thế hệ mới DF-41 |
Tư lệnh bộ tư lệnh chiến lược Mỹ, Thượng tướng Không quân Robert Kehler không đồng ý với luận điệu về sức mạnh hạt nhân của Bắc Kinh mà truyền thông phương Tây đưa ra.
Tại một cuộc phỏng vấn hồi tháng 8/2012 ở Omaha, ông nói với các nhà báo rằng: “Tôi không tin vào quan điểm rằng Trung Quốc có đến hàng ngàn đơn vị hạt nhân mà phía cơ quan tình báo đưa ra”.
Do truyền thống khép mình từ thời Chiến tranh Lạnh, thông tin về lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc được nước này giữ kín và bên ngoài rất khó tiếp cận được với thông tin chính xác.
Tuy nhiên, một bài báo đăng trên trang chủ của chính phủ Mỹ hồi tháng 11/2007 cho biết, Bắc Kinh đang đàm phán để có được công nghệ dẫn đường cho tên lửa phóng từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược từ phía Ukraine.
Ngoài tên lửa JL-2 phóng từ tàu ngầm, Trung Quốc còn có các tên lửa đường đạn chiến lược loại DF-31, DF-31A và DF-41, cũng như các loại tên lửa đường đạn tầm trung và hàng trăm loại tên lửa đường đạn chiến thuật có khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.
Trung Quốc cũng đang tích cực nâng cấp sửa chữa các loại máy bay ném bom chiến lược thế hệ cũ của Liên Xô trước đây.
Trong một bài phát biểu hồi tháng 5/2012, Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga nói rằng, Bắc Kinh đã có khoảng 3.000 đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí chiến lược của mình. Con số này rõ ràng vượt xa con số 300 – 400 đơn vị hạt nhân mà tình báo Mỹ ước tính.
Thượng tướng Viktor Yesin (đã nghỉ hưu) nói rằng, Trung Quốc có trong tay khoảng 70 tấn uranium và plutonium làm giàu ở cấp độ vũ khí. Họ có trong tay các phương tiện mang phóng tầm xa như các tên lửa đường đạn liên lục địa DF-5A, DF-31A hay JL-2 cùng các biến thể của chúng.
Hoàng Anh (theo Military, ĐVO)