Rơi vào thế bế tắc
Theo một báo cáo mới công bố của ICG có tên “Khuấy động biển Đông: Các phản ứng trong khu vực”, tranh chấp trên biển Đông đã lâm vào ngõ cụt. “Các triển vọng giải quyết đang bị thu hẹp dần trong khi mọi động thái của các bên liên quan đi sai hướng” - tổ chức có trụ sở tại Brussels - Bỉ kết luận.
Kết luận bi quan này được rút ra sau khi 10 nước ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung về biển Đông mới đây. "Không có được sự đồng thuận về cơ chế giải quyết, căng thẳng trên biển Đông dễ dàng diễn biến thành xung đột vũ trang. Khi các nước ASEAN còn chưa thống nhất được chính sách về biển Đông thì luật pháp và quy định sẽ không được tuân thủ" - ông Paul Quinn-Judge, giám đốc chương trình châu Á của ICG, cho biết.
Tranh chấp trên biển Đông có nguy cơ phát triển thành xung đột vũ trang
Báo cáo của ICG cho rằng Trung Quốc đang "tích cực khoét sâu" sự chia rẽ bên trong ASEAN bằng cách đối xử ưu tiên với một số thành viên ủng hộ Trung Quốc. "Sự thiếu đoàn kết giữa các nước đối thủ của Trung Quốc, cộng với những điểm yếu trong cơ chế đa phương của khu vực đang gây khó khăn cho việc tìm kiếm một giải pháp" - báo cáo nhấn mạnh.
Quân sự hóa biển Đông
Căng thẳng càng tăng cao với hàng loạt hành động leo thang gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông, cụ thể là lập bộ chỉ huy quân sự trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và tiếp đó là lập bộ máy hành chính của cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Các hành động này bị Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain chỉ trích là “khiêu khích không cần thiết” và “đáng thất vọng, không phù hợp với vị thế cường quốc của Trung Quốc”.
Trong khi đó, ngày 23-7, Tổng thống Philippine Benigno S. Aquino III công bố các kế hoạch mua máy bay chiến đấu, kể cả trực thăng tấn công, để sử dụng trong tranh chấp trên biển Đông. Đài Loan cũng “đổ dầu vào lửa” với kế hoạch mở rộng cơ sở quân sự, đưa súng cối và pháo cao xạ đến đảo Ba Bình thuộc chủ quyền Việt Nam.
Phát biểu trước quốc hội, ông Aquino cứng rắn: “Nếu ai đó vào sân nhà bạn và nói anh ta sở hữu nó, bạn có cho phép không? Từ bỏ những gì thuộc về mình là không đúng”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng ngay sau đó một ngày với chỉ trích Tổng thống Philippines không hề có chứng cứ pháp lý nào để tuyên bố chủ quyền đối với đảo Hoàng Nham (Philippines gọi là bãi Scarborough).
Theo The New York Times, các chuyên gia của ICG đã bỏ ra hai năm để để nghiên cứu tình hình biển Đông. Theo họ, căn cứ để Trung Quốc tranh giành chủ quyền các quần đảo trên biển Đông là mơ hồ, chỉ dựa vào những “phát hiện lịch sử” của chính họ. Đặc biệt, “đường lưỡi bò” 9 đoạn chỉ mới được Bắc Kinh vẽ lại không lâu sau Thế chiến thứ hai nhưng đã “liếm” đến 80% diện tích biển Đông.
Tham vọng phi lý của Trung Quốc vấp phải phản ứng kịch liệt của Việt Nam và Philippines nhằm bảo vệ nguồn lợi dầu khí cùng ngư trường thuộc chủ quyền.