Đó là nhận định vừa được một nhà phân tích người Nhật Bản đưa ra khi đề cập đến nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quân sự ở biển Hoa Đông vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cuộc đụng độ ngày hôm qua (25/9) giữa tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Vùng lãnh thổ Đài Loan không phải là một cuộc đụng độ hải quân lớn bởi vũ khí duy nhất mà hai bên sử dụng là vòi rồng. Đài Loan sau đó vài giờ đã rút tàu của họ ra khỏi vùng tranh chấp.
Tuy nhiên, vụ va chạm được phát đi phát lại trên truyền hình này chắc chắn sẽ lại thổi bùng tinh thần dân tộc của các bên có liên quan đến tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là một nhóm đảo nhỏ đang được Nhật Bản kiểm soát nhưng lại bị tranh chấp bởi cả Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Những vết nứt đáng lo ngại đã xuất hiện dọc “đường đứt gãy ngoại giao” vốn nằm yên ắng nhiều thập kỷ nay. Nó đang làm nổ ra một cuộc tranh cãi nóng bỏng giữa các nhà bình luận quốc tế về khả năng bùng phát một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Nguy cơ chắc chắn là rất cao. Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản không cho phép tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược nhưng ở Tokyo đang có một sự đồng thuận về chính trị rất cao về việc, quần đảo Senkaku là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản và họ sẵn sàng bảo vệ nó bằng vũ lực nếu thấy cần thiết.
Về phía mình, Trung Quốc lại dường như ngày càng muốn thách thức sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku mà họ gọi là Điếu Ngư qua việc phái tàu thuyền thường xuyên ra vào vùng tranh chấp.
Những giọng điệu và ngôn ngữ hùng hổ được thể hiện trong một loạt cuộc biểu tình ở Trung Quốc trong tháng này nhằm phản đối Nhật Bản mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã cho thấy rõ ràng rằng, ít nhất một số người Trung Quốc đang sẵn sàng cho một cuộc chiến.
Những động thái của tàu thuyền Trung Quốc và Đài Loan nhằm thách thức sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp có thể dẫn tới một cuộc đụng độ gây chết người. Và một vụ việc thế này có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột.
Mặc dù vậy, ông Kunihiko Miyake, giám đốc nghiên cứu tại Viện Toàn cầu Canon ở thủ đô Tokyo, lại tin rằng, một sự leo thang nghiêm trọng như thế chưa thể xảy ra trong tương lai gần xét trong bối cảnh sức mạnh quân sự của hải quân Nhật Bản và mối quan hệ liên minh chặt chẽ Mỹ-Nhật.
Trong khi Washington không đưa ra một lập trường chính thức về việc ai sở hữu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng nước này liên tục nhấn mạnh, họ sẽ đứng bên cạnh Nhật Bản trong việc bảo vệ quần đảo tranh chấp.
“Trung Quốc sẽ không dùng vũ lực bởi họ sẽ thua”, ông Miyake nhận định.
Thay vào đó, theo ông Miyake, Bắc Kinh sẽ sử dụng các lực lượng phi quân sự để thách thức sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là một chiến lược phù hợp với học thuyết của nhà chiến lược Trung Quốc Tôn Tử. “Họ muốn chiến thắng mà không cần đánh nhau. Đó chính là học thuyết của Tôn Tử”, nhà phân tích người Nhật Bản cho biết.
Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự
Tuy nhiên, các nhà lập chính sách Nhật Bản cũng hiểu rất rõ rằng, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc nói chung và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa nói riêng có thể sẽ dần thu hẹp khoảng cách về sức mạnh quân sự. Ngày hôm qua (25/9), Hải quân Trung Quốc đã chính thức đưa chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này vào hoạt động. Các hệ thống vũ khí khác mà Trung Quốc đang phát triển như tên lửa chống hạm tinh vi cũng đang đặt ra một thách thức lớn hơn đối với Nhật Bản.
Vì vậy, căng thẳng quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể sẽ củng cố quyết tâm của Nhật Bản trong việc tái sắp xếp lại lực lượng theo hướng tăng cường khả năng bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với quần đảo ở phía nam, giảm lực lượng ở phía bắc – nơi từng là bức tường thành chống Liên Xô của Nhật Bản.
Theo chính sách quốc phòng mới được công bố năm 2010, Nhật Bản sẽ tăng số lượng tàu ngầm từ 16 đến 22 trong khi lực lượng xe tăng sẽ cắt giảm từ 830 xuống chỉ còn 400.
Tranh chấp biển đảo cũng sẽ thúc đẩy Nhật Bản đổ thêm nhiều tiền vào đầu tư cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển vốn đã được trang bị vũ khí rất ấn tượng. Lực lượng này sẽ đóng vai trò tiên phong khi chưa xảy ra một mối đe dọa quân sự công khai nào.
Giới quan chức Nhật Bản hiện tại đã đang kêu gọi củng cố sức mạnh quân sự cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển. Trong một loạt đề xuất về chính sách được đưa ra hồi đầu tuần, Viện Quan hệ Quốc tế của Nhật Bản – một tổ chức tư vân, đã kêu gọi “cải thiện đáng kể năng lực và thiết bị, vũ khí” cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển cùng với việc “ưu tiên triển khai thêm nhiều tàu tuần tra lớn ở Senkaku”.
Viện trên cũng cho rằng, căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tạo cơ hội để liên minh Mỹ-Nhật được thắt chặt thêm. “Tôi chắc chắn là Trung Quốc đang mắc một sai lầm lớn. Họ càng tỏ ra quyết liệt và cứng rắn thì họ càng đẩy chúng tôi về phía Mỹ. Cá nhân tôi cảm ơn họ”, nhà phân tích Miyake cho biết.
Kiệt Linh - (theo Financial Times, Washington Post, Vnmedia)