Giữa lúc tình hình biển Hoa Đông đang sục sôi vì những tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ngày 5/9, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu tuyên bố sẽ đưa thêm tàu tuần duyên đến khu vực có tranh chấp và đề ra kế hoạch thăm những hòn đảo ở biển Hoa Đông. Quyết định này chẳng khác gì hành động đổ thêm dầu vào lửa!
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu
Theo AFP, ngày 5/9, sau khi nghe chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển báo cáo, Tổng thống Đài Loan tuyên bố rằng nhiệm vụ cụ thể của các tàu tuần tra là bảo vệ ngư dân Đài Loan đang hoạt động tại vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư mà người Nhật vẫn gọi là Senkaku. Ngoài ra, các hoạt động tuần tra như vậy phải được tiến hành thường xuyên, liên tục đặc biệt trong mùa đánh cá.
Từ khi ông Mã Anh Cửu lên làm tổng thống năm 2008, lực lượng tuần duyên của vùng lãnh thổ này đã 10 lần va chạm với đội tàu của Nhật Bản. Ông Mã Anh Cửu một lần nữa khẳng định chính phủ Đài Loan quyết tâm đòi chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư, mà theo ông từ hàng trăm năm nay vùng biển này vẫn là ngư trường quan trọng của ngư dân Đài Loan.
Cũng như Trung Quốc, Đài Loan đã phản ứng mạnh mẽ trước thông tin nói rằng chính phủ Nhật đang chuẩn bị bỏ ra hơn 20 triệu USD để quốc hữu hóa một số hòn đảo của tư nhân trong quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Sau vụ một số người Nhật đổ bộ lên quần đảo cắm cờ, Đài Bắc cũng đã triệu mời đại diện của Nhật Bản lên để phản đối.
Điếu Ngư Đài (theo cách gọi của Đài Bắc), Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, còn Tokyo gọi là Senkaku, là một quần đảo nằm các bờ biển Nhật Bản 2000km về phía tây nam và cách bờ đông bắc của Đài Loan khoảng 200km. Đây là khu vực được đánh giá là một ngư trường dồi dào hải sản và có thể dưới đáy sâu còn ẩn chứa mỏ dầu lớn. Ba nước, Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản đều viện dẫn các chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo. Giới quan sát nhận định một nguyên nhân khác có thể làm cho các tranh chấp chủ quyền tại khu vực này trở nên dai dẳng khó giải quyết đó là tinh thần dân tộc cực đoan của không ít người tại các quốc gia liên quan.
Chưa dừng lại ở việc tăng cường tàu tuần tra, ông Mã Anh Cửu còn công bố kế hoạch những chuyến thăm mang tính tượng trưng tới một hòn đảo gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản và Trung Quốc Đại lục. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Đài Loan bị chỉ trích là giữ lập trường quá mềm mỏng trong vấn đề này.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Công) ngày 5/9, Đài Loan đang áp dụng cách tiếp cận mạnh mẽ hơn nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Động thái này được giới phân tích cho là sẽ làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Đài Loan đã cho thấy thái độ thách thức trong vấn đề tranh chấp các quần đảo, với việc một nhóm nghị sĩ đã đi tàu tới quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) vào ngày 4/9. Tư lệnh lực lượng an ninh quốc gia của chính quyền Đài Loan trước đó cũng đến thăm đảo Thái Bình (đảo Ba Bình của Việt Nam), hòn đảo lớn nhất trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông nhân dịp Đài Bắc tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 5 ngày trên hòn đảo này.
Tàu tuần duyên của Đài Loan và Nhật Bản trên biển Hoa Đông
Trong khi đó, Tổng thống Mã Anh Cửu cũng đang lên kế hoạch cho chuyến thăm và thanh sát mang tính tượng trưng ở quần đảo Điếu Ngư Đài. Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Đài Loan Phạm Khương Thái Cơ ngày 4/9 đã xác nhận rằng ông Mã Anh Cửu sẽ bay tới đảo Bành Giai hiện do Đài Loan nắm giữ. Hòn đảo này không thuộc diện tranh chấp, nằm cách quần đảo Điếu Ngư Đài 76 hải lý về phía Đông và sẽ tới gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư Đài.
Người phát ngôn Phạm Khương Thái Cơ cho biết: “Do chuyến đi này liên quan tới sự an toàn của tổng thống, nên chi tiết chuyến đi sẽ chỉ được công bố sau khi công tác sắp xếp đã được hoàn tất”. Chuyến bay lần này của ông Mã Anh Cửu có thể là một cơ hội để nhà lãnh đạo này duy trì tuyên bố chủ quyền của Đài Loan đối với quần đảo Điếu Ngư Đài, hiện đang thuộc quyền kiểm soát của Tokyo nhưng cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều cùng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Ông Mã Anh Cửu đã tái khẳng định rằng Đài Loan sẽ không nhân nhượng trong tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo Điếu Ngư Đài.
Trước đó, truyền thông Đài Loan ngày 4/9 đưa tin Tổng thống Mã Anh Cửu đang lên kế hoạch bay tới đảo Bành Giai bằng máy bay trực thăng vào ngày 9/9 để thăm lực lượng bảo vệ bờ biển và các nhân viên khí tượng đang làm việc tại đó. Ông Mã Anh Cửu cũng có thể tham dự một cuộc họp về những diễn biến mới nhất trên quần đảo Điếu Ngư Đài, sau đó bay tới khu vực phòng không ở phía Đông để kiểm tra công tác phòng không của quần đảo tranh chấp gần đó.
Đây sẽ là sự thể hiện lập trường mạnh mẽ nhất của ông Mã Anh Cửu đối với chủ quyền quần đảo Điếu Ngư Đài kể từ khi ông này trở thành Tổng thống Đài Loan hồi tháng 5/2008. Các chính trị gia đối lập Đài Loan đã chỉ trích và chế nhạo Tổng thống Mã Anh Cửu khi nói rằng nhà lãnh đạo này sẽ đặt chân lên quần đảo Điếu Ngư Đài. Là một người chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư Đài (Senkaku), ông Mã Anh Cửu đã mềm mỏng hơn sau khi trở thành lãnh đạo Đài Loan do lo ngại gây ra một cuộc xung đột trong khu vực. Tuy nhiên, những lo ngại này đã bị các nghị sĩ và giới truyền thông Đài Loan chỉ trích là quá mềm yếu.
Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm 4/9 đã lên giọng trong vấn đề Điếu Ngư Đài, tuyên bố rằng các nước khác không có quyền đưa ra những bình luận tiêu cực về chuyến bay đã được lên kế hoạch của ông Mã Anh Cửu do đảo Bành Giai và quần đảo Điếu Ngư Đài thuộc về Đài Loan.
Nh.Thạch (Tổng hợp)
Theo Petrotimes