TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục bác ngụy biện của học giả Trung Quốc

Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục phản bác các lập luận ngụy biện của giới khoa học Trung Quốc về những nghiên cứu của ông trong cuốn sách "Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông".

Sau khi cuốn sách "Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông" được phát hành, mạng phát thanh Trung Quốc ngày 10/8 đưa tin về ấn phẩm này của TS Trần Công Trục cùng những bình luận của một số học giả Trung Quốc theo hướng không đồng tình một số điểm chủ chốt.

VietNamNet hỏi rõ TS Trần Công Trục về những lập luận của học giả Trung Quốc có hướng trái chiều với quan điểm, luận cứ nghiên cứu của ông:

Yêu sách chủ quyền không thể dựa vào yếu tố lịch sử

Mạng tin này nói, trong cuốn sách, ông Trần Công Trục cho rằng cần sử dụng "Công ước của LHQ về Luật biển 1982" để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Viện trưởng “Viện nghiên cứu Nam Hải" Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn cho rằng không thể áp dụng Công ước để giải quyết vấn đề quy thuộc lãnh thổ. Ông nhận xét thế nào về lập luận của ông Tồn - người từng là thành viên đàm phán với ông trong vấn đề Vịnh Bắc Bộ nhiều năm trước?

Trước hết tôi mừng vì những nghiên cứu của mình nhận được phản hồi từ giới khoa học Trung Quốc, từ ông Tồn - người từng là thành viên đoàn đàm phán của Chính phủ Trung Quốc với Việt Nam về phân định Vịnh Bắc Bộ.

Song tôi không hiểu vì lý do gì mà nội dung của cuốn sách do tôi làm chủ biên đã không đến được với một số bạn đọc Trung Quốc một cách đầy đủ, chính xác. Phải chăng họ chưa có điều kiện để đọc hết hay do dịch thuật, hay do một lý do, động cơ nào đó nên mới có những nhận xét chủ quan như vậy. Với những ai đã có chút hiểu biết và kinh nghiệm trong quá trình tham gia nghiên cứu hay đàm phán về biên giới lãnh thổ thì không thể có sự nhầm lẫn đó được.

Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục: Nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” có giá trị pháp lý cao nhất để xem xét giải quyết tranh chấp lãnh thổ

 

Đúng, thật là “hoang đường” nếu dựa vào Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 để bảo vệ cho yêu sách chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như mọi người đã biết, trong khu vực Biển Đông đang tồn tại hai loại tranh chấp chủ yếu: tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tranh chấp về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn.

Về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tôi đã nói kỹ loại tranh chấp này phải được giải quyết theo nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế mà từ trước đến nay đã được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trên trường quốc tế. Theo quan điểm của tôi, hiện nay, nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” có giá trị pháp lý cao nhất, được vận dụng nhiều nhất để xem xét giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ.

Nguyên tắc "chiếm hữu thực sự" là gì? Đó là việc chiếm hữu phải do Nhà nước thực hiện đối với vùng lãnh thổ vô chủ, hoặc vùng đất đã bị bỏ hoang bởi một nước trước đây đã chiếm hữu. Việc chiếm hữu đó phải thật sự, liên tục, hòa bình, không được phép dùng quân sự và rõ ràng, là nó phải được công bố cho mọi người biết.

Lập luận của Trung Quốc lâu nay là theo nguyên tắc "chủ quyền lịch sử". Họ nói người Trung Quốc đã từng đến đây, phát hiện ra quần đảo này, đặt tên, vẽ bản đồ, từ thời kỳ Đông Hán… Nhiều học giả quốc tế đã từng cảnh báo rằng nếu sử dụng các sự kiện lịch sử được ghi chép trong các tài liệu lịch sử, địa lý… khác nhau để xem xét quyền thụ đắc lãnh thổ hay giải quyết các yêu sách chủ quyền lãnh thổ thì thế giới này sẽ có rất nhiều đảo lộn. Nếu dùng lịch sử thì Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay Anh… cũng có quyền đòi tất cả các vùng đảo, vùng biển mà họ đã từng đi qua hay đặt chân tới.

Cho nên, không thể dựa vào yếu tố lịch sử, danh nghĩa lịch sử để bảo vệ cho yêu sách chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo ở giữa Biển Đông, và càng không thể sử dụng danh nghĩa lịch sử để đưa ra yêu sách biên giới biển hình "lưỡi bò” và tìm cách hợp thức hóa yêu sách đó, bất chấp mọi tiêu chuẩn rõ ràng của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Trong cuốn sách, chúng tôi đã cung cấp thông tin và trình bày một cách rõ ràng, cụ thể về quá trình xác lập chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Bạn đọc có thể nhận thấy một thực tế là: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này từ khi chúng còn là đất vô chủ. Việc chiếm hữu này là thực sự, rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp các nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, các cứ liệu lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh chân lý này.

Bạn đọc có thể tận mắt xem xét các sắc lệnh, chiếu chỉ, những quyết định hành chính thành lập các đơn vị hành chính của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, các phản đối hành vi vi phạm của các nước khác đối với hai quần đảo của Việt Nam. Tất cả rất rõ ràng, với các sự kiện liên tục, và đó là những bằng chứng có giá trị. Việc chiếm hữu chí ít từ thế kỷ 17, từ thời kỳ chúa Nguyễn cho đến hiện nay.

"Nguyên tắc công bằng"

Ông có thể giải thích quan điểm dùng Công ước Luật biển 1982 để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông như đề xuất?

Công ước Luật biển năm 1982 là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp ranh giới các vùng biển và thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển kế cận hoặc đối diện nhau. Tôi xin nhắc lại, Công ước Luật biển không phải là căn cứ pháp lý để xem xét và giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ quốc gia.

Công ước của LHQ về Luật Biển đã quy định rất rõ ràng về nội dung này. Điều 15 của Công ước nêu: “Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không có quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có thỏa thuận ngược lại…”.

Đối với việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế, điều 74 Công ước đã quy định: “Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế, để đi đến một giải pháp công bằng”. Nôm na thường gọi là theo “nguyên tắc công bằng”.

Rõ ràng như vậy, những người làm công tác nghiên cứu hay quản lý biển không được phép hiểu nhầm hoặc cố tình giải thích sai lệch. Nên nhớ rằng một khi đã là thành viên của Công ước thì nhất thiết phải tuân thủ toàn bộ nội dung của Công ước này. Đó là điều kiện tiên quyết giúp cho các bên liên quan có thể đàm phán giải quyết được tranh chấp về ranh giới biển.

Nếu đưa yêu sách không dựa vào các quy định của Công ước như đường biên giới biển hình “lưỡi bò”, thì chắc chắn sẽ không đi đến bất kỳ một kết quả công bằng nào.

Chúng ta đã có khá nhiều bài học trong thực tiễn đàm phán phân định ranh giới các vùng biển trong khu vực Biển Đông cần được nghiêm túc học tập, xem xét, áp dụng. Tính khoa học, khách quan và sự cầu thị của các bên liên quan trong đàm phán là phẩm chất quan trọng nhất để có thể đi đến thành công.

Mạng Phát thanh còn dẫn lời Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Hứa Lợi Bình cho rằng chính phủ nhà Thanh đã thực hiện quản lý hành chính đối với các đảo ở Biển Đông và đã vẽ hơn 10 tấm bản đồ khu vực hành chính các đảo ở đây. Học giả Trung Quốc nghiên cứu các chứng cứ lịch sử mà Việt Nam đã đưa ra thì thấy rằng một số địa danh trong các tài liệu lịch sử của Việt Nam thực ra không phải là địa danh của một số đảo, đá ở Biển Đông, mà là địa danh của một số đảo, đá nằm gần bờ Việt Nam. Do đó, đây là một cách nói sai lầm, gây hiểu lầm cho dư luận và giới học giả quốc tế. Ông không đồng tình quan điểm này như thế nào?

Tôi từng nghe rồi, đã nhiều lần họ khẳng định quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là những đảo ven bờ biển miền Trung Việt Nam. Chúng ta cũng đã nhiều lần chỉ rõ những sai trái trong cách tiếp cận vấn đề của họ. Làm gì có đảo nào là Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Lưỡi Liềm, An Vĩnh, làm gì có đảo nào là Song Tử tây, Song Tử đông, Thị Tứ, Tiên Nữ v.v... nằm ven bờ biển miền Trung Việt Nam? Các tài liệu, bản đồ của Âu, Á…đã trả lời khá rõ điều này! Nếu là nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học giả thực thụ chắc chắn không có cách tiếp cận như vậy!

Xuân Linh - Ảnh: Minh Thăng
(VietNamNet)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te