Bất chấp việc bàn giao tàu sân bay Đô đốc Gorshkov (INS Vikramaditya) của Nga cho Ấn Độ bị kéo dài, hai nước thỏa thuận đẩy mạnh hơn nữa các dự án quốc phòng song phương có trị giá lên đến hàng chục tỷ USD.
Máy bay thế hệ thứ năm T-50 trong hành trình thử nghiệm. Ấn Độ dự kiến mua loại chiến đấu cơ tối tân này trước 2020. Ảnh: Sukhoi |
Quyết định này đã được hai bên nhất trí trong cuộc họp lần thứ 12 của Ủy ban liên chính phủ Nga-Ấn về hợp tác công nghiệp quốc phòng (IRIGC-MTC) vừa kết thúc tại New Delhi do bộ trưởng quốc phòng hai nước đồng chủ trì.
Những dự án hợp tác quốc phòng lớn, trong đó có một số sẽ được ký kết trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Tổng thống Putin dự kiến vào ngày 1/11 tới, sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của Nga với tư cách là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ cho đến nay, bất chấp các nước khác như Mỹ, Israel và Pháp cũng đang chen lấn vào thị trường béo bở ở Ấn Độ. Dự kiến trong hai thập kỷ tới Ấn Độ sẽ chi gần 50 tỷ USD cho quốc phòng.
Những hợp đồng mới bao gồm việc Ấn Độ đặt mua thêm 42 máy bay Sukhoi-30MKI để bổ sung vào 230 chiếc đã ký mua trước đây, với tổng trị giá lên đến 12 tỷ USD, và mua thêm 71 máy bay trực thăng Mi-17 V5 sau khi đã biên chế lần đầu tiên 80 chiếc trực thăng chiến đấu trị giá 1,34 tỷ USD.
Tiếp theo là ngoài dự án phát triển tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos “thế hệ mới” sau khi tên lửa siêu thanh này được bàn giao cho quân đội Ấn Độ. Nga và Ấn Độ sẽ ký một bản hợp đồng đầy đủ về nghiên cứu/phát triển giai đoạn cuối để chế tạo loại máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm, theo Times of India.
Về nghiên cứu và phát triển (R&D), hai bên sẽ ký một hợp đồng trị giá 11 tỷ USD với mỗi bên đóng góp một nửa (5,5 tỷ USD). Mỗi máy bay thế hệ năm trị giá tối thiểu là 100 triệu USD, trong đó Ấn Độ hy vọng sẽ đặt mua từ 200 đến 250 chiếc kể từ năm 2020.
Về ngắn hạn, hai bên quyết tâm sớm bàn giao tàu sân bay Vikramaditya có trọng tải 44,570 tấn và trị giá 2,33 tỷ USD cho Ấn Độ. Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ, Antony tái khẳng định “Nga là người bạn đã được thời gian thử thách và đáng tin cậy” và ông kêu gọi Nga “nỗ lực thời chiến” để đảm bảo sớm bàn giao tàu sân bay này cho Ấn Độ. Ông Antony đã né tránh vấn đề đòi phạt phía Nga với giá trị lên đến 5% của con tàu.
Về phía Nga, Bộ trưởng Serdyukov nói: “tàu sân bay Vikramaditya đã gặp phải một trục trặc lớn ở máy phát điện chủ và nồi hơi …Tôi hy vọng các chuyến chạy thử trên biển tới sẽ được tiếp tục vào tháng 4…và việc bàn giao tàu sẽ diễn ra vào quý bốn năm 2013.”
Ngoài ra Ấn Độ đang chi thêm 2 tỷ USD để mua 45 máy bay tiêm kích hải quân MiG-29K của Nga để trang bị cho các tàu sân bay Vikramaditya và một tàu sân bay nội địa, hiện cũng bị chậm bàn giao từ cảng đóng tàu ở Cochin cho đến năm 2018.
Giới phân tích cho rằng có nhiều lý do để Ấn Độ không yêu cầu phạt Nga chậm trễ bàn giao tàu sân bay, chủ yếu là do quan hệ lâu dài giữa hai nước và vì những dự án đang và sẽ được triển khai, trong đó có việc Nga cho Ấn Độ thuê chiệc tàu ngầm hạt nhân INS Chakra cũng như dịch vụ tham vấn về việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân nội địa INS Arihant.
Phạm Ngọc Uyển
Theo VNexpress