Trung Quốc đang áp dụng luật chơi mới; lính thủy đánh bộ Mỹ và Nhật Bản tập trận chiến đấu trên hải đảo.
Cuộc khủng hoảng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đạt tới cao trào trên tất cả các lĩnh vực, trừ mặt trận có tiếng súng. Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG) có trụ sở tại Brussels đã đưa ra báo cáo có nhan đề “Những vùng biển nguy hiểm”, nhận định: “Các cuộc tuần tra thường xuyên hơn của Trung Quốc cùng với việc lực lượng tuần duyên Nhật Bản tiếp tục đi tuần tra xung quanh quần đảo Senkaku làm tăng nguy cơ đụng độ trên biển hơn bao giờ hết”.
Ngày 23/9, Bắc Kinh thông báo hoãn tổ chức các sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, dự kiến diễn ra vào ngày 27/9. Động thái này thể hiện quan hệ Trung-Nhật đã “đóng băng đến cực điểm”.
2 tàu tuần tra biển của Nhật Bản đang kèm một tàu chấp pháp của Trung Quốc gần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ngày 24/9
Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã cử nhà ngoại giao cao cấp, Thứ trưởng Ngoại giao Chikao Kawai tới Trung Quốc trong các ngày 24-25/9 nhằm xoa dịu căng thẳng song phương , nhưng Trung Quốc cho rằng lập trường của Nhật Bản về Điếu Ngư là “không thể chấp nhận được”. Theo Thời báo Hoàn cầu ngày 25/9, các nhà quan sát ở Trung Quốc nhấn mạnh rằng Nhật Bản cần chứng minh sự chân thành của mình. Nếu Tokyo từ chối thỏa hiệp thì những cuộc trao đổi ngoại giao không mảy may thay đổi thình hình quan hệ căng thẳng giữa hai nước như hiện nay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc nhận lời tiếp Thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản để làm rõ lập trường của mình và thúc dục Nhật Bản sửa sai, tức là rút lại quyết định quốc hữu hóa Senkaku, để cải thiện quan hệ hai nước.
Nhưng ai cũng biết rằng, đây là một cuộc “nắn gân” và đối đầu giữa các nước lớn, nó không giống như với các nước nhỏ hay giữa các nước nhỏ. Hai bên đang bị đẩy vào một tiến trình không có đường lùi. Mọi thỏa hiệp lúc này đều bị xem là đầu hàng. Mọi mềm yếu đều bất lợi cho đảng cầm quyền vốn đang diễn ra cạnh tranh quyền lực. Các nhà hoạt động cánh hữu của Nhật Bản tuyên bố rằng “nhượng bộ một tấc lãnh thổ sẽ dẫn tới mất toàn bộ lãnh thổ”. Còn thái độ cứng rắn hiện nay của Bắc Kinh có liên quan đến việc Trung Quốc chuẩn bị thay đổi thế hệ lãnh đạo trong bối cảnh khó khăn. Theo ICG, “sự bất bình ngày càng tăng về khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, nạn tham nhũng lan rộng, lạm phát và giá bất động sản tăng, tất cả những yếu tố này cộng với những tin đồn về sự chia rẽ trong giới lãnh đạo đất nước: Bắc Kinh cảm thấy không thể để bị coi là phản bội lại các lợi ích quốc gia trước một kẻ thù lịch sử”.
Người Trung Quốc kêu gọi tiến hành cuộc đấu tranh trường kỳ xung quanh vấn đề Điếu Ngư. Liệu Tokyo chịu đựng sức ép hiện nay được bao nhiêu lâu? Cả khu vực Đông Á đang theo dõi. Theo tờ Nhật báo Hoa Nam buổi sáng ngày 25/9, một nhà ngoại giao Đông Nam Á nhận xét: “Nếu Trung Quốc đè bẹp được Nhật Bản tại Điếu Ngư, họ có thể đè bẹp mọi kẻ khác. Bắc Kinh đang áp dụng luật chơi mới. Kiểu ăn miếng trả miếng đã lỗi thời. Bắc Kinh đang muốn khuất phục khu vực bằng sức mạnh mới”.
Một biểu hiện của luật chơi mới là việc ngày 10/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo lập trường của Bắc Kinh chính thức hoạch định đường ranh giới khu vực đang có tranh chấp ở biển Hoa Đông và như vậy, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku do Nhật Bản kiểm soát nằm dưới sự “quản lý” của Trung Quốc. Trung Quốc công bố hải đồ, trong đó Chính phủ Trung Quốc đặt tên và tuyên bố chủ quyền đối với 17 điểm cơ sở quanh quần đảo Điếu Ngư và đại diện ngoại giao Trung Quốc đã trực tiếp đệ trình hải đồ này lên Tổng thư ký Liên hợp quốc. Theo ICG, làn sóng bài Nhật tại Trung Quốc trong những ngày qua làm lu mờ đi động thái tiềm ẩn đầy nguy hiểm có thể dẫn đến xung đột trên quy mô lớn giữa hai nước. Trung Quốc xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho phép nước này trục xuất các tàu bè nước ngoài ra khỏi khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông. ICG nhận định đây là một thách thức trực tiếp đối với Nhật Bản. Điều này cho thấy, Trung Quốc đã từ bỏ chính sách vốn được áp dụng cho đến nay là “thông qua đối thoại, tìm kiếm khả năng khai thác chung với Nhật Bản các nguồn tài nguyên trong vùng biển Hoa Đông”.
Bên cạnh đó, Trung Quốc áp dụng biện pháp kinh tế được coi là một kiểu “cấm vận không chính thức” chống lại Nhật Bản. Họ bắt đầu siết chặt kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu với Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản ngày 24/9 cho biết hải quan Trung Quốc đã thông báo với các công ty vận chuyển hàng hóa Nhật Bản rằng họ sẽ siết chặt kiểm tra hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không của Nhật Bản tại sân bay ở Bắc Kinh. Trước đó, hải quan Trung Quốc đã siết chặt kiểm tra hàng hóa Nhật Bản đến Trung Quốc cũng như các chuyến hàng Trung Quốc đến Nhật Bản tại các cảng biển chính của Trung Quốc. Việc cấp visa đã bị trì hoãn.
Giáo sư Ivan Tselichtchev của Đại học Quản trị Niigata nói: “Làm suy yếu Nhật Bản về mặt kinh tế rốt cục là đi ngược lại lợi ích của chính Trung Quốc”. Vì vậy, theo Ivan Tselichtchev, những đe dọa kinh tế của Trung Quốc phần lớn là những tuyên bố nhằm gây áp lực về tâm lý. Ông này khẳng định: “Sẽ không có đòn trả đũa kinh tế lớn nào từ phía Trung Quốc và việc này sẽ tạo ra áp lực trong những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc áp dụng một số biện pháp mang tính biểu tượng trên mặt trận kinh tế để chứng tỏ sự tức giận của mình, ví dụ như ngừng một số dự án đầu tư hoặc ngăn cản các vụ giao dịch xuất-nhập khẩu”. Còn Zhou Yongsheng, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Các vấn đề đối ngoại của Trung Quốc tại Bắc Kinh, nhận định: “Các lệnh trừng phạt thương mại chắc chắn là con dao hai lưỡi... nhất là nếu bên kia áp dụng các biện pháp trả đũa. Trừng phạt thương mại sẽ là một chính sách thất bại hoàn toàn”.
Theo báo Les Echos (Pháp), thái độ hung hãn của nước đông dân nhất thế giới vô hình trung sẽ đẩy một số quốc gia vào vòng tay Mỹ. Trung Quốc đang “tặng” cho Nhật Bản quy chế “đối tác đặc biệt của Mỹ tại châu Á” đúng vào lúc Washington bắt đầu dồn sự chú ý về Niu Đêli.
Tại Guam: Lính thủy đánh bộ Mỹ và binh lính thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang tập trận bảo vệ đảo, ngày 25/9
Một động thái cho thấy Mỹ và Nhật Bản đang nhanh chóng điều chỉnh quan hệ gợp tác quốc phòng để chống lại tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, khi tại Tây Thái Bình Dương, binh sĩ của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản từ giữa tháng 8 đến nay đang được Mỹ huấn luyện các chiến thuật quân sự của thủy quân lục chiến Mỹ. Trong đợt huấn luyện cuối cùng được tổ chức tại Guam, ngày 25/9, 40 binh lính Nhật Bản đã hợp đồng tác chiến với lính thủy đánh bộ Mỹ trong một tình huống giả định bảo vệ các đảo ở xa đất liền. Họ đổ bộ lên đảo bằng xuồng và trực thăng.
Hoàn cảnh mới đang thúc đẩy quá trình liên kết quân sự Mỹ-Nhật. Chuyến đi của Bộ trưởng quốc phòng Panetta tuần trước mang lại hai kết quả, một chiến lược, một chiến thuật: Nhật Bản đã thỏa thuận lắp đặt hai trận địa rađa tại miền bắc và miền nam Nhật Bản, là những thành tố trong hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở phía đông Trung Quốc. Nhật Bản cũng đồng ý để Mỹ chính thức triển khai máy bay V-22 Osprey đa năng tại Okinawa, cất cánh thẳng đứng nhưng hoạt động như phản lực. Máy bay này sẽ cải thiện hoạt động chiến đấu của quân đội Mỹ và Nhật Bản.
Trung Quốc và Nhật bản trong quá khứ từng thành công trong việc làm dịu tình hình liên quan đến tranh chấp chủ quyền, Nhưng, trong bối cảnh hiện nay, khó có thể đạt được một giải pháp trong thời gian trước mắt, đặc biệt nếu xảy ra đụng độ giữa các tàu của Trung Quốc và Nhật Bản trên biển./.
Người bình luận
Theo Tổ Quốc