Liên minh châu Âu (EU) thường xuyên tìm kiếm những biện pháp thắt chặt an ninh biên giới bằng sự triển khai các công nghệ IT mới đắt tiền, nhưng nhiều chuyên gia đang đặt vấn đề hiệu quả của thiết bị cũng như ai sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát chúng.
Theo giới chức cao cấp của EU, một dự án do thám gọi là "Hệ thống giám sát biên giới châu Âu" (viết tắt là EUROSUR) sẽ bắt đầu chính thức được triển khai vào ngày 1/10/2013 song hiện dự án vẫn đang gây tranh cãi tại EP và Ủy ban châu Âu (EC).
Cecilia Malmstrom, nữ quan chức phụ trách nội vụ của EC, giải thích: "EUROSUR sẽ giúp dò tìm và chống lại mọi hoạt động của các mạng lưới tội phạm và đây là công cụ mấu chốt cứu mạng những người nhập cư đặt mạng sống của họ vào nguy hiểm khi cố gắng xâm nhập các vùng bờ biển của EU". Còn theo Erik Berglund, Giám đốc Frontex - dịch vụ an ninh biên giới châu Âu đặt trụ sở tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, EUROSUR có 3 mục đích chính yếu là "dò tìm phát hiện dân nhập cư trái phép, chiến đấu chống tội phạm quốc tế và giải cứu thuyền nhân".
Theo Các tổ chức Phi chính phủ (NGO), EUROSUR có thể đặt ra vấn đề về nhân quyền. Stephan Kessler, quan chức Tổ chức Jesuit Refugee Service ở Brusells (Bỉ), cho rằng "EUROSUR có thể có ích để phát hiện những chiếc tàu nhỏ nhưng chưa có quy định rõ ràng về việc những ai sẽ được giải cứu và họ có thể được công nhận quyền tị nạn ở quốc gia nào. Ví dụ vào năm 2011, đảo quốc Malta và Italia đã trải qua 5 ngày chỉ để bàn luận về chiếc thuyền nhỏ nhấp nhô ngoài khơi hai nước này sẽ được nơi nào chấp nhận.
Địa Trung Hải (ĐTH) là điểm quá cảnh chính cho dân nhập cư trái phép vào châu Âu. Chỉ từ đầu năm đến nay có 170 thuyền nhân bị giết chết khi cố gắng xâm nhập các vùng bờ biển ở phía nam châu Âu. Và, vào đầu tháng 7/2012, một chiếc xuồng cao su bị chìm ngoài khơi Italia làm chết 54 người Eritrea (quốc gia nhỏ ở phía Đông Bắc châu Phi) muốn đổi đời ở phương Tây. Theo kế hoạch, các vệ tinh và máy bay do thám không người lái (drone) sẽ hỗ trợ các chính quyền trong khối EU phát hiện dân nhập cư không có giấy tờ băng qua Địa Trung Hải cũng như phòng chống tội phạm. Nhưng hiện thời có vài chi tiết về dự án EUROSUR - như là, loại vệ tinh hay drone nào sẽ được sử dụng.
Việc triển khai những chiếc drone trên bầu trời Địa Trung Hải sẽ giúp cho các chính quyền thành viên EU phát hiện sớm những hoạt động chuẩn bị đưa người nhập cư trái phép như tập hợp những chiếc tàu trên những vùng bãi biển châu Phi. Tuy nhiên, sẽ không có kế hoạch thiết lập những "con mắt" trên bầu trời để do thám những cộng đồng người nhập cư ở các thành phố của châu Âu.
![]() |
Một chiếc thuyền chở người châu Phi nhập cư trái phép vào EU. |
Theo những người chống đối dự án EUROSUR, các biện pháp mới nói trên rất có khả năng dẫn đến sự lạm dụng. Tuy nhiên, EP đã lên tiếng bác bỏ mối nghi ngờ này. Đối với những người chống đối, EUROSUR là sản phẩm phân biệt đối xử của người châu Âu, trở thành công cụ phục vụ cho các nhóm ủng hộ việc trao trả dân nhập cư về các quốc gia gốc của họ và từ đó giúp EU phủi bỏ trách nhiệm về họ.
Theo các tác giả bản báo cáo Borderline của Tổ chức Heinrich Boll Foundation, EUROSUR là dự án tiềm ẩn nhiều khuyết điểm về kỹ thuật cũng như tổ chức. Mathias Venneulen, đồng tác giả của báo cáo và chuyên gia về luật quốc tế của Viện Đại học châu Âu ở thành phố Florence miền Trung Italia, nhận xét: “EUROSUR không có hội đồng giám sát, trong khi EC nhấn mạnh dự án có giá khoảng 340 triệu euro vào năm 2020 nhưng thật ra con số này sẽ tăng gấp đôi hay gấp ba vào năm đó". Venneulen cho rằng quá nhiều tiền đổ vào dự án EUROSUR mà chưa biết hiệu quả sẽ như thế nào.
Về vấn đề nhận dạng những người vào và ra châu Âu có hai hệ thống là Entry/Exit System (E/ES) và Frequent Travellers Programme (FTP). Dữ liệu về những người "không phải châu Âu" - bao gồm ngày và nơi vào, địa chỉ của bất cứ mối tiếp xúc nào bên trong EU cũng như dữ liệu sinh trắc học như dấu vân tay và ảnh chân dung kỹ thuật số - sẽ được thu thập từ hai hệ thống nói trên.
Vấn đề là ai được phép sử dụng thông tin từ các dữ liệu thu thập được từ những người vào châu Âu. Châu Âu tiếp nhận khoảng từ 100 đến 150 triệu du khách hàng năm nên khả năng tiềm ẩn của tội phạm là khá cao và từ đó số tiền dành để triển khai "các vùng biên giới thông minh" là không nhỏ. Nói như Huub Dijstelbloem, tác giả cuốn sách "De Migratiemachine" (Cỗ máy di trú), thì "chúng ta đang biến pháo đài châu Âu thành một xã hội do thám"
Duy minh (tổng hợp)
Theo An Ninh Thế Giới