Biển Đông: lật tẩy ngón bài TQ "dùng đô la" chia rẽ ASEAN
Trung Quốc đã đầu tư vào Campuchia 1,9 tỷ USD trong năm ngoái, gấp đôi số tiền đầu tư của các nước ASEAN cộng lại và gấp 10 lần so với mức đầu tư của Mỹ.
Không giống như hầu hết các nước khác trong khu vực, môn ngoại ngữ đang được dạy phổ biến trong các trường tư và trường công ở Campuchia là tiếng Trung Quốc chứ không phải tiếng Anh.
|
Lâm Minh, 31 tuổi, giáo viên tiếng Trung tại một trung tâm ngoại ngữ ở Phnom Penh, Campuchia |
Tiếng Trung "lên ngôi" tại Campuchia
"Trước đây, mọi người tìm đến đây để học tiếng Anh, nhưng bây giờ là tiếng Trung Quốc" - Quách Gia, một giáo viên kiêm quản lý trường đào tạo tiếng Trung Quốc Minh Phát tại Phnom Penh nói với phóng viên Reuters.
"Các học viên ở đây thuộc tất cả các nghề như hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch tiếng Trung Quốc hoặc nhân viên ngân hàng và nhà hàng" - ông nói thêm.
Đó có thể là một dấu hiệu về sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Campuchia, điều có thể gây ra xáo trộn đối với tính thống nhất của 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Trung Quốc đã và đang tìm cách giành thiện cảm từ các nước Campuchia, Lào và Myanmar trong khi để lại nhiều sự thất vọng cho Việt Nam và Philippines vì những tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông nhiều tiềm năng dầu khí.
Theo nhận định của các chuyên gia, trước sức hấp dẫn của các khoản đầu tư, một Campuchia với nền kinh tế yếu kém nhất ASEAN sẽ ngày càng hướng đến Trung Quốc.
|
Khoảng 40.000 người Campuchia đã ghi danh học tiếng Trung Quốc tại các trường, trung tâm đào tạo ngoại ngữ ở nước này . |
"Việc được hưởng lợi từ các khoản vay ưu đãi và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vào Campuchia đã làm gia tăng lo ngại rằng nước này sẽ lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc cũng như những dễ bị tổn thương do gia tăng áp lực kinh tế" - ông Bonnie Glaser, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cho biết.
Khoảng 40.000 người Campuchia đã ghi danh học tiếng Trung Quốc tại các trường đào tạo ngoại ngữ ở nước này - theo thống kê của Hiệp Hội tiếng Trung Khmer. Xu thế này đang gây ảnh hưởng tới mục tiêu phổ biến tiếng Anh trước năm 2015 của Cộng đồng Kinh tế Asean nhằm thu hút 2.000 tỷ USD đầu tư nước ngoài cho 10 nước với 600 triệu dân.
"Nó sẽ hữu ích hơn ngoài tiếng Anh" - Heng Guechly, một sinh viên tại một trường ngoại ngữ cho biết. "Nhu cầu rất nhiều và Trung Quốc đang có mối quan hệ tốt đẹp với Campuchia. Vì vậy, người Trung Quốc sẽ đến đây đầu tư".
Các số liệu thống kê chính thức cho thấy, Trung Quốc đã đầu tư vào Campuchia 1,9 tỷ USD trong năm ngoái, gấp đôi số tiền đầu tư của các nước Asean còn lại và gấp 10 lần so với mức đầu tư của Mỹ.
Trong khi đó, 151.887 khách Trung Quốc đã tới Campuchia trong nửa đầu năm nay, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2011. Và ngành du lịch Campuchia đang kỳ vọng sẽ hút được 1 triệu khách Trung Quốc vào năm 2020.
|
Phó Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Phnom Penh tháng 12/2009. |
Các công trình xây dựng của Trung Quốc tại Campuchia ngày càng nhiều, các ty nông nghiệp liên doanh Trung Quốc - Campuchia vẫn không ngừng được thành lập, 70% trong số 330 nhà sản xuất hàng may mặc lớn nhất của Campuchia đang hút ngoại tệ và tạo việc làm cho người lao động nước này là của các chủ đầu tư người Trung Quốc.
Khống chế bằng kinh tế
Theo nhận định của Reuters, việc xây dựng mối quan hệ sâu sắc với Campuchia và thân thiện với Lào, Myanmar đang giúp cho Bắc Kinh tranh thủ giành được sự phủ quyết trên các bàn hội nghị của ASEAN vốn đòi hỏi phải có sự đồng thuận của tất cả 10 thành viên.
Thực tế đó đã được chứng minh hồi tháng trước khi cuộc họp Ngoại trưởng Asean tại Phnom Penh đã lần đầu tiên kết thúc mà không có thông cáo chung. Philippines đã giận dữ tuyên bố Trung Quốc là thủ phạm đứng sau sự cố này nhằm lôi kéo Campuchia vào các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đang tìm cách củng cố mối quan hệ với Lào bằng các dự án xây dựng đường giao thông, cầu, sân vận động, chuyển giao công nghệ mới và học bổng cho hàng trăm sinh viên nước này tới Trung Quốc học tập.
Cộng đồng người Trung Quốc định cư tại Lào. Năm ngoái, thương mại song phương Trung Quốc - Campuchia cũng tăng 40% và các ngân hàng Trung Quốc đã cho Lào vay 3 tỷ USD cùng lời hứa sẽ đầu tư 7 tỷ USD giúp nước này xây dựng đường sắt tốc độ cao.
|
Việc xây dựng mối quan hệ sâu sắc với Campuchia và thân thiện với Lào, Myanmar đang giúp cho Bắc Kinh tranh thủ giành được sự phủ quyết trên các bàn hội nghị của Asean |
Điều tương tự cũng đang xảy ra ở Myanmar. Các khoản đầu tư trên các lĩnh vực thương mại, dầu khí và thủy điện giữa hai nước cũng đang bùng nổ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, sự phụ thuộc của Myanmar vào Trung Quốc có thể sẽ sớm kết thúc.
ASEAN cần một chiến lược phù hợp
Đối với Bắc Kinh, chia rẽ ASEAN là một trong các chiến lược đáng được sử dụng để giành lợi thế trong tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông, nơi mà Trung Quốc muốn đàm phán song phương với các đối thủ yếu hơn chứ không muốn đối đầu với một Asean đoàn kết.
Bị thu hút bởi sự tăng trưởng của ASEAN và thận trọng với sự ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Trung Quốc, Mỹ đã nhanh chóng chuyển hướng trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á và tăng cường củng cố mối quan hệ với các nước trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố phát hành hồi tháng này, Tân Hoa Xã còn cố gắng cáo buộc Mỹ rằng nước này giả bộ là một trung gian hòa giải trung thực trong tranh chấp trên Biển Đông nhưng ý định thực là gây rối và chia rẽ Trung Quốc với các nước láng giềng vì lợi ích riêng của Washington.
|
Người thợ may Campuchia có thu nhập 55 USD/tháng với số giờ làm việc là 48 tiếng/tuần. |
Theo các chuyên gia, sự thay đổi cái nhìn của Mỹ đối với các nước Campuchia, Myanmar và Lào có thể chỉ là một sự đặt cược bởi Trung Quốc sẽ không cho phép ảnh hưởng của mình với ASEAN bị suy yếu.
"Trung Quốc đã bắt đầu rất mạnh mẽ và đã ăn sâu trong nền kinh tế của họ. Một sự thay đổi sẽ không dễ dàng. Hơn nữa, khi Mỹ thay đổi, Bắc Kinh chắc chắn sẽ tìm cách để tăng sự ảnh hưởng của mình nhằm tránh bị mất vị trí ưu đãi vốn có cũng như các đòn bẩy đi kèm" - chuyên gia Glaser của CSIS nói thêm.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh của 2 cường quốc sẽ chuyển nhiệt vào ASEAN trong thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử của mình.
"Nếu chúng ta không thực sự thống nhất và tích hợp, chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của các cường quốc bên ngoài" - Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói với tờ Jakarta Post - "Chúng ta phải phát triển trên quan điểm của ASEAN ở mọi vấn đề. Chúng ta không nên hành động vì những lợi ích cá nhân riêng biệt" - ông Surin cảnh báo thêm.
|
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan |
Trong thời buổi kinh tế toàn cầu đang suy thoái, những đồng đô la/nhân dân tệ mà Trung Quốc sử dụng để mua chuộc một số nước thành viên ASEAN, thông qua đó khống chế cả một nền kinh tế yếu kém, từ đó dễ dàng khống chế các nước này phục vụ cho các âm mưu chính trị đen tối. Độc chiếm Biển Đông là một trong số đó, và là ưu tiên số 1 của Bắc Kinh hiện nay.
Khi đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia nhiều gấp đôi tổng đầu tư của các nước ASEAN cộng lại, gấp 10 lần đầu tư của Mỹ và còn tiếp tục gia tăng, việc kêu gọi Phnom Penh nên đặt lợi ích của ASEAN lên trên số đô la/nhân dân tệ từ Trung Quốc mang đến cho Campuchia sẽ là điều không tưởng.
Điều này không chỉ đặt ra những khó khăn thách thức cho việc giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông dựa trên cơ sở đàm phán đa phương và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước biển Liên Hợp Quốc 1982. Quan trọng hơn, đây là thử thách rất lớn cho sự tồn tại và phát triển nội khối ASEAN.
Thay vì kêu gọi Campuchia, cộng đồng ASEAN cần sớm nhóm họp và đưa ra "luật chơi chung" đảm bảo sự đoàn kết, hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng chung của cả khối. Và khi một thành viên nào đó chỉ thích "ăn mảnh" mà không chịu đóng góp, thậm chí cầm tiền của kẻ khác để "cõng rắn mổ gà nhà" thì toàn khối nên xem xét tư cách thành viên của anh ta, không thể để một con sâu làm rầu nồi canh!
-------------------------------
Nguyễn Hường (nguồn Reuters)
(theo báo Giáo Dục Việt Nam)