Khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ chi nhánh tại Singapore thực hiện cho thấy phần lớn doanh nghiệp Mỹ muốn tăng cường hoạt động tại Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Hệ thống điện mặt trời của tập đoàn Intel, Mỹ tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Tính riêng năm 2011, nhà máy sản xuất chip của Intel tại TP.HCM đã mang lại 462 triệu USD về kim ngạch xuất khẩu cho Intel - Ảnh: Internet |
Khảo sát lấy ý kiến hơn 350 lãnh đạo các công ty Mỹ có hoạt động tại khu vực Đông Nam Á.
Kết quả cho thấy nhiều doanh nghiệp yêu cầu nhân viên từ nước sở tại chuyển công tác sang các văn phòng ở Đông Nam Á.
Kết quả trên gây ngạc nhiên cho giới phân tích vốn giả định rằng Trung Quốc và Ấn Độ mới là "điểm nóng" kinh doanh.
Theo khảo sát, 21% doanh nghiệp Mỹ dự định thoái vốn ở Trung Quốc và tái đầu tư vào Đông Nam Á. Trong khảo sát, 57% doanh nghiệp được lấy ý kiến muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam so với chỉ 6% ở Indonesia và 11% tại Thái Lan.
Đối với những công ty Mỹ đã có mặt ở Việt Nam, 82% dự kiến tăng lợi nhuận trong năm tới và hơn một nửa doanh nghiệp đang lên kế hoạch mở rộng lực lượng lao động.
Báo Wall Street Journal ngày 31-8 nhận định các kết quả này cho thấy sự ưu ái của doanh nghiệp Mỹ dành cho Việt Nam vẫn còn khả quan, mặc dù tình hình kinh tế chung của thế giới đang chững lại.
Đặc điểm thị trường tiêu thụ khá lớn và chi phí lao động giá rẻ vẫn là điều thu hút các doanh nghiệp. Một số nhà kinh tế học cho rằng các biện pháp thắt chặt tín dụng và kiềm chế lạm phát sẽ giúp Việt Nam bật dậy khi kinh tế thế giới phục hồi trong những năm tới. Hơn nữa, quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng được cải thiện khiến các doanh nghiệp Mỹ cảm thấy được chào đón hơn tại Việt Nam.
TẤN KHOA (Theo Wall Street Journal, Tuổi Trẻ)