Việc Trung Quốc thực hiện những chiến lược tinh vi, kết hợp khéo léo giữa các lực lượng quân sự và phi quân sự đang gây ra những áp lực lớn cho các quốc gia Đông Nam Á. Mỹ phải có những hành động thiết thực, hiệu quả để trợ giúp trước khi quá muộn.
Kính thưa bà Chủ tịch và các thành viên Ủy ban, xin cảm ơn quý vị đã cho tôi cơ hội để chia sẻ quan điểm của mình về chiến lược biển của Trung Quốc và tác động của nó đối với tương lai của Biển Đông.
Theo quan điểm của tôi, sự quyết đoán của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông là điềm báo cho chiều hướng diễn tiến các sự việc sắp tới. Kế hoạch xây dựng cường quốc biển của Bắc Kinh và nguồn lực khổng lồ mà nước này sở hữu đang mở ra những viễn cảnh chiến lược mới cho các nhà lãnh đạo và tướng lĩnh quân sự Trung Quốc. Với lực lượng viễn dương ngày càng quy mô và hiện đại, Bắc Kinh đang có lợi thế trong việc vạch ra những chiến lược ngày càng tinh vi, hiệu quả hơn và thực sự khó đối phó. Tuy những chiến lược đó – hiện tại – chưa thể hoàn toàn đảo lộn trật tự chính trị biển ở Đông Nam Á, nhưng có thể sẽ mang đến những lợi ích tiệm tiến giúp Trung Quốc thực hiện các mục tiêu lớn hơn trên biển.
Để bắt đầu thảo luận chủ đề quan trọng và thời sự này, tôi muốn trước hết đánh giá cách mà hai yếu tố địa lý và sức mạnh – cả về vật chất lẫn tri thức – định hình nên chiến lược biển của Trung Quốc. Đầu tiên, yếu tố địa lý buộc Trung Quốc phải hướng ra biển, đặc biệt là Biển Đông. Đây là khu vực biển dữ với một cường quốc duy nhất – Trung Quốc – cũng chính là quốc gia tạo nên biên giới tự nhiên phía bắc của vùng biển này. Một số trung tâm tài chính và công nghiệp chủ chốt của Trung Quốc, đặc biệt là những trung tâm quanh Đồng bằng sông Châu Giang, đều nằm dọc theo bờ Biển Đông. Đây là khu vực của các trung tâm kinh tế, các nguồn tài nguyên, các tuyến vận tải biển và những điểm nút giao thông (chokepoints) dễ bị tấn công. Nằm trên đường giao nhau của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Biển Đông là là tuyến đường cực kỳ quan trọng để luân chuyển hàng hóa thương mại, năng lượng và sức mạnh quân sự.
Thứ hai, lực lượng trí thức đang lớn mạnh của Trung Quốc đang tìm kiếm một cách tiếp cận mạch lạc hơn đối với chiến lược biển. Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển của mạng lưới trí thức-quân sự Trung Quốc bao gồm các nhà phân tích, học giả và các quan chức quân đội cấp cao đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học nổi tiếng. Sự liên kết này đã làm tăng nhanh số lượng các bài viết nghiên cứu công phu về những vấn đề hải quân và biển đảo, bao gồm cả lịch sử, lý thuyết, chiến lược, tác chiến và chiến thuật. Nhiều bài viết đã tranh luận một cách trung thực, nghiêm túc về tương lai sức mạnh biển của Trung Quốc, thể hiện mức độ quan tâm và hiểu biết rất sâu sắc về vấn đề này. Những nhà nghiên cứu đang làm tốt công việc của mình, và tôi tin rằng nỗ lực cần mẫn như vậy sẽ được đền đáp.
Thứ ba, việc tăng cường sức mạnh biển và hải quân của Trung Quốc đã tạo ra điều kiện cần để Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi những tham vọng của mình. Tỷ lệ và quy mô quá trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc đã bác bỏ nhiều dự đoán của phương Tây, đảo ngược những kết luận khá lạc quan và thậm chí là xem thường năng lực trên biển của Trung Quốc . Nhưng sức mạnh biển không chỉ là hải quân. Đúng hơn thì đó là một tiến trình liên lục tạo cho Bắc Kinh nhiều khả năng khác nhau. Các cơ sở và hệ thống phi quân sự và phi hải quân sẽ đóng một phần rất quan trọng trong sức mạnh biển của Trung Quốc.
Sự phát triển của các loại vũ khí tấn công chính xác tầm xa khiến cho các căn cứ quân sự gần bờ có khả năng ảnh hưởng, đôi khi mang tính quyết định, đến các sự kiện trên biển. Đáng chú ý là tên lửa đạn đạo chống tàu – loại tên lửa đạn đạo cơ động có khả năng đánh trúng mục tiêu di động trên biển – chỉ là một dòng tên lửa thuộc hệ thống tên lửa đồ sộ nằm trong kho vũ khí của Trung Quốc, có thể thực hiện những nhiệm vụ tấn công trên biển. Thực tế, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng tự hào khi sở hữu số lượng lớn các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và các đơn vị tên lửa hành trình có thể thực hiện hàng loạt cuộc tấn công tên lửa chống tàu.
Sự phát triển các lực lượng chấp pháp và hải giám của Trung Quốc cũng không kém phần ấn tượng. Như chúng ta đã biết, mùa xuân vừa rồi, Bắc Kinh đã triển khai các tàu phi quân sự tại Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Điều đó cho thấy ngay cả những tàu dân sự cũng có thể tạo thành lực lượng dân quân trên biển để phục vụ cho những mục tiêu của Trung Quốc. Tóm lại, Bắc Kinh đang sở hữu nhiều yếu tố về sức mạnh biển đủ để bảo vệ những đặc quyền của họ trên biển.
Và giờ tôi sẽ tập trung đánh giá những thách thức mà sức mạnh biển đang gia tăng của Trung Quốc đặt ra cho khu vực. Vì mục đích của bài điều trần, tôi sẽ giới hạn những phân tích của mình trong phạm vi những chiến lược mà Trung Quốc đã hoặc đang triển khai đối với các nước trong khu vực. Các chiến lược dưới đây bao gồm việc sử dụng các yếu tố quân sự và phi quân sự của sức mạnh biển để đạt được mục tiêu chính trị với các đối thủ yếu hơn. Các chiến lược này đã khéo léo kết hợp năng lực chiến tranh với việc phô trương sức mạnh, gia tăng lợi thế của Trung Quốc trong các cuộc đầu tranh chính trị - quân sự kéo dài bằng cách làm nhụt ý chí của đối thủ.
Sử dụng các lực lượng quân sự để đạt mục tiêu chính trị: trong trường hợp xảy ra khủng hoảng biển thời bình giữa Trung Quốc với các quốc gia yếu hơn ở Đông Nam Á, Bắc Kinh có thể sử dụng và kết hợp sáng tạo giữa các lực lượng PLA để khuất phục ý chí của các nước láng giềng phía nam. Chẳng hạn như đối với tên lửa đạn đạo chống tàu đã đề cập ở trên. Nếu như nó thực sự hoạt động như mô tả, thì tên lửa đạn đạo sẽ giúp bổ sung những thiếu sót hiện nay của Trung Quốc về năng lực biển. Việc có được sự hỗ trợ hỏa lực từ bờ biển đối với toàn bộ vùng Biển Đông sẽ giảm bớt những gánh nặng cho các hạm đội của Trung Quốc trong khi vẫn có thể thường xuyên gây áp lực lên các đối thủ dám thách thức các lợi ích của Bắc Kinh trong thời bình.
Dưới ô bảo vệ của tên lửa đạn đạo chống tàu, ngay cả sử dụng ít tàu chiến vẫn có thể đe dọa các đối thủ yếu hơn. Ví dụ, các đội tàu nhỏ tấn công nhanh có trang bị tên lửa hoạt động tại Trường Sa trong phạm vi hỗ trợ của tên lửa có thể khiến cho các hạm đội tàu nổi của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á không thể tiếp cận. Hoạt động thường xuyên của các tàu đó sẽ bắn đi tín hiệu sự quả quyết của Trung Quốc, buộc đối thủ phải rút lui hoặc chiều theo ý muốn của Bắc Kinh. Kiểu ngoại giao pháo hạm đặc trưng này của Trung Quốc có thể xuất hiện trong những cuộc khủng hoảng tương lai.
Sử dụng các lực lượng phi quân sự để đạt mục tiêu chính trị: khả năng sử dụng các yếu tố phi quân sự trong sức mạnh biển của Trung Quốc được thể hiện đầy đủ, rõ ràng ở sự kiện Bãi cạn Scarborough. Bế tắc với Phi-lip-pin bắt nguồn từ các tàu phi quân sự tương tự như tàu tuần duyên hoạt động dưới sự kiểm soát của Hải giám Trung Quốc, cơ quan được ủy nhiệm bảo vệ các vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Việc triển khai các lực lượng phi hải quân trong những vụ va chạm về chủ quyền lãnh thổ cho thấy một chiến lược tinh vi và có tính toán của Trung Quốc nhằm bảo vệ yêu sách biển của họ. Cụ thể hơn, nó không cho Mỹ và các cường quốc bên ngoài có cớ để can thiệp vào những trọng điểm chiến lược ở khu vực.
Đồng thời, các tàu phi quân sự cho phép Bắc Kinh gây ra áp lực ở cường độ thấp nhưng liên tục đối với các bên tranh chấp khác ở Biển Đông. Tuần tra thường xuyên cũng giúp Bắc Kinh thăm dò những điểm yếu trong năng lực hải giám của các quốc gia ven biển, đồng thời thử quyết tâm chính trị của họ. Hơn nữa, giữ tranh chấp “nóng” ở mức độ vừa phải mang lại sự chủ động về ngoại giao cho Trung Quốc, có thể tăng hoặc hạ nhiệt tranh chấp tùy theo sự thay đổi của môi trường chiến lược.
Và nếu tất cả mọi biện pháp khác thất bại, Bắc Kinh vẫn có thể sử dụng lực lượng hải quân và các cơ sở trên bờ làm điểm tựa cho lực lượng dân sự. Không giống như các bên tranh chấp yếu hơn, việc Trung Quốc có quyền lựa chọn để căng thẳng leo thang càng làm tăng giá trị “con bài” hăm dọa ở những nơi như Bãi cạn Scarborough hay quần đảo Trường Sa. Như đã phân tích ở trên, chỉ cần khả năng đe dọa về hải quân cũng có thể khiến cho đối thủ phải chùn bước trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Tuy bản chất là vô hại nhưng các hoạt động tuần tra thời bình vẫn có sức nặng đáng kể khi được hậu thuẫn bởi hỏa lực thực sự. Trên thực tế, việc cán cân hải quân ngày càng nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc có thể phủ bóng đen lâu dài lên các nước Đông Nam Á khi họ xem xét các lựa chọn chính sách của mình. Vì thế, sự phối hợp giữa lực lượng quân sự và phi quân sự càng gia tăng lợi thế chiến lược của Bắc Kinh.
Những hành động ép buộc hay hăm dọa không thường xuyên có thể không tạo ra những kết quả rõ ràng hoặc mang tính quyết định như chiến thắng trên chiến trường. Các cuộc tranh cãi đối đầu liên miên có thể diễn ra không có hồi kết hoặc không đem lại lợi ích cụ thể nào cho Trung Quốc. Tuy nhiên, tác dụng cộng hưởng của tình trạng bế tắc kéo dài sẽ gây tiêu hao lực lượng để cuối cùng phục vụ cho các mục tiêu của Trung Quốc. Nếu không có nổ súng, sự khiêu khích của Trung Quốc là quá nhẹ để Mỹ có thể tiến hành can thiệp quân sự. Giữ tranh chấp ở dưới ngưỡng leo thang sẽ tạo thêm cơ hội để Trung Quốc thử thách sự kiên định của Mỹ trong khi vẫn củng cố yêu sách của mình.
Bởi Trung Quốc tiếp tục đẩy và thăm dò nên kỳ vọng của các nước trong khu vực rằng Washington sẽ làm gì đó chắc chắn sẽ ngày càng tăng lên ngay cả khi các quốc gia nhỏ cũng đang dè chừng trước các dấu hiệu dao động quyết tâm của Mỹ. Viễn cảnh đối đầu tái diễn thường xuyên trong khi có ít hy vọng Mỹ sẽ can thiệp trực tiếp sẽ là một gánh nặng đối với các quốc gia Đông Nam Á. Cùng với sự nhẫn nại và nguyên tắc, một chiến lược gây tiêu hao lực lượng như vậy của Trung Quốc sẽ dần làm xói mòn lòng tin trong khu vực và suy yếu ý chí kháng cự của các bên tranh chấp khác.
Nhưng cách tiếp cận gây tiêu hao mà tôi đưa ra chỉ là một nhận xét khái quát về sức mạnh biển hiện nay của Trung Quốc. Cũng có thể việc sử dụng chiến thuật gây áp lực từng bước này chỉ đơn thuần là kế sách tạm thời, để Bắc Kinh có thêm thời gian phát triển lực lượng và nâng cao năng lực kiểm soát các sự việc trên biển. Những xu hướng gần đây cho thấy rằng cả lực lượng quân sự và phi quân sự sẽ tiếp tục được đầu tư đều đặn cả về trang thiết bị mới lẫn nhân lực.
Hai mươi năm tăng trưởng ngân sách quốc phòng hai con số gần như không gián đoạn đã mang đến cho Trung Quốc đủ nguồn lực để đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau bên cạnh những phương án dành để đối phó với tình huống bất ngờ ở Đài Loan - mối lo thường trực của Bắc Kinh cho tới tận gần đây. Các nhà phân tích đã phát hiện sự tăng cường lực lượng ở một số điểm tập kết hướng vào địa bàn hoạt động ở Đông Nam Á. Bắc Kinh dường như muốn đẩy mạnh xây dựng hải quân đồng thời theo nhiều hướng, đóng lại vỏ thân tàu mới cho từng loại tàu chiến.
Trong khi đó, các lực lượng chấp pháp trên biển cũng đang tuyển dụng thêm nhân sự mới, đồng thời nhận chuyển giao các tàu hải quân không còn sử dụng. Ngoài ra, các xưởng đóng tàu Trung Quốc đang sản xuất hàng loạt các tàu ca nô hiện đại. Nhiều tàu có khả năng tuần tra kéo dài ngay ở những vùng biển xa nhất của Trung Quốc, bảo đảm Trung Quốc luôn hiện diện rõ ràng tại các vùng biển mà nước này khẳng định quyền chủ quyền. Trên thực tế, tàu Hải giám 84, một trong những tàu chấp pháp hiện đại nhất của Trung Quốc, là tiêu điểm vụ bế tắc Bãi cạn Scarborough.
Chắc chắn, Trung Quốc vẫn chưa có đủ trang bị quân sự để biến Biển Đông thành “ao” riêng của mình. Kiểm soát biển để ít nhiều ngăn chặn hoàn toàn hải quân của các bên tranh chấp khác tiếp cận những vùng biển này vẫn còn là điều vượt quá tầm với của Trung Quốc, nếu quả thực đây là mục tiêu mà Bắc Kinh đặt ra.
Tuy nhiên, chỉ cần một sự gia tăng vừa phải trong sức mạnh biển của Trung Quốc cũng có thể làm cán cân sức mạnh khu vực nghiêng về phía có lợi cho Bắc Kinh trong những tình huống bất ngờ xảy ra ở thời bình, nếu không có sự can thiệp của Hải quân Hoa Kỳ. Một số nước trong khu vực, nhất là Việt Nam, đã bắt đầu các chương trình hiện đại hóa hải quân, nhưng vẫn khó bắt kịp được với Trung Quốc. Theo thời gian, nếu không bị phản đối từ các cường quốc bên ngoài như Mỹ, Nhật hay Úc, ngay cả những cuộc phô diễn sức mạnh quy mô nhỏ trên biển của Trung Quốc với hạm đội của các nước Đông Nam Á cũng có thể buộc các nước phải bất đắc dĩ chấp nhận chiều theo những ưu tiên chính sách của Bắc Kinh. Sự cam chịu như vậy, dù là miễn cưỡng, vẫn sẽ là một cú giáng mạnh vào nền móng của trật tự khu vực.
Những phân tích ở trên càng làm rõ tình cảnh khó khăn của nhiều quốc gia Đông Nam Á nếu họ phải một mình đối mặt với Trung Quốc. Chính vì thế, không ngạc nhiên khi mà nhiều quốc gia khu vực hướng về Mỹ để ngăn cản bước tiến của Trung Quốc. Họ nhận ra rằng chỉ vị thế số một của Mỹ trên vùng biển Châu Á mới có thể làm trọng tài phân xử, hạn chế những tham vọng của Trung Quốc. Về phần mình, Washington đã nhiều lần công khai khẳng định lợi ích của mình ở các vùng biển Châu Á. Chiến lược trục xoay hay tái cân bằng đối với Châu Á của chính quyền Obama có tác dụng trấn an các nước trong khu vực rằng Mỹ sẽ không từ bỏ vai trò cân bằng mà nước này đã đảm nhận lâu nay.
May thay, vẫn còn thời gian để tối đa hóa sự song trùng lợi ích này và đưa ra một phản hồi chính sách hiệu quả. Trung Quốc vẫn cần ít nhất một thập kỷ nữa mới trở thành cường quốc biển đủ sức mạnh để ngăn chặn Mỹ tiếp cận Biển Đông và chèn ép các quốc gia Đông Nam Á. Trong lúc này, Washington nên thực hiện các biện pháp để bảo đảm rằng việc khu vực tuân theo ý muốn của Trung Quốc không phải là kết quả đã được định trước.
Trước tiên, Washington và các nước đồng minh cần tích cực giúp các nước Đông Nam Á để họ có thể tự giúp chính mình. Các nước trong khu vực phải có đủ nội lực để đương đầu với sự xâm lấn của Trung Quốc trên biển. Việc Hoa Kỳ chuyển giao tàu tuần duyên cũ từ thập niên 1960 cho Phi-lip-pin là bước đi khiêm tốn theo đúng hướng. Thời điểm chuyển giao trùng hợp khá ngẫu nhiên: tàu Phi-lip-pin đầu tiên có mặt tại Bãi cạn Scarborough là tàu đô đốc BRP Gregorio del Pilar, chính là tàu USCGC Hamilton trước đây. Tuy nhiên, những khí tài cũ không đủ để đáp ứng nhu cầu của Manila. Cần có những trang thiết bị hiện đại và hiệu quả hơn nhằm đối chọi với tàu của Trung Quốc. Việc Nhật Bản gần đây đề xuất chuyển giao 12 tàu tuần tra mới toanh cho Phi-lip-pin là một dấu hiệu đáng khả quan cho thấy các cường quốc bên ngoài cũng đang tìm cách cân bằng cán cân quyền lực khu vực.
Thứ hai, Mỹ nên khuyến khích một nỗ lực trong toàn khu vực nhằm theo dõi các lực lượng trên biển của Trung Quốc. Chẳng hạn, các hệ thống trên không tự hành có thể cung cấp hình ảnh chung của khu vực biển cho các quốc gia ven Biển Đông với tần suất gần như thường xuyên. Bằng việc khai thác những công nghệ như vậy, một thỏa thuận chia sẻ thông tin giúp vùng biển Châu Á trở nên minh bạch hơn cả về nghĩa đen và nghĩa bóng sẽ góp phần rất lớn củng cố lòng tin và ngăn chặn xung đột trong khu vực. Đáng lưu ý, Tokyo đã tiến hành dịch vụ cung cấp tín hiệu đại diện cho khu vực bằng cách công khai các báo cáo chi tiết về sự đi lại của hải quân Trung Quốc qua các eo biển quốc tế và các hoạt động khác gần vùng biển Nhật Bản.
Thứ ba, Mỹ nên vạch lên các kế hoạch cho phép quân đội Mỹ triển khai nhanh chóng các đơn vị vũ trang có khả năng tấn công trên biển, như hệ thống tên lửa hành trình chống tàu tại các nước thân thiết hay đồng minh của Mỹ. Có thể trong thời gian ngắn mà đẩy mạnh năng lực phòng thủ ngay trên lãnh thổ các nước đồng minh sẽ trấn an đồng minh của Mỹ trong thời bình, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó hiệu quả của Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Việc Mỹ củng cố lực lượng sẽ góp phần ổn định tinh thần đồng thời giữ vững quyết tâm của các nước trong khu vực. Mỹ cũng nên khuyến khích các nước đồng minh và bạn bè phát triển và đẩy mạnh các phương án tấn công trên biển của riêng mình.
Cuối cùng, hải quân Mỹ nên xem xét lại những quan niệm phổ biến xưa nay về khả năng kiểm soát các vùng biển chung của mình. Những năm dài tự do vẫy vùng sau Chiến tranh Lạnh đã khiến hải quân Mỹ có niềm tin hão huyền rằng việc họ dễ dàng kiểm soát trên biển là điều đương nhiên. Có thể thấy, lần cuối cùng mà hải quân Mỹ thực sự đương đầu với một kẻ thù đáng gờm là tại Vịnh Leyte năm 1944. Tuy nhiên, khi Trung Quốc tiến ra biển, một môi trường hàng hải nguy hiểm hơn đang chờ đợi phía trước. Với một quân chủng lâu nay chỉ quen hoạt động ở các vùng biển không tranh chấp, để hạm đội thích ứng với khả năng rủi ro cũng sẽ là một ưu tiên cấp bách.
Các bước đi trên sẽ giúp xây dựng một chiến lược phòng thủ được phân lớp và gắn kết với nhau bắt nguồn từ chính các nước trong khu vực. Là những quốc gia ở tiền tuyến, họ phải có sức mạnh để ứng phó đầu tiên với các động thái trên biển của Trung Quốc. Việc chia sẻ thông tin giữa các quốc gia ven biển sẽ càng thúc đẩy lợi ích đối với các vùng biển chung, đồng thời khuyến khích hành động tập thể của các bên. Một mạng lưới các quốc gia cùng quan ngại trước hành động của Bắc Kinh sẽ mang đến cơ hội ngăn chặn tốt hơn, hoặc ít nhất nếu không ngăn chặn được cũng ứng phó nhanh hơn trước hành động của Trung Quốc. Về phần mình, nước Mỹ cần là điểm tựa chiến lược cho các đối tác Đông Nam Á bằng việc hỗ trợ các khí tài quân sự hạng nhẹ, giá thành thấp, vừa là bước đi hiệu quả vừa là bằng chứng thuyết phục về cam kết của Mỹ đối với khu vực.
Tăng thêm cái giá phải trả và – những rủi ro – do sự hiếu chiến của Trung Quốc gây ra trên Biển Đông sẽ làm bài tính của Bắc Kinh khó khăn hơn; đồng thời khiến lãnh đạo nước này phải suy nghĩ kỹ trước khi hành động. Ngoài ra, buộc Trung Quốc phải cẩn trọng cũng là một cách để hãm phanh đà tiến trên biển của Bắc Kinh, làm tươi sáng hơn viễn cảnh khôi phục cân bằng của khu vực và chiếm lấy thế chủ động chiến lược.
Đọc bản gốc tiếng Anh tại đây
Theo Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ
Trần Anh (dịch)
Minh Ngọc (hiệu đính)
Nguồn bản tiếng Việt: Nghiên Cứu Biển Đông