Thỏa thuận bán tên lửa Javelin cho Ấn Độ rơi vào bế tắc do phía Mỹ không muốn chuyển giao công nghệ tên lửa cho Ấn Độ và không sẵn lòng tham gia các cuộc thử nghiệm thực địa.
Ấn Độ có kế hoạch mua tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển thế hệ thứ ba phục vụ việc hiện đại hóa hơn 350 đơn vị bộ binh và cung cấp cho họ khả năng tiêu diệt xe thiết giáp đối phương.
Năm 2010, Ấn Độ tỏ ý muốn mua số lượng rất lớn tên lửa Javelin của Mỹ, tất nhiên là kèm theo điều khoản chuyển giao công nghệ.
Đáp lại, Mỹ “vui vẻ” muốn bán một số lượng lớn có thể lên đến hàng chục nghìn quả, nhưng nước này không hề mặn mà với việc chuyển giao công nghệ.
“Mỹ không đồng ý chuyển giao công nghệ của tên lửa theo yêu cầu của Ấn Độ và không sẵn lòng chuyển tên lửa cho chuyên gia Ấn Độ thử nghiệm trên thực địa”, quan chức Quân đội Ấn Độ cho biết.
Vì vậy,thỏa thuận này bị mắc kẹt hơn 2 năm, kể từ khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K Antony gửi đề nghị tới Mỹ cung cấp tên lửa kèm yêu cầu chuyển giao công nghệ.
Tên lửa Javelin mới một lần trình diễn trong cuộc tập trận chung giữa Ấn Độ và Mỹ. Phía Ấn Độ chưa thực sự hài lòng với điều đó.
Về phía Raytheon, nhà sản xuất tên lửa Javelin, hãng bày tỏ việc sẵn lòng đáp ứng mọi yêu cầu cho Ấn Độ nhưng phải tuân thủ thỏa thuận hai nước.
“Liên doanh Javelin sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của Chính phủ Ấn Độ liên quan đến công tác đánh giá và mua sắm tên lửa được chứng minh trên chiến trường trong khi vẫn đảm bảo thỏa thuận giữa hai chính phủ”, đại diện Raytheon – nhà sản xuất tên lửa Javelin cho biết.
Tên lửa Javelin được sản xuất bởi Liên doanh giữa Raytheon và Lockheed Martin nhưng việc bán chúng cho khách hàng quốc tế phải có sự thông qua từ Chính phủ Mỹ theo lộ trình bán hàng quân sự nước ngoài (FMS).
Tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển FGM-148 Javelin thiết kế tiêu diệt xe tăng, thiết giáp, công sự phòng ngự, kể cả trực thăng đối phương. Javelin gồm hai thành phần chính: ống phóng bảo quản chứa đạn tên lửa (giá 40.000 USD/quả) và bộ phận điều khiển bắn (giá 125.000 USD). |
Phượng Hồng (theo Defence Now, ĐVO)