Các nhà bình luận Trung Quốc hiếu chiến đã thúc giục Bắc Kinh chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự với Nhật Bản trong lúc căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia cho rằng khó có khả năng hai “người khổng lồ” châu Á này sẽ dấn thân vào một cuộc chiến.
Các chuyên gia cho rằng khó có khả năng xảy ra chiến tranh Trung – Nhật trên biển Hoa Đông. |
Nguy cơ lớn lúc này là có thể một sự cố giao tranh trên biển sẽ xảy ra ngoài mong muốn gây thương vong và làm gia tăng sức ép phải trả đũa. Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống đó, Tokyo và Bắc Kinh có lẽ sẽ tìm cách giải quyết cuộc tranh chấp trước khi nó biến thành một cuộc đối đầu quân sự.
“Đó là nguy cơ thực sự - một biến cố trên biển dẫn đến thương vong. Nếu một người Nhật Bản hoặc người Trung Quốc thiệt mạng, thì tinh thần dân tộc sẽ bùng lên dữ dội”, Tiến sĩ Linda Jakobson, giám đốc chương trình Đông Á của Viện chính sách quốc tế Lowry tại Sydney, nhận xét.
“Nhưng tôi thực sự không thể tưởng tượng ra cảnh biến cố đó có thể khiến một trong hai nước tiến hành tấn công nước kia. Tôi cho rằng “những cái đầu có lí trí sẽ chiến thắng”, bà nói và cho rằng có khả năng hai nước sẽ trả đũa bằng con đường kinh tế.
Theo Reuters, bất chấp căng thẳng ngoại giao và tinh thần dân tộc ngày càng lớn mạnh đặc biệt là ở Trung Quốc, các chuyên gia đều nhất trí rằng cả Bắc Kinh và Tokyo sẽ không có ý định đẩy cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ leo thang thành xung đột quân sự.
“Khả năng xảy ra xung đột quân sự là rất, rất nhỏ bởi lẽ không bên nào muốn đi theo con đường đó”, Xu Guangyu, cựu quan chức quân đội giải phóng nhân dân và hiện đang là cố vấn cho chính quyền Trung Quốc, nhận định.
Ngoài ra, các chuyên gia an ninh cho rằng sức ép từ phía Hoa Kỳ cũng khiến hai bên kiềm chế. Tuần trước, Mỹ lên tiếng tái khẳng định rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi Hiệp ước quốc phòng song phương 1960 Mỹ - Nhật, theo đó Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu Nhật bị tấn công.
“Tôi cho rằng không bên nào liên quan – Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ - muốn xung đột quân sự xảy ra do cuộc tranh chấp này”, Tiến sĩ Jakobson nói.
Tuy nhiên, khả năng xảy ra giao tranh trên biển không phải là không còn.
Mặc dù tàu hải giám Trung Quốc và tàu Canh gác bờ biển Nhật Bản cùng xuất hiện tại vùng biển quanh quần đảo tranh chấp khiến nguy cơ giao tranh leo cao, các chuyên gia quân sự cho rằng hai bên sẽ cố gắng không có hành động khiêu khích bên kia.
“Tin xấu là Trung Quốc điều tàu đến khu vực này. Tin tốt là đó chỉ là tàu công vụ do chính phủ quản lý”, Tiến sĩ Narushige Michishita thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia ở Tokyo nhận xét.
Ông Michishita cho rằng các tàu hải giám Trung Quốc còn có nhiệm vụ khác bên cạnh việc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo tranh chấp.
“Tôi đoán là một số tàu tuần tra công vụ của Trung Quốc có mặt ở đó là để canh chừng các tàu đánh cá, ngăn họ gây ra rắc rối”, Tiến sĩ Michishita nhận định.
Các chuyên gia quân sự nhận xét rằng thủy thủ đoàn của tàu hải giám Trung Quốc hành động rất có nguyên tắc và lực lượng canh gác bờ biển của Nhật cũng vậy. Ngoài ra, hai bên cũng đã liên lạc với nhau nhiều hơn.
Điều khiến các nhà quan sát lo ngại nhất là nguy cơ một tàu chở các ngư dân Trung Quốc “lọt lưới” và xâm nhập các hòn đảo Senkaku. Khi đó, đụng độ giữa hai bên có thể gây thương vong và thông tin đó sẽ gây ra “bão lửa” trên mạng Internet.
Quan hệ ngoại giao và kinh tế song phương Nhật – Trung đã nguội lạnh đi nhiều vào năm 2010 sau khi Nhật bắt một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc lái tàu đâm vào tàu canh gác bờ biển của Nhật.
Lúc này, căng thẳng Nhật Trung xảy ra trong lúc hai nước sắp bước vào thời kì chuyển giao quyền lực.
“Chính quyền hai quốc gia sẽ không chủ ý bước vào một cuộc chiến lớn chỉ vì vài khối đá không có người ở. Tuy nhiên, điều không may là bạn có thể dấn thân vào một cuộc chiến theo cách mà bạn không lường trước: thông qua căng thẳng leo thang ngoài ý muốn. Điều đó có vẻ như chính là tình hình hiện nay và rất hai quốc gia rất khó thoát ra khỏi vòng xoáy tiêu cực đó”, Tiến sĩ Denny Roy, một chuyên gia an ninh tại Trung tâm Đông – Tây ở Hawaii, nhận xét.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác tỏ ra tự tin rằng dù xảy ra giao tranh ngoài ý muốn thì giao tranh đó sẽ bị kiểm soát để không leo thang thành xung đột quân sự.
“Trước khi bất kỳ điều gì xảy ra, chúng ta còn có Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và những người khác cùng can thiệp để đảm bảo rằng tình hình sẽ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát”, ông Xu nói.
Lê Dung
Theo Infonet