Hai giàn khoan khai thác dầu khí của Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) ở thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: TTXVN
- Ông Nguyễn Toàn Thắng: Hiện tại, phía Trung Quốc mới chỉ dừng lại ở việc có thông báo mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên website của CNOOC mà chưa có hành động cụ thể gì thêm. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao nước ta và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có phản đối. Mới đây nhất, ngày 28-6, Hội Luật gia Việt Nam phát đi thông cáo cực lực phản đối vụ này và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở biển Đông và mở rộng tranh chấp.
Trước hết, phải khẳng định không có chuyện vùng tranh chấp ở đây vì vụ việc xảy ra nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và hành vi của Trung Quốc là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Do vậy, trước mắt, Việt Nam chỉ cần tập trung vào phản đối, đấu tranh hành động ngang ngược, phi lý, bất chấp luật pháp của Trung Quốc thông qua con đường ngoại giao.
* Cũng có ý kiến lo ngại hành động thông báo mời thầu của CNOOC vừa qua là nằm trong chuỗi tham vọng “đường lưỡi bò” chứ không chỉ là phản ứng tức thời?
- Trước hết, Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng con đường ngoại giao để phản đối hành động sai trái từ phía Trung Quốc như đại diện của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc có thông báo đến cơ quan này để cộng đồng quốc tế biết rõ và ủng hộ… Đồng thời, phía cơ quan ngoại giao Việt Nam thông báo cho cơ quan ngoại giao Trung Quốc về vụ việc. Biện pháp khởi kiện bao giờ cũng là biện pháp cuối cùng, nhất là trong tình trạng biển Đông đang phức tạp như hiện nay mà có nguyên nhân chính từ phía Trung Quốc và cả thế giới đang theo dõi thường xuyên diễn biến tình hình.
* Về nguyên tắc luật pháp quốc tế, Việt Nam sẽ tiến hành khởi kiện ra tổ chức nào?
- Trong trường hợp Việt Nam khởi kiện khi Trung Quốc có những hành động tiến xa hơn việc thông báo mời thầu và có tính chất “leo thang” thì sẽ áp dụng theo cơ chế giải quyết tranh chấp của Tòa án Luật Biển quốc tế. Cụ thể: Các cơ quan tài phán quốc tế có thể xem xét và phán quyết về việc này như Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án Luật Biển quốc tế, Hội đồng Trọng tài quốc tế.
Về trình tự thủ tục sẽ do Nhà nước Việt Nam chuẩn bị từ cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền, lập luận, con người… Hiện Việt Nam có đầy đủ lập luận, cơ sở pháp lý, hồ sơ chứng cứ để chứng minh chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; còn đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là đương nhiên và được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định quá rõ, không còn gì phải bàn cãi. Việc hệ thống lại các cơ sở pháp lý này cũng được tiến hành để áp dụng trong từng vụ việc cụ thể.
* Việc CNOOC ra thông báo mời thầu lần này cóvi phạm giống như hành vi của tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp, cản trở hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của tàu Bình Minh 02 thuộc PVN tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam vào tháng 5-2011 hay không?
- Về cơ bản thì giống. Hành vi vi phạm của tàu hải giám Trung Quốc và thông báo mời thầu của CNOOC đều thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Hành vi của phía Trung Quốc là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được thiết lập phù hợp với quy định tại các điều 56, 58, 76 và 77 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Căn cứ vào tình hình vụ việc và cơ sở pháp lý quốc tế hiện nay, một khả năng mà Việt Nam có thể xem xét là sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (phần XV).
* Theo ông, bản chất của vụ CNOOC mời thầu là gì?
- Trung Quốc đang thực hiện hành vi cố tình đánh lừa dư luận. Đó là muốn tạo cho dư luận hiểu rằng đang tồn tại một tranh chấp, vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nếu chúng ta làm ngơ thì theo thời gian họ sẽ khẳng định toàn biển Đông là vùng tranh chấp. “Nếu không cương quyết và cứng rắn chúng ta sẽ vô tình đưa cả vùng quyền chủ quyền và vùng tranh chấp“lọt” vào “đường lưỡi bò”.
HỘI DẦU KHÍ VIỆT NAM Đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia dự thầu Ngày 29-6, Hội Dầu khí Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định việc CNOOC mời thầu hợp tác thăm dò, khai thác 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế. Hội Dầu khí Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu CNOOC hủy bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái nói trên; đồng thời đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia dự thầu 9 lô dầu khí mà CNOOC công bố trên mạng tiếng Trung và tiếng Anh của CNOOC từ ngày 23-6. D.Quốc |