Một quốc gia ở Đông Nam Á đang có xu hướng trở thành đối tác lớn trong lĩnh vực quốc phòng với Israel?
Một số hợp đồng mua sắm quốc phòng nhỏ và những cuộc thương lượng có thể dẫn tới các hợp đồng tiếp theo đang biến quốc gia này trở thành mục tiêu chính cho nhiều nhà công nghệ Israel. Phó Tổng giám đốc của Cơ quan xuất khẩu và hợp tác quốc tế Israel, ông Lior Kunitzki nhận xét trực tiếp: “Đối tác có tiềm năng to lớn và họ biết chính xác những gì Israel có thể cung cấp cho họ”.
Các chuyến viếng thăm liên tục của các giám đốc điều hành cấp cao trong ngành công nghệ quốc phòng của Israel trong mùa hè năm 2012 đến quốc gia đối tác cho thấy rõ ràng, nước này đang trở thành mục tiêu ưu tiên cho các hoạt động tìm kiếm khách hàng ở khu vực châu Á của Israel.
Tuy nhiên, liệu đối tác có thực sự trở thành khách hàng lớn cho ngành công nghệ quốc phòng của Israel? Khả năng này là rất cao. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là nước này rất cần hiện đại hóa hệ thống vũ khí do nhu cầu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Nhiều hợp đồng hứa hẹn
Quan hệ giữa Israel và quốc gia đối tác được hâm nóng từ năm 2011. Sau nhiều "hoạt động hậu trường", quan hệ giữa hai nước được thể hiện bằng chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Israel Shimon Peres với sự tham gia của hàng chục các nhà doanh nghiệp Israel phần lớn là các quan chức cấp cao trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Các chuyên gia cho rằng đối tác coi Israel như một nguồn cung cấp kiến thức cũng như trang thiết bị. Một quan chức cấp cao trong ngành quốc phòng ở Israel trả lời tờ Israel Defense cho hay, đối tác là quốc gia đang phát triển nhưng lại sở hữu nhiều vũ khí cũ kĩ. Trong khi đó, nước này đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa nên rất cần các công nghệ tiên tiến của phương Tây.
Theo nguồn tin này, Israel được đánh giá là một đồng minh – một đất nước sở hữu nhiều công nghệ quân sự và sẵn lòng chuyển giao các bí quyết. Nguồn tin trên đánh giá trong năm 2013, đối tác sẽ trở thành khách hàng chính cho ngành công nghiệp quốc phòng của Israel cũng như trở thành đồng minh của nước này. “Mức độ hợp tác giữa hai nước sẽ không cao như mức độ hợp tác giữa Israel và Ấn Độ nhưng chắc chắn sẽ rất đáng kể”, nguồn tin nhận xét.
Hiện tại, đối tác đang quan tâm tới rất nhiều thứ trong đó quan trọng nhất là nâng cấp các trang thiết bị lỗi thời như máy bay, trực thăng, hệ thống pháo binh, các tàu tuần tra tốc độ cao, hệ thống radar trên không cũng như hệ thống thông tin liên lạc.
Một số cuộc thương lượng “quan trọng” đã đang diễn ra giữa Bộ Quốc phòng đối tác và các nhà thầu quân sự Israel. Năm 2011, hợp đồng lớn nhất của đối tác và Israel là việc sẽ thành lập một nhà máy công nghiệp quốc phòng, trị giá lên đến 100 triệu USD. Trong năm 2012, các hợp đồng vẫn được hai bên thương lượng và được phía Israel đánh giá là “có hứa hẹn”.
Lê Hương (theo Israel Defense, Đất Việt)
----------------
Việt Nam - Israel hội đàm hợp tác quốc phòng
Theo ấn bản IHS Jane’s, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Tổng giám đốc Công nghiệp Quốc phòng Israel đã tổ chức một loạt các cuộc hội đàm về hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong tháng 9/2011. Tuy nhiên, chi tiết của các cuộc hội đàm này không được tiết lộ.
Theo một số nguồn tin, các cuộc đàm phán liên quan đến hợp tác song phương giữa 2 nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ quân sự, cũng như sản xuất các sản phẩm quân sự.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, các quan chức quốc phòng Việt Nam đã tham quan một số cơ sở sản xuất quốc phòng lớn của Israel.
Xe trinh sát bọc thép Ram-2000 là biểu tượng cho sự hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Israel. Ảnh: Israel weapons. |
Theo Tạp chí Jane's, Israel có nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp trang thiết bị quân sự cho Việt Nam. Trong năm 2005, Tập đoàn Elta Electronics Industries đã tiến hành lắp đặt một số thiết bị điện tử quân sự chuyên dụng trên khung gầm xe trinh sát bọc thép Ram-2000. Trong giai đoạn 2004-2005, 2 bên đã tiến hành đàm phán về việc Việt Nam có thể sản xuất thùng chứa đạn pháo cho Israel.
Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm lớn đối với việc mua các thiết bị thông tin liên lạc điện tử tầm xa, đề nghị các nhà thầu Israel hiện đại hóa một số vũ khí có nguồn gốc từ Liên Xô.
Từ năm 2009 trở đi, khi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ được cải thiện, Mỹ đã xem xét các vấn đề về nới lỏng cấm vận quân sự đối với Việt Nam, quan hệ quốc phòng 2 nước đã được cải thiện đáng kể.
IHS Jane’s nhận định, đây là một cơ hội tốt cho Israel thâm nhập thị trường vũ khí Việt Nam.