Trong một thời gian rất dài, khả năng tác chiến dưới nước của Hàn Quốc gần như bằng không, dù họ được đánh giá là lực lượng có trang bị và chất lượng hàng đầu khu vực châu Á.
Đi sau, về trước so với Triều Tiên
Trong khi đó, Triều Tiên có tới 60 tàu ngầm. Dù chất lượng của hạm đội tàu ngầm này không cao nhưng vẫn là mối đe dọa lớn cho các tàu chiến Hàn Quốc.
Từ chiếc tàu ngầm Type-209 đầu tiên vào năm 1992, Hàn Quốc đã tạo được nhiều bước đột phá trong phát triển tàu ngầm. |
Tới năm 1992, Hàn Quốc mới bắt đầu phát triển tàu ngầm, nhưng lực lượng này đã phát triển rất nhanh.
Từ chiếc tàu ngầm đầu tiên này, Hàn Quốc đã có những tiến bộ vượt bậc trong phát triển tàu ngầm, không chỉ dừng lại ở đó, Hàn Quốc đã bắt đầu xuất khẩu tàu ngầm và trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á xuất khẩu tàu ngầm.
Chang Bogo-1 đứa con đầu lòng của hạm đội tàu ngầm Hàn Quốc
Cuối những năm 1980, Hàn Quốc nhận thấy rằng cần thiết phải trang bị tàu ngầm cho hải quân, không chỉ để đối phó với Triều Tiên mà còn đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc, Nhật Bản và cả Nga.
Sau thời gian đàm phán và đánh giá, Hàn Quốc đã chọn Đức là quốc gia cung cấp tàu ngầm đầu tiên cho họ.
Năm 1992, Hải quân Hàn Quốc nhận được tàu ngầm đầu tiên Type-209 được đóng tại nhà máy đóng tàu Daewoo theo giấy phép từ Howaldtswerke-Deutsche của Đức.
Tàu ngầm Type-209 được gọi là Chang Bogo -1, có tải trong ngập nước 1.200 tấn. Khả năng chiến đấu của tàu ngầm này không cao, tàu ngầm được trang bị 8 ống phóng ngư lôi. Chưa kể, khả năng hoạt động dưới nước liên tục không quá 3 ngày.
Nói chung sự khởi đầu của tàu ngầm Hàn Quốc không tồi nhưng cũng không khá hơn so với các nước trong khu vực.
Đến năm 2001, Hải quân Hàn Quốc có trong trang bị 9 tàu ngầm lớp Chang Bogo-1.
Vượt trội về chất lượng
Sự hạn chế của tàu ngầm Chang Bogo-1 đã nhanh chóng được bổ sung bằng loại tàu ngầm điện diesel hiện đại hơn lớp Chang Bogo-2.
Đây là biến thể của tàu ngầm Type-214 của Đức sản xuất theo giấy phép tại nhà máy đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc.
Tàu ngầm lớp Chang Bogo-2 có tải trọng 1.800 tấn, vũ khí vẫn tương tự như Chang Bogo-1 với 8 ống phóng ngư lôi.
Type-214 Chang Bogo-2 một trong những tàu ngầm động cơ không khí độc lập AIP hiện đại nhất thế giới hiện nay, Hàn Quốc là quốc gia châu Á đầu tiên sở hữu tàu ngầm AIP. |
Tuy nhiên, điều khác biệt là Chang Bogo-2 được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập AIP. Với động cơ này, tàu ngầm lớp Chang Bogo-2 có thể hoạt động liên tục 50 ngày trên biển.
Ngoài ra, tàu ngầm mới được cập nhật các công nghệ sonar tiên tiến nhất, biến nó trở thành tàu ngầm điện-diesel hàng đầu thế giới hiện nay.
Chiếc đầu tiên của lớp Chang Bogo-2 được chuyển giao cho Hải quân Hàn Quốc vào năm 2006, đến nay, 3 chiếc đã được đưa vào hoạt động, dự kiến số lượng trang bị khoảng 9 chiếc.
Chang Bogo-3 Dự án SS-X tàu ngầm của tương lai
Sự phát triển của hạm đội tàu ngầm Hàn Quốc sẽ không dừng lại với những gì hiện có, theo kế hoạch đã được phê duyệt đến năm 2030 Hàn Quốc sẽ xây dựng một hạm đội tàu ngầm hùng mạnh.
Đến năm 2015, Hải quân Hàn Quốc sẽ thành lập Bộ chỉ huy hạm đội tàu ngầm riêng, trụ sở của hạm đội tàu ngầm Hàn Quốc sẽ được đặt trên đảo Jeju.
Chương trình SS-X sẽ tạo ra một tàu ngầm mới có lượng giãn nước khoảng 3.000-4.000 tấn, tàu ngầm sẽ được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập AIP với khả năng hoạt động liên tục không dưới 50 ngày trên biển.
Đặc biệt, tàu ngầm thế hệ mới sẽ được trang bị khả năng phóng tên lửa hành trình Hyunmoo-3 tầm bắn 500km, cơ số trang bị tên lửa lên đến 20 quả.
Gần đây, Mỹ đồng ý cho Hàn Quốc nâng tầm bắn của tên lửa hành trình lên 1.000km. Việc tích hợp loại tên lửa mới vào tàu ngầm SS-X sẽ mang lại một năng lực tác chiến vượt ra khỏi bán đảo Triều Tiên.
Sự xuất hiện của chương trình tàu ngầm SS-X sẽ tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới cho Hải quân Hàn Quốc, không chỉ đe dọa Triều Tiên mà còn là một thách thức đối với Trung Quốc, Nhật Bản, thậm chí cả Nga. Phương tiện truyền thông Hàn Quốc cũng thừa nhận, SS-X không chỉ là để đối phó với Triều Tiên.
Theo kế hoạch đến năm 2020, Hải quân Hàn Quốc sẽ nhận được 6 chiếc tàu ngầm SS-X nâng tổng số tàu ngầm của Hàn Quốc lên con số 18 chiếc.
Theo một số nguồn tin, tàu ngầm SS-X sẽ có khả năng phóng tên lửa trong trạng thái ngập nước, một công nghệ rất quan trọng trong công nghệ tàu ngầm.
Chương trình SS-X có thể coi là một bất ngờ của Hàn Quốc. Điều đó cho thấy tham vọng to lớn của họ trong việc tạo ra một thế lực hải quân ở châu Á. Tuy nhiên, chương trình SS-X đang gặp một số trục trặc về giá cả.
Hai nhà thầu chính của dự án là Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering và Hyundai Heavy Industries yêu cầu chi phí cho mỗi tàu ngầm 900 triệu USD trong khi đó Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chỉ muốn đầu tư 630-730 triệu USD cho mỗi tàu.
Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quá lớn, sớm muộn vấn đề này sẽ được giải quyết.
Chang Bogo-4 tàu ngầm hạt nhân
Hàn Quốc đã có kế hoạch làm chủ công nghệ phóng tên lửa từ dưới nước và chắc chắn rằng nó không chỉ để dành cho một tàu ngầm thông thường. Họ đã bí mật khởi động chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân.
Một số nguồn tin giấu tên cho biết, Chang Bogo-4 là một chương trình dài hơi và SS-X chính là bước đệm cho việc phát triển các tàu ngầm lớn.
Hàn Quốc hội đủ các yếu tố cần thiết để phát triển tàu ngầm động lực hạt nhân. Ảnh minh họa |
Tàu ngầm hạt nhân của chương trình Chang Bogo-4 sẽ có tải trọng khoảng 5400 tấn và được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất của Hàn Quốc.
Nếu Hàn Quốc thực sự phát triển tàu ngầm hạt nhân nó sẽ phá vỡ thế cân bằng tại khu vực Đông Bắc Á. Hạm đội tàu chiến mặt nước của Hàn Quốc đã khá mạnh nay lại có thêm tàu ngầm hạt nhân, sẽ là một thế lực đáng gờm tại châu Á.
Đến nay, Chính phủ Hàn Quốc luôn từ chối xác nhận về chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân nhưng nước này đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết để phát triển loại vũ khí đáng sợ này. Seoul có ngành công nghiệp đóng tàu lớn nhất thế giới, còn việc chế tạo một lò phản ứng hạt nhân không phải là vấn đề quá lớn với họ.
Dư luận Hàn Quốc thời gian gần đây liên tục nhắc đến sự cần thiết phát triển tàu ngầm hạt nhân để nâng cao sức mạnh quân sự và vị thế của đất nước. Vấn đề đang được các nhà phân tích quan tâm theo dõi là Washington sẽ phản ứng như thế nào nếu Seoul thực sự phát triển tàu ngầm hạt nhân.
Tuy nhiên, việc Hàn Quốc đầu tư mạnh vào hạm đội tàu ngầm trong đó có cả tàu ngầm động lực hạt nhân rõ ràng đã “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Đông Bắc Á.