TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Đài Loan trong thế cờ biển Đông

Đài Loan đã chính thức loan báo kế hoạch diễn tập bắn đạn thật tại đảo Ba Bình thuộc Trường Sa từ ngày 1 tới 5-9 để “khẳng định chủ quyền của Đài Loan tại biển Đông” (?).

Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan CAN cho biết nước này sẽ hoàn tất lắp đặt cột ăngten chiều cao 7 m được đặt gần đường băng dài 1.200 m hiện đại trên đảo. Mục đích của cột ăngten này sẽ cho phép tăng tần suất chuyến bay đến đảo với sự ra đời của đội không quân đặc biệt có khả năng vượt khoảng cách từ Ba Bình đến TP Cao Hùng (khoảng 1.600 km) chỉ trong vòng vài giờ. Những động thái trên làm nhiều nhà quan sát lo ngại về sự “trỗi dậy” không bình thường của Đài Bắc tại biển Đông, nhất là khi vùng lãnh thổ này luôn thoắt ẩn thoắt hiện trong thế cờ chiến lược với Trung Quốc.

Trung-Đài: Cùng một chiến tuyến

Kể từ khi ông Mã Anh Cửu lên làm tổng thống, các chính sách của Đài Loan với đại lục đã có vẻ mềm mỏng hơn. Các cuộc hội thảo, nghiên cứu học thuật và trao đổi chính sách giữa hai bên về biển Đông diễn ra thường xuyên hơn. “Báo cáo đánh giá tình hình khu vực Nam hải” do hai bên cùng hợp tác soạn thảo là một ví dụ sinh động cho thấy khả năng hợp tác giữa hai bên là rất lớn. Tuy nhiên, chính những yếu tố cốt lõi hình thành chính sách đối ngoại của chính quyền Đài Bắc lại là các lực cản đối với một liên minh Trung-Đài trong cục diện châu Á-Thái Bình Dương.

Với việc đang khá thất thế trong các đòi hỏi chủ quyền của mình, đã xuất hiện những lời kêu gọi ngày càng mạnh mẽ từ đại lục rằng hai bờ nên phối hợp phòng vệ và hợp tác phát triển tại biển Đông. Cái lợi đầu tiên là sẽ làm quan hệ giữa hai bờ trở nên ấm áp hơn nữa, tăng cường lòng tin. Thứ hai, theo lập luận từ đại lục, sẽ tạo ra sự thúc đẩy kinh tế cần thiết nhằm xây dựng Đài Loan trở thành một “trung tâm vận tải biển” như Đài Bắc vẫn hy vọng.

Trong khoang lái một máy bay tiêm kích của Đài Loan. Ảnh: Internet

Hiện nay đảo Ba Bình - đảo lớn nhất tại Trường Sa và bãi Bàn Than đang nằm dưới sự kiểm soát của Đài Loan. Trong khi đó, tất cả những gì Trung Quốc chiếm giữ khu vực này chỉ là chín bãi đá. Chúng ta có thể thấy vị thế hiện tại của Đài Loan tại Trường Sa mang tính chiến lược rất cao và việc Bắc Kinh lôi kéo Đài Bắc về phía mình là tất yếu. Gần đây theo Taipei Times, đang xuất hiện một số lo ngại về việc hai bờ eo biển đang tiến hành những động thái xích lại gần nhau hơn trong vấn đề giải quyết tranh chấp tại biển Đông trong bối cảnh căng thẳng khu vực dâng cao. Giới học thuật cũng như phía chính phủ ở cả Trung Quốc đại lục lẫn Đài Loan đều có các ý kiến ủng hộ sự hợp tác này. Tuy nhiên, cũng có những bộ phận không nhỏ yêu cầu Đài Loan đứng trung lập và không gây căng thẳng trong vấn đề biển Đông.

…Nhưng khác lựa chọn

Đài Bắc, theo nhận xét của Raul Pangalangan trên tờ The Inquirier, không muốn đứng ngoài tranh chấp bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham). Theo đó, vụ này không chỉ là tranh chấp song phương Trung Quốc-Philippines, mà bên cạnh đó còn có một chủ thể khác là Đài Loan. Điều này mặt nào đó “chỏi” với tuyên bố về “đường chữ U” khẳng định lãnh hải bao trùm hầu như toàn bộ biển Đông của đại lục.

Gần đây, các sức ép trong nước yêu cầu Đài Loan phải có những phản ứng mạnh mẽ hơn đối với việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “TP cấp địa khu Tam Sa”. Theo Dean Cheng, chuyên gia về Đài Loan và Trung Quốc của The Heritage Foundation đóng trụ sở tại Washington, thì Đài Loan cần đưa ra tiếng nói để bảo vệ lợi ích của mình khi mà vấn đề biển Đông đang thu hút sự chú ý lớn của dư luận thế giới.

Thứ hai, qua tuyên bố của James Chou, Đài Loan muốn cho các bên liên quan thấy rằng cách tiếp cận của mình là hoàn toàn khác với đại lục khi Đài Bắc hoàn toàn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp biển Đông theo một cơ chế đa phương. Qua đó, chính quyền Mã Anh Cửu hy vọng rằng Đài Loan sẽ có một tư cách hợp pháp để tham gia vào tất cả cuộc thảo luận liên quan đến biển Đông. Tuy nhiên, rủi ro cũng không hề nhỏ.

Đài Bắc vốn đồng quan điểm với Bắc Kinh rằng chủ quyền tại các khu vực giàu tài nguyên ở biển Đông thuộc về người Trung Quốc, tuy nhiên bất đồng lớn nhất hiện tại là chính phủ Trung Quốc nào sẽ là người thực thi chủ quyền đó. Rõ ràng Đài Loan không có khả năng đối chọi với đại lục về quân sự. Nhiều học giả nước ngoài và Đài Loan nhận định rằng việc đại lục thực hiện tham vọng biến biển Đông thành khu vực ảnh hưởng của mình còn bao hàm mục tiêu là bao vây và cuối cùng là thu hồi lại Đài Loan. Thông qua các hành động quyết liệt của Đài Bắc gần đây, Bắc Kinh có thể viện cớ cho rằng đó là các hành động đe dọa quân sự mới, mà mối lo sợ lớn nhất của chính quyền Mã Anh Cửu chính là việc Trung Quốc có thể tiến hành đánh chiếm Ba Bình. Với sức mạnh quân sự vượt trội, việc đánh chiếm một hòn đảo với Bắc Kinh là việc hết sức dễ dàng và chắc chắn sẽ không gặp phải bất cứ sự can thiệp đáng kể nào từ các nước khác. “Đạo luật quan hệ Đài Loan” thông qua năm 1979 của Mỹ như là một sự đảm bảo để Đài Loan được bảo vệ trong bất cứ trường hợp tấn công nào từ phía đại lục. Tuy nhiên, nếu như nó có liên quan đến biển Đông thì Washington không có lợi ích nào khác hơn ngoài việc bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực mà thôi.

Cần nhớ rằng chính quyền Bắc Kinh vẫn luôn chủ trương thực hiện chính sách “một Trung Quốc” hay “một quốc gia, hai chế độ” đối với đảo Đài Loan. Vào tháng 5-1984, Quốc hội Trung Quốc khóa IV, dựa trên ý tưởng của Đặng Tiểu Bình, đã đưa ra chính sách cho phép Đài Loan phát triển với chế độ chính trị, bộ máy hành chính và lực lượng phòng vệ riêng biệt, tuy nhiên cũng đồng thời khẳng định toàn bộ quyền về đối ngoại, quốc phòng đều thuộc về chính quyền trung ương Bắc Kinh. Nói một cách khác, Bắc Kinh vẫn luôn phủ nhận và sẵn sàng đe dọa sử dụng vũ lực để ngăn cản việc Đài Loan tách riêng khỏi chính quyền đại lục - trở thành một quốc gia độc lập. Để đảm bảo được sự tồn tại của chính quyền Đài Loan, cũng như duy trì mong muốn giành quyền độc lập trước “gã Goliath khổng lồ”, “chàng David” Đài Loan không còn cách nào khác ngoài việc duy trì mối quan hệ đồng minh của mình với cường lực quân sự số một thế giới - Mỹ.

NGUYỄN THẾ PHƯƠNG
Theo Phapluattp

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te