Khoảng năm 1930-1933 Pháp đã hoàn tất việc thiết lập chủ quyền VN ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Động thái này đã khiến Trung Quốc như ngồi trên lửa, vì họ đang có mưu đồ xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa.
Trạm hải đăng do Pháp xây dựng trên đảo Hoàng Sa vào những năm 1930 - Ảnh tư liệu |
Đặc biệt, việc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông thời điểm này không chỉ giữa Pháp là đại diện cho An Nam với Trung Quốc (Trung Hoa dân quốc) nữa mà nhân tố thứ ba đã xuất hiện: Nhật Bản.
Pháp kiên quyết khẳng định chủ quyền cho An Nam
Liên tiếp những năm sau đó, để ngăn chặn nước thứ ba nhảy vào xâm chiếm cũng như chuẩn bị cho tính pháp lý quốc tế về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Pháp đã chủ động thực thi hàng loạt động thái xác định chủ quyền ở hai quần đảo này.
Đối với quần đảo Hoàng Sa, để ngăn chặn mối họa xâm chiếm của chính quyền Trung Hoa dân quốc cũng như Nhật Bản, từ năm 1937 Pháp đã ủy thác cho kỹ sư trưởng Gauthier điều nghiên việc xây dựng một trạm hải đăng ở đảo nhỏ Hoàng Sa (đảo Pattle). Sau đó năm 1938-1939, theo nghị định số 3282 do toàn quyền Đông Dương Brievie ký, Pháp đã triển khai quân binh đến đảo Hoàng Sa xây dựng trạm hải đăng, trạm vô tuyến TFS và trạm khí tượng, song song đó cũng xây dựng thêm một trạm khí tượng khác trên đảo Phú Lâm.
Tại cực nam biển Đông, tháng 3-1933, Pháp đã điều bốn tàu Lamalicieuse, tàu chiến Alerte, hai tàu thủy văn Astrobale và De Lanessan đến Trường Sa. Sau khi đổ bộ lên các đảo ở đây, người Pháp ngay lập tức soạn thảo một văn bản, sau đó thảo ra 11 bản và thuyền trưởng của các tàu cùng bút ký. Sau đó, các văn bản này được đóng kín trong một cái chai rồi đem đến mỗi đảo ở Trường Sa gắn chặt vào một trụ ximăng xây cố định. Thủ tục xác lập chủ quyền đã được hoàn tất.
Trước đó, trong bản ghi chú gửi cho Vụ châu Á đại dương, Bộ Ngoại giao Pháp đã viết: “Việc chiếm đóng quần đảo Trường Sa (Spratley) mà Pháp thực hiện trong hai năm 1931-1932 là nhân danh hoàng đế An Nam”. Đến năm 1938, Pháp tiếp tục cho xây dựng bia chủ quyền, hải đăng, trạm khí tượng thủy văn và một trạm vô tuyến trên đảo Ba Bình (Itu-Aba). Như vậy, tính từ năm 1930-1938, chính quyền thực dân pháp đã nhân danh An Nam (Việt Nam lúc bấy giờ) xác lập chủ quyền rõ ràng ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Người Nhật xuất hiện!
Nhật Bản trong khoảng thời gian từ năm 1918-1930 đã có chú ý đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông. Song có lẽ vì còn e ngại sự hiện diện quá mạnh của người Pháp trên biển Đông nên Nhật có phần nhượng bộ.
Ngày 3-7-1938, Bộ Ngoại giao Pháp công bố về việc Pháp chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa: “Do sự đáng chú ý của việc chiếm lĩnh quần đảo Hoàng Sa mà vào tháng 7-1938, đại sứ của ta (Pháp) ở Tokyo nhắc lại sự sát nhập quần đảo Trường Sa trước đây vào nước Pháp”.
Nước Nhật đã phản ứng lại sự kiện này, họ cho rằng “từ năm 1917 người Nhật đã khai thác mỏ phốt-phát trên hòn đảo chính”. Chính vì vậy ngày 31-3-1938 Tokyo đã cáo thị với đại sứ Pháp rằng “quần đảo Hoàng Sa là đất của Nhật Bản, đã được đặt dưới luật pháp của Nhật Bản, sát nhập cai trị với lãnh thổ Đài Loan; sự chiếm đóng được bảo đảm bằng một đội cảnh sát biệt phái”.
Ngày 14-7-1938, nhật báo La Croix đã khẳng định: “Cần nhắc lại rằng quần đảo Hoàng Sa là một nhóm các đảo nhỏ và đá ngầm nhô trên mặt nước có vị trí nằm ở phía nam đảo Hải Nam, đối diện với Đông Dương và vừa mới đây có một ít lính Đông Dương được gửi tới đây để bảo vệ trạm phát sóng TSF và ngọn hải đăng mà chính quyền Pháp đã xây dựng trên miền đất này, hơn nữa, đảo này thuộc về thuộc địa của chúng tôi”.
Ngay sau đó Nhật Bản thay đổi thái độ, báo Le Journal ngày 21-8-1938 đã đưa tin:
“Paris, 20-8 (1938). Theo một công bố của Bộ Ngoại giao Pháp chiều hôm qua, Chính phủ Nhật Bản đã chấp nhận quan điểm của Pháp về việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của quân đội Pháp. Công bố cũng nhắc lại rằng Nhật Bản đã từng tranh cãi về quyền chiếm hữu quần đảo này, một vị trí có tầm quan trọng trên tuyến đường biển giữa Trung Hoa và Đông Dương”.
Tuy nhiên “giấy không gói được lửa”, do tham vọng lập đầu cầu chiến lược xâm lược Đông Nam Á, năm 1938 Nhật Bản đã nuốt lời với Pháp và xua quân chiếm đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa trong cùng năm. Rồi chỉ một năm sau đó (1939) tràn xuống Trường Sa chiếm đảo Ba Bình. Để nhanh chóng hoàn tất ý đồ xâm chiếm, ngày 31-3-1939 Nhật Bản tuyên bố kiểm soát quần đảo Trường Sa. Đến ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Họ bắt toàn bộ lính Pháp ở Hoàng Sa, Trường Sa làm tù binh.
Nhật đầu hàng, Trung Hoa bắt đầu “nước đục thả câu”
Người Nhật chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không lâu thì phải tháo chạy do thất trận khi Thế chiến thứ 2 kết thúc vào tháng 8-1945. Phát xít Nhật đã đầu hàng vô điều kiện khối đồng minh và chính thức ký văn kiện đầu hàng, chấm dứt chiến tranh Thái Bình Dương vào mùa thu năm 1945. Sau đó Nhật rút toàn bộ quân lực ở Hoàng Sa, Trường Sa về nước.
Theo tuyên ngôn Postdam (Đức) ngày 26-7-1945, quân đội Trung Hoa dân quốc giải giáp và cho hồi hương tàn quân Nhật ở miền Bắc Việt Nam (tính từ vĩ tuyến 16 trở ra), trong đó có quần đảo Hoàng sa.Quân đội Anh sẽ giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào miền Nam Việt Nam, bao gồm cả quần đảo Trường Sa. Điều này đồng nghĩa với việc quân đội của Tưởng Giới Thạch chỉ có nhiệm vụ đến giải giáp tàn quân Nhật ở Hoàng Sa và các vùng nằm trong khu vực đã được tuyên ngôn Postdam ấn định, không có quyền đến quần đảo Trường Sa. Tinh thần tuyên ngôn Postdam cũng chỉ rõ ràng việc giải giáp quân nhân không gắn liền với quyền chiếm cứ lãnh thổ, cho nên cả Trung Hoa dân quốc lẫn nước Anh đều không có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Song, với ý đồ xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, chính quyền Tưởng Giới Thạch đã cho quân xuống các quần đảo này rồi tuyên bố chủ quyền. Cuối năm 1946, quân đội Trung Hoa dân quốc đưa bốn tàu chiến do tướng Lâm Tuân dẫn đầu xuôi biển Đông để đến Hoàng Sa và Trường Sa, mà theo luận điệu hết sức vô lý là “giải giáp tàn quân Nhật”, dù thời gian giải giáp đã hết từ lâu.
Bình luận của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc Những tài liệu mà bài báo dẫn chứng thiết tưởng đã đủ để chứng minh một sự thật là chính quyền “bảo hộ” của thực dân Pháp ở Đông Dương đã tái xác lập chủ quyền của Việt Nam (để bảo vệ quyền lợi chính trị lẫn kinh tế của chính sách thực dân) trong thời kỳ đô hộ. Nó đã góp phần đấu tranh bác bỏ lập luận của phía Trung Quốc, trước đây là Trung Hoa dân quốc của Quốc dân đảng trong âm mưu bành trướng lâu dài của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán mà bản đồ có đường lưỡi bò xuất hiện vào năm 1947 là một minh chứng hùng hồn nhất. |
MỸ LOAN // Theo Tuổi Trẻ
___________________
Như vậy cho đến năm 1945, “đường lưỡi bò” chưa hề xuất hiện trên bất cứ tấm bản đồ nào của Trung Quốc. Vậy nó ra đời lúc nào? Và Lâm Tuân là ai?