Kinh tế Ấn Độ đối mặt nhiều nguy cơ
Chưa đầy một tuần sau quyết định mang tính đột phá để cải cách kinh tế, Chính phủ Ấn Độ đang phải đối mặt với nguy cơ bất ổn về chính trị, đe dọa trực tiếp đến tính hiệu quả của các quyết sách tăng trưởng.
Ngày 14/9, quyết định mở cửa hàng loạt lĩnh vực kinh tế then chốt, bao gồm bán lẻ, năng lượng và hàng không được đánh giá là canh bạc cuối cùng của Thủ tướng Manmohan Singh nhằm khôi phục đà tăng trưởng đang trở nên ảm đạm của Ấn Độ.
Tuy nhiên, bước đi giải cứu nền kinh tế trên đã bị các đảng phái chính trị nước này chỉ trích gay gắt do lo ngại đối thủ cạnh tranh nước ngoài sẽ đè bẹp cơ nghiệp của các thương nhân nhỏ trong nước, dẫn đến nạn thất nghiệp trầm trọng hơn.
Đặc biệt, Liên minh Tiến bộ Thống nhất cầm quyền (UPA) ở Ấn Độ đã lâm vào khủng hoảng sau khi đảng “Trinamool Congress” (TMC) tuyên bố rút khỏi UPA để phản đối những cải cách trên. Theo kế hoạch, ngày 21/9, tất cả các Bộ trưởng là thành viên của đảng này, gồm một Bộ trưởng cấp liên bang và 5 Bộ trưởng cấp bang sẽ trình đơn từ chức lên Thủ tướng Manmohan Singh. Nếu TMC, đảng đang giữ 19 ghế tại Hạ viện Ấn Độ và là đảng lớn thứ hai trong UPA kiên quyết thực hiện bước đi trên, nền kinh tế năng động bậc nhất thế giới sẽ phải đối mặt với những hậu họa khôn lường.
Trên thực tế, trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, chính trường Ấn Độ đã trải qua không ít sóng gió với các cuộc đình công của giới ngân hàng, ngành than... làm tê liệt hoạt động của Quốc hội, gián đoạn các giao dịch tài chính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công nghiệp khai mỏ.Trong khi nguy cơ đổ vỡ liên minh cầm quyền đang đe dọa chính trường Ấn Độ, ngày 20/9, các đảng phái đối lập và Liên hiệp thương mại của nước này đã kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình trên toàn quốc nhằm phản đối chính sách cải cách ngành bán lẻ mà Chính phủ vừa thông qua.
Liên đoàn các thương nhân Ấn Độ cảnh báo số người tham gia biểu tình có thể lên tới 50 triệu người, bao gồm các nhân viên bán hàng, các thương nhân... sẽ được tổ chức tại thủ đô New Delhi và phát động ở nhiều thành phố lớn khác.
Không chỉ ngành bán lẻ, hàng triệu tài xế xe tải và xe buýt hôm 20/9 cũng tuyên bố tổ chức biểu tình nhằm phản đối việc giá dầu diesel tăng tới 12% khi Chính phủ chấm dứt trợ giá để giải quyết thâm hụt ngân sách.
Theo các chuyên gia, cùng với nguy cơ về hạn hán, gián đoạn nguồn cung điện, sự sụt giảm của sản xuất công nghiệp, lạm phát tăng cao..., sự bất ổn trên chính trường Ấn Độ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay và năm 2013.
Cát Tường
Theo KTĐT