Hàn Quốc hôm qua thông báo sẽ cho kiểm tra toàn bộ 23 lò phản ứng hạt nhân trên toàn quốc. Trong khi đó tại Nhật, thảm họa Fukushima đã tính được tổng thiệt hại.
Tập đoàn KHNP và một lò hạt nhân do tập đoàn này đang thi công tại Hàn Quốc
Ủy ban An ninh và An toàn Hạt nhân Hàn Quốc hôm qua thông báo sẽ cho kiểm tra toàn bộ 23 lò phản ứng hạt nhân trên toàn quốc. Quyết định này được đưa ra sau vụ tai tiếng hối lộ và giấy chứng nhận khả nghi đang gây lo ngại về tính an toàn các nhà máy điện hạt nhân Hàn Quốc.
Trả lời hãng tin AFP, bà Shim Eun- Jung, phát ngôn viên Ủy ban nói trên cho biết là tất cả 23 lò phản ứng đang hoạt động và 5 lò khác trong tiến trình xây dựng sẽ bị kiểm tra.
Ủy ban cũng sẽ cho mở điều tra về các quan hệ khả nghi trong nội bộ tập đoàn nhà nước Korea Hydro & Nuclear Power (KHNP) mà một số lãnh đạo đã vừa xin từ chức, như Chủ tịch KHNP, Kim Kyun-Seop, phải ra điều trần trước Quốc hội vào hôm nay.
Các nhà máy điện hạt nhân Hàn Quốc đã bị hàng loạt sự cố trong thời gian gần đây. Riêng trong năm nay, hai lò phản ứng ở nhà máy Yeonggwang ở vùng Tây nam, vừa bị đóng vì linh kiện thiết bị không phù hợp.
Vào tháng 10/2012, một lò phản ứng bị đóng cửa vì thiết bị kiểm tra hư, một lò khác tự ngưng hoạt đông vì máy bơm nước làm nguội bị hỏng. Vào tháng 7, một lò phản ứng khác 1000 megawatt cũng của nhà máy Yeonggwang đã tự ngưng hoạt động với cùng nguyên nhân.
Các nhà máy điện hạt nhân Hàn Quốc cung cấp khoảng 35% điện tiêu thụ tại nước này. Hôm 5/11, Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo có nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào mùa Đông này do việc hai lò phản ứng tại nhà máy Yeonggwang phải ngưng hoạt động ít ra là cho đến tháng Giêng sắp tới.
Chủ tịch Tepco, nhà quản lý Fukushima, ông Kazuhiko Shimokobe cho biết tổng thiệt hại của vụ tai nạn Fukushima tạm tính tới thời điểm này là 100 tỷ USD
Tin liên quan tới năng lượng hạt nhân, ngày 7/11 vừa qua, tập đoàn Tepco (Nhật) cho biết chi phí dành cho việc xử lý tai nạn hạt nhân Fukushima, bao gồm tẩy rửa và đền bù thiệt hại cho nạn nhân, có thể lên tới trên 100 tỷ USD. Theo các chuyên gia, số liệu này chưa tính đến những thiệt hại trên các lĩnh vực khác như thương mại, công nghiệp, du lịch của nước Nhật.
Trận sóng thần khủng khiếp đổ vào vùng đông bắc Nhật Bản hôm 11/3/2011 đã phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima và gây ra một tai họa hạt nhân lớn, chỉ xếp sau vụ tai nạn Tchernobyl (Ukraina) năm 1986. Vụ nổ lò phản ứng của nhà máy điện Fukushima đã làm phát tán một lượng lớn phóng xạ ra ngoài không khí, đất và nước trên một diện rộng. Hàng trăm ngàn người dân đã phải rời bỏ nhà cửa chạy lánh nạn.
Thiệt hại về vật chất là rất lớn. Đến lúc này con số 10.000 tỷ yên ( trên 100 tỷ USD Mỹ) vẫn chỉ là tạm tính, chưa gộp các khoản chi phí liên quan đến việc tháo gỡ 4 lò phản ứng bị hư hỏng, trong tổng số 6 lò của trung tâm hạt nhân Fukushima. Các chuyên gia dự tính công việc này sẽ phải kéo dài ít nhất 40 năm cùng với sự góp sức của nhiều công nghệ mới cũng như phải đào tạo thêm hàng nghìn kỹ thuật viên.
Chủ tịch Tepco, nhà quản lý Fukushima, ông Kazuhiko Shimokobe nói với báo chí rằng: “Hiện tại chúng tôi chưa biết được phí tổn toàn bộ như thế nào, vì chúng tôi mới chỉ xét đến con số dành cho việc tẩy rửa và bồi thương thiệt hại ở từng quý”.
Các chuyên gia dự tính việc khắc phục hoàn toàn tai nạn Fukushima II sẽ phải kéo dài ít nhất 40 năm
Lo ngại chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn Fukushima sẽ còn lên rất cao, không thể một mình gánh vác hết, tập đoàn Tepco đã nhấn mạnh cần phải xem xét lại kế hoạch cấp kinh phí cho việc khắc phục hậu quả.
Công ty quản lý khai thác nhà máy điện Fukushima này không chỉ buộc phải bồi thường cho hơn 1,5 triệu nạn nhân của vụ tai nạn, tiến hành các biện biện pháp khử phóng xạ mà còn phải tiếp tục sản xuất điện cho toàn bộ vùng đông bắc Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo. Công việc này ngốn một khoản kinh phí không nhỏ để mua khí đốt và dầu lửa cho các trung tâm nhiệt điện hoạt động.
Theo các chuyên gia, chi phí thiệt hại của vụ tai nạn hạt nhân Fukushima sẽ còn rất lớn nếu tính đến cả những thiệt hai do tác động dây chuyến như trên lĩnh vực thương mại, công nghiệp, du lịch … đối với toàn bộ nền kinh tế Nhật.
Nh.Thạch (Tổng hợp)
Theo Petrotimes