TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Cuộc khẩu chiến về vai trò toàn cầu của hải quân Mỹ

Romney và Obama có dám tin tưởng rằng hải quân Trung Quốc sẽ đảm bảo duy trì tự do thương mại trên Biển Đông, trong khi cả hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Philippines đều không thể đảm bảo được điều đó?

Trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ ba giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ vừa diễn ra hồi đầu tuần có một cuộc chiến chớp nhoáng nhưng rất dữ dội mang tên hải quân Mỹ. Hai ứng cử viên đã thi nhau tung ra những cú đòn về quy mô của hải quân Mỹ và tiếp tục đề cập đến 2 vấn đề phức tạp khác, đó là khả năng của các hệ thống vũ khí tiên tiến và tác động tiêu cực của cắt giảm ngân sách quốc phòng đối với các chương trình đóng tàu hải quân theo kế hoạch.

Vòng tranh luận thứ ba và những câu hỏi về vai trò toàn cầu của hải quân Mỹ


Tờ Strategypage của Mỹ đã có bài phân tích về quan điểm của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đối với vai trò chiến lược của hải quân Mỹ đối với nền kinh tế Mỹ nói riêng, an ninh hàng hải và tự do thương mại toàn cầu nói chung.

Ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney khai chiến: “Hải quân của chúng ta chưa bao giờ có quy mô nhỏ như thế này kể từ năm 1917. Hải quân nói rằng họ cần 313 tàu để thực hiện nhiệm vụ. Vậy mà giờ đây chúng ta chỉ có 285 tàu. Rồi chúng ta sẽ chỉ còn tầm trên dưới 200 chiếc nếu như tiếp tục cắt giảm ngân sách.”

Tổng thống Obama đã bác bỏ phép so sánh 2012-1917 của Romney bằng một hình ảnh ẩn dụ rằng nước Mỹ hiện đang triển khai ít “ngựa chiến và lưỡi lê” hơn và cho rằng số lượng tàu không phải là vấn đề, vấn đề ở đây là “khả năng của chúng ta đến đâu”.

Xét về khả năng, một chiếc tàu khu trục hiện đại của Mỹ với hệ thống tên lửa và cảm biến “thông minh” rõ ràng là có sức mạnh tấn công trên biển hơn hẳn một tàu sân bay thời Thế chiến II cùng các tàu hộ tống, thế nhưng loại “siêu hạm” này lại có thể “vung tay” một cái là phóng hết số tên lửa trị giá cả “núi tiền”.

Chỉ đến khi kho đạn trên chiến hạm này rỗng không thì người Mỹ mới nhận ra rằng cựu Tổng thống Bush và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cũng có lý khi nói rằng: “Số lượng cũng có chất lượng của nó.”

Cụm tàu sân bay USS George Washington đang tuần tra trên Biển Đông


Theo kế hoạch đóng tàu mà hải quân Mỹ trình lên Hạ viện hồi tháng Tư, hải quân Mỹ hiện có 282 tàu chiến, và con số này sẽ tăng lên mức 300 tàu. Tuy nhiên, “nếu các dự án đóng tàu không được cấp vốn đầu tư” thì lực lượng chiến đấu “sẽ giảm xuống dưới 300 tàu”. Hải quân Mỹ có kế hoạch cho “nghỉ hưu” trên 30 tàu chiến trong giai đoạn 2013-2016.

Như vậy là cả hai ứng cử viên Tổng thống đều có cái lý của mình. Nhưng rủi thay cả hai người đều đã bỏ qua cơ hội liên kết chiến lược hải quân với sự phục hồi kinh tế Mỹ và an ninh kinh tế toàn cầu thế kỷ 21 vốn là những vấn đề chủ chốt trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.

Sự liên kết đó sẽ giúp các ứng cử viên thoát khỏi cuộc tranh luận luẩn quẩn về số lượng tàu chiến mà đi vào vấn đề xứng tầm hơn với người lãnh đạo nước Mỹ, đó là vấn đề địa chiến lược và vai trò toàn cầu của nước Mỹ.

Theo Cựu đô đốc hải quân Anh Jonathon Band, 95% lượng giao dịch thương mại toàn cầu đi qua 9 điểm chốt hàng hải (choke-point) trọng yếu. Còn Jeremy Blackham và Gwyn Prins đã từng gọi biển cả là “tuyến đường cao tốc thứ hai của thời hiện đại”.

Một người lính Iran đang quan sát tàu bè qua lại eo biển Hormuz


“Tuyến đường cao tốc” thứ nhất của thế kỷ 21 chính là Internet. Blackham và Prins nhấn mạnh rằng cả hai tuyến đường cao tốc này đều có những nút cổ chai trên biển. 90% lưu lượng email toàn cầu được chuyển tải qua các tuyến cáp quang dưới biển. Những tuyến cáp quang này hội tụ tại một số khu vực quan trọng như ngoài khơi New York, eo biển Manche, Biển Đông và vùng biển phía tây Nhật Bản.

Mối liên hệ địa lý – thương mại – an ninh này không phải là điều mới mẻ. Hoạt động giao thương trên biển của thế giới phải đi qua các eo biển và kênh đào hẹp nối liền các đại dương. Iran đã từng đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz đối với tàu vận chuyển dầu. Nếu Iran làm việc đó, giá dầu thô sẽ tăng vọt, kéo theo giá xăng ngất ngưởng. Tương tự, các tuyến cáp biển cũng phải đi qua một số eo biển trọng yếu như eo Bab-al-Mandeb nằm giữa vịnh Aden và Biển Đỏ, và eo Malacca nối giữa Ấn Độ và Thái Bình Dương.

Thế nên tất cả những người sử dụng Internet, tất cả những người được hưởng lợi từ thương mại quốc tế (không riêng gì người Mỹ) đều có lợi ích trong việc đảm bảo an toàn cho các điểm chốt hàng hải này.

Một số nhà ngoại giao cho rằng có thể sử dụng máy bay không người lái để tiến hành ác nhiệm vụ trinh sát trên biển, tuy nhiên để đảm bảo an toàn được cho các điểm chốt này và các vùng biển quốc tế đòi hỏi phải có tàu bè và nhân lực được huấn luyện, có đủ khả năng đối phó với các nguy cơ có thể xảy ra.

Các ứng cử viên Tổng thống có thể tranh luận về việc ai sẽ đảm đương sứ mệnh đảm bảo an ninh đó, ai sẽ là người bảo vệ nền kinh tế Mỹ. Đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ có thể kiểm soát eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển lo phần eo biển Skagerrak. Thế nhưng cả Romney và Obama có dám tin tưởng rằng hải quân Trung Quốc sẽ đảm bảo duy trì tự do thương mại trên Biển Đông, trong khi cả hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Philippines đều không thể đảm bảo được điều đó?

Một tàu chiến của hải quân Trung Quốc


Trung Quốc đã luôn dè chừng hải quân Ấn Độ khi họ vươn tới eo biển Malacca. Vậy nước Mỹ có được lợi gì không khi hải quân của họ có thể tuần tra ở các điểm chốt đó và có thể sử dụng sức mạnh của mình để khai thông điểm chốt nếu một thế lực thù địch tìm cách phong tỏa?
  
Tất cả những nhiệm vụ đó đều đòi hỏi phải có thêm tàu chiến cùng khả năng ngày càng lớn mạnh hơn nữa. Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải chi nhiều tiền hơn trong thời kỳ nợ công đang là mối đe dọa chiến lược với đất nước này.

Nhưng nếu một điểm chốt hàng hải quan trọng bị phong tỏa, nền kinh tế Mỹ sẽ bị đe dọa thực sự. Đó chính là bài toán về chính sách đối ngoại và kinh tế, đồng thời là bài toán về vai trò toàn cầu của hải quân Mỹ mà hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ cần phải giải quyết trong chiến dịch tranh cử của mình.

 
Bảo Thành (Nguồn: Strategy Page)
Theo báo Giáo dục Việt Nam

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te