Tại sao chỉ vì một vài hòn đảo nhỏ không có người ở trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc và Nhật Bản lại phải đưa ra lời đe dọa về một cuộc chiến tranh? Tờ The Week của tập đoàn truyền thông Felix Dennis (Anh) đã có bài bình luận về vụ tranh chấp này và gọi đó là "Cuộc tranh chấp chủ quyền ngốc nghếch nhất thế giới".
Căng thẳng Nhật – Trung trong thời gian qua leo thang tới đỉnh điểm do cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. |
Những hòn đảo này có quan trọng không?
Chúng chỉ quan trọng về mặt biểu tượng. những hòn đảo nhỏ này, mà Nhật Bản gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài, có tổng diện tích chưa đến 5km2 và là nơi sinh sống của một đàn dê hoang.
Quần đảo này nằm cách khu vực đông bắc Đài Loan khoảng 150km và cách đảo Okinawa của Nhật Bản khoảng 400km. Senkaku/Điếu Ngư/Điếu Ngư Đài thực sự nằm ở vùng biển giàu tài nguyên hải sản và có trữ lượng dầu khí khá lớn.
Nhưng chính lòng tự hào dân tộc, được mài dũa bởi nhiều thế kỷ mà Nhật Bản và Trung Quốc là đối thủ của nhau và đã đối đầu nhau trong một cuộc chiến tranh, là động lực chính khiến hai nước tranh chấp chủ quyền về quần đảo này.
Trung Quốc tỏ ra rất hăm hở trong việc khẳng định chủ quyền của mình đối với các vùng biển ở châu Á còn Nhật Bản thì không muốn lùi dù chỉ 1 inch.
“Chúng ta phải vẽ ra đường ranh giới với người Trung Quốc ở đây. Nếu chúng ta để cho họ chiếm quần đảo Senkaku thì sau đó họ sẽ chiếm cả Okinawa”, Hissho Yanai, trưởng nhóm những người theo chủ nghĩa dân tộc của Nhật Bản, tuyên bố.
Ban đầu quần đảo này thuộc về ai?
Trung Quốc tuyên bố nước này có tư liệu từ thời nhà Minh vào những năm 1300 khẳng định rằng quần đảo này là một phần lãnh thổ Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc lập luận rằng các ngư dân nước này đã dùng quần đảo làm cảng đánh cá trong nhiều thế kỷ trước khi quần đảo này và Đài Loan bị Nhật Bản chiếm đóng vào năm 1895 khi cuộc chiến tranh Nhật – Trung bắt đầu. Sau Chiến tranh thế giới lần II, Nhật Bản bại trận và rút lại tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan theo Hiệp ước San Francisco 1951 còn Trung Quốc, quốc gia không tham gia vào các cuộc thương lượng, cho rằng Nhật Bản nên rút tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nữa.
Về phần mình, Nhật Bản tuyên bố rằng sau khi khảo sát quần đảo này vào năm 1895, nước này đã sát nhập quần đảo vào tỉnh Okinawa và tuyên bố chính thức chủ quyền quần đảo này thuộc về mình. Trong vài thập kỷ, Nhật Bản đã cho một nhà máy nhỏ hoạt động trên một hòn đảo, nhà máy chuyên sấy khô cá và cho 200 người tới đó sống.
Sau Chiến tranh thế giới lần II, Mỹ được ủy thác kiểm soát quần đảo nhưng vào năm 1972, Mỹ đã trả lại quần đảo này cho Nhật.
Tại sao tranh chấp lại bùng phát vào thời điểm này?
Nguyên nhân chủ yếu là do Shintaro Ishihara, thị trưởng theo chủ nghĩa dân tộc của Tokyo. Hồi đầu năm nay, ông Ishihara tuyên bố ông sẽ mua 3 trong số các hòn đảo của quần đảo này từ người chủ tư nhân bởi lẽ ông cảm thấy chủ quyền của quần đảo không được bảo vệ đủ mức.
Đầu tiên hành động đó đã thúc đấy các nhà yêu nước Trung Quốc và sau đó là các nhà yêu nước Nhật Bản tổ chức các chuyến đi đến quần đảo này, quay phim về các thành viên với quốc kỳ và khuấy động tinh thần yêu nước tại quê nhà.
Tháng trước, chính phủ Nhật đã quyết định mua lại và quốc hữu hóa 3 trong số các hòn đảo nhằm tránh để quần đảo này rơi vào tay những người theo chủ nghĩa yêu nước như ông Ishihara.
Nhưng ngay cả khi mặc định rằng động cơ của chính phủ Nhật Bản là chân thành thì thời điểm ra quyết định đó lại vô cùng nhạy cảm, chỉ 1 tuần trước lễ kỉ niệm của một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử hai quốc gia – cuộc xâm lược Mãn Châu Lý của Nhật Bản vào năm 1931.
Trung Quốc đã phản ứng ra sao?
Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc nhìn nhận vụ mua bán này là hành vi “chộp giật” lãnh thổ thô bạo và là hành động khiêu khích có chủ ý. Họ đã chuyển các sự kiện kỉ niệm ngày Nhật Bản xâm lược bằng các cuộc biểu tình chống Nhật trên khắp đất nước Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, các cửa hiệu của Nhật Bản bị đập phá, các nhà máy Nhật Bản bị đốt và các công dân Nhật bị hành hung. Hơn 40 chiếc xe hơi Nhật Bản đã bị phá hủy và một nhóm người dã đánh một người đàn ông Trung Quốc vì đã lái xe Toyota. Thiệt hại do các cuộc biểu tình đó có thể lên tới hàng trăm triệu đô là và thương mại giữa hai quốc gia đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Để làm rõ hơn tuyên bố chủ quyền của mình, quân đội Trung Quốc đã điều các tàu hải quân tới quần đảo tranh chấp.
Trung Quốc kỉ niệm ngày Nhật Bản xâm lược Mãn Châu Lý bằng hàng loạt các cuộc biểu tình có bạo lực trên khắp đất nước. |
Có thể nổ ra chiến tranh không?
Truyền thông Trung Quốc đã cảnh báo điều đó là có thể. Tình hình chính trị đang “đổ thêm dầu vào lửa”: Do cuộc chuyển giao quyền lực 10 năm một lần sắp diễn ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh và lòng tự hào dân tộc, còn lực lượng đối lập ở Nhật Bản thì lợi dụng cuộc khủng hoảng này để tô vẽ chính quyền nước này là một chính quyền "yếu đuối về vấn đề chủ quyền quốc gia".
Tuy nhiên, ít khả năng Trung Quốc sẽ thực sự xâm chiếm quần đảo Senkaku – ít nhất là bởi vì Hoa Kỳ có thể sẽ bị lôi kéo vào cuộc xung đột do bị ràng buộc bởi Hiệp ước quốc phòng với Nhật Bản. Không phải ngẫu nhiên mà vừa qua Hoa Kỳ đã điều máy bay tiên tiến nhất của nước này đển Okinawa, cách không xa quần đảo tranh chấp.
Vậy mọi chuyện coi như đã qua?
Có thể là vào lúc này, nhưng vấn đề này sẽ không trôi đi vĩnh viễn.
Cuộc tranh chấp này chỉ là một yếu tố trong cuộc đua quyền lực giữa Trung Quốc và Nhật Bản về một loạt các quần đảo từ quần đảo Kuril ở gần Nga cho tới Indonesia ở phía nam.
Gần như toàn bộ số dầu khí mà Nhật Bản và Trung Quốc mua được vận chuyển qua các vùng biển này.
June Teufel Dreyer, một chuyên gia về Nhật Bản và Trung Quốc tại trường đại học Miami, cho rằng quân đội Trung Quốc coi quần đảo Senkaku là một phần của hàng rào bảo vệ Trung Quốc.
Theo ông Dreyer: “Họ nói rằng: “Nếu chúng ta chiếm được quần đảo này chúng ta có thể mở đường và vùng Thái Bình Dương rộng lớn”.
Nhật – Trung: Lịch sử xung đột và chiến tranh
Là hai cường quốc chính của Đông Bắc Á, Nhật Bản và Trung Quốc trong nhiều thập kỷ là kẻ thù của nhau.
Vào thế kỷ 13, Hoàng đế Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn sau khi chiếm Trung Quốc đã xâm lược Nhật Bản nhưng thất bại.
Trong nhiều thập kỷ sau đó, cướp biển Nhật Bản gây hấn tại bờ biển Trung Quốc và hai nước chiến đấu đẫm máu để giành quyền keierm soát bán đảo Triều Tiên vào cuối thế kỷ 16 và một cuộc chiến tranh khác vào năm 1895 mà Nhật Bản đã giành chiến thắng.
Vào những năm 1930, sự vươn lên của đế quốc Nhật Bản đã đẩy 2 nước vào một cuộc xung đột trực tiếp khác, lần này sự tàn bạo của chiến tranh đã đến mức không có tiền lệ.
Quân đội Nhật hành quân vào Mãn Châu Lý vào năm 1931 và sau đó tiến đến Bắc Kinh, Thượng Hải và Nam Kinh vào năm 1937, hãm hiếp và tàn sát dân thường.
Trung Quốc tuyên bố 35 triệu người dân nước này thiệt mạng trong thời kỳ chiếm đóng của quân Nhật và trong chỉ riêng cuộc thảm sát Nam Kinh ít nhất 300.000 dân thường Trung Quốc đã thiệt mạng.
Những sự kiện kinh hoàng đó, mà một số chính trị gia Nhật Bản và sách giáo khoa trong trường học đã lảng tránh, vẫn ám ảnh mối quan hệ Nhật – Trung kể từ đó đến nay.
LÊ DUNG
Theo InfoNet