Cũ người mới ta
Cả hai tàu sân bay đang gấp rút hoàn thành của Trung Quốc - Ấn Độ đều từng là những sản phẩm phế liệu hoặc chuẩn bị thành phế liệu.
Trong khi tàu sân bay Varyag mà Trung Quốc mua từ Ukraine đã có thời gian nằm trơ trọi giữa nắng mưa tại Nhà máy đóng tàu 444 Nikolayev South, Mykolaiv, Ukraine trước khi được đưa về Trung Quốc vào năm 1998.
Ban đầu con tàu sân bay này được mua để chuyển đổi thành một trung tâm giải trí nổi. Tuy nhiên, Trung Quốc nhận thấy rằng, con tàu này là một lựa chọn hợp lý cho việc xây dựng thử nghiệm hạm đội tàu sân bay đầu tiên, làm nền tảng cho ngành công nghiệp đóng tàu sân bay sau này. Trung Quốc đã bắt tay vào công việc tân trang con tàu sắt vụn này từ năm 2004 tại cảng Đại Liên.
Sau khi được đưa vào sử dụng tàu sân bay INS Vikramaditya sẽ mang lại cho Ấn Độ một vị thế hoàn toàn khác. |
Còn tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ có vẻ khả quan hơn. Trước khi được hoán cải thành tàu sân bay, bản thân nó là một tàu sân bay trực thăng thuộc lớp Kiev đang trong tình trạng có thể hoạt động.
Tàu sân bay trực thăng Đô đốc Gorshkov (còn gọi là tuần dương hạm Baku) đang trong tình trạng tạm ngưng hoạt động do thiếu kinh phí. Điều này đã thu hút sự chú ý của Ấn Độ, quốc gia có kế hoạch mở rộng năng lực của hạm đội hải quân nước này.
Giải pháp tình thế
Trong chiến lược xây dựng hải quân của Trung-Ấn, thời điểm đưa tàu sân bay vào hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khẳng định sức mạnh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trung Quốc chưa có tàu sân bay nào, trong khi đó họ đang thể hiện rất nhiều tham vọng trong việc xây dựng lực lượng hải quân nước xanh. Trong đó, không thể thiếu vai trò của một tàu sân bay.
Trung Quốc đã có rất nhiều dự tính cho kế hoạch đầy tham vọng này. Họ nhận thấy rằng, nếu tự thiết kế và đóng mới một tàu sân bay trong nước sẽ mất rất nhiều thời gian và tiềm ẩn rất rủi ro. Mục tiêu xây dựng lực lượng hải quân nước xanh vào năm 2015 sẽ không thể đạt được.
Trung-Ấn đang chạy đua với thời gian để trở thành quốc gia châu Á đầu tiên sở hữu tàu sân bay chiến đấu đúng nghĩa. |
Trung Quốc quyết định mua lại tàu sân bay Varyag từ Ukraine và cải tạo nó thành tàu sân bay đầu tiên, đây có thể coi là một lựa chọn “thông minh”, vừa giải quyết được vấn đề sở hữu tàu sân bay trước năm 2015 vừa đúc rút kinh nghiệm từ quá trình cải tạo, lấy đó làm cơ sở để phát triển các tàu sân bay trong nước vừa giảm nguy cơ rủi ro do thiếu các công nghệ cần thiết.
Đối với Ấn Độ, họ đã có một tàu sân bay hạng nhẹ HMS Hermes mua lại của Anh vào năm 1987, được đặt tên là INS Viraat. Tàu sân bay này có khả năng chở theo 30 máy bay các loại.
Tuy nhiên, tàu sân bay này chỉ có khả năng cung cấp hoạt động cho các tiêm kích cất hạ cánh ngắn Sea Harrier FA2. Bên cạnh đó, con tàu này đã có hơn 50 năm hoạt động, không còn đáp ứng được các yêu cầu tác chiến hải quân hiện đại.
Tương tự Trung Quốc, Ấn Độ cần một giải pháp tình thế để lấp vào chỗ trống trong chiến lược tăng cường sức mạnh hải quân. Họ đã tìm đến Nga như một sự lựa chọn khả thi. Ngoài Nga không có quốc gia nào đáp ứng được các yêu cầu của Ấn Độ.
Chạy đua với thời gian
Trung Quốc tự mày mò cải tạo tàu sân bay Varyag dựa trên những hiểu biết có được sau nhiều năm nghiên cứu các tàu sân bay hàng thải của Anh và Australia. Trong khi đó, Ấn Độ lại chọn giải pháp an toàn hơn, họ giao toàn bộ việc cải tạo tàu Đô đốc Gorshkov cho phía Nga.
Tuy rằng, việc cải tạo hai tàu sân bay này đều gặp những khó khăn dẫn đến chậm tiến độ. Việc cải tạo tàu sân bay Đô đốc Gorshkov liên tục bị trì hoãn do tăng chi phí, từ chi phí ban đầu 800 triệu USD, sau nhiều lần đàm phán Ấn Độ phải chấp nhận mức chi phí lên đến 2,3 tỷ USD, đây được xem là một hợp đồng thất bại đối với cả hai bên.
Trong khi đó, quá trình cải tạo tàu sân bay Varyag cũng gặp không ít khó khăn đặc biệt là vấn đề động cơ, nếu không thể giải quyết được vấn đề này, Varyag sẽ lặp lại vấn đề muôn thuở giống tàu sân bay Kuznetsov của Nga: Luôn có tàu kéo đi cùng mỗi khi hoạt động. Trải qua 3 lần thử nghiệm, mọi vấn đề của tàu sân bay này gần như đã được giải quyết.
Tuy nhiên, Varyag đang gặp phải một vấn đề hết sức nan giải là dây cáp hãm đà và thiết bị thu hồi cáp, nếu không có thiết bị này các tiêm kích trên hạm sẽ không hoạt động được.
Trên thế giới hiện nay, chỉ có Nga và Mỹ sản xuất được loại cáp hãm đà này, Nga đã từ chối bán cáp hãm đà cho Trung Quốc do sợ bị sao chép công nghệ.
Việc thiếu cáp hãm đà đã làm cho tiến độ đưa tàu sân bay Varyag vào hoạt động càng gặp nhiều khó khăn. Có một số nguồn tin cho rằng, Trung Quốc đã mua được cáp hãm đà dành cho tàu sân bay Varyag từ Ukraine.
Gần đây, một số hình ảnh đăng tải trên các trang mạng quốc phòng Trung Quốc cho thấy có 4 dây cáp hãm đà đã được trang bị trên tàu sân bay Varyag. Liệu Trung Quốc đã chế tạo được cáp hãm đà trong nước, hay đây là cáp hãm đà tận dụng lại, nếu đúng như vậy sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề về chất lượng(?).
Chắc chắn có sự khác biệt khá lớn về chất lượng giữa tiêm kích trên hạm Mig-29K của Ấn Độ và J-15 của Trung Quốc. |
Bên cạnh đó, tiêm kích trên hạm J-15 vẫn đang trong tình trạng thử nghiệm, tiêm kích này được sao chép từ nguyên mẫu T-10 của Su-33 mua từ Ukraine, Trung Quốc gần như không có chút kinh nghiệm nào trong việc phát triển tiêm kích trên hạm.
J-15 đã sẳn sàng hoạt động trên tàu sân bay hay chưa vẫn là ẩn số. Đối với một tiêm kích được thiết kế hoạt động trên tàu sân bay, cần rất nhiều vấn đề về kỹ thuật hơn các tiêm kích hoạt động trên đất liền. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ.
Đối với tàu sân bay INS Vikramaditya mọi thứ có vẽ khả quan hơn, con tàu này không gặp bất kỳ trở ngại nào về công nghệ, tất cả mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của Nga. Với còn tàu này chỉ có vấn đề chi phí tăng cao dẫn đến chậm tiến độ.
Hơn nữa Ấn Độ đã có khá nhiều kinh nghiệm vận hành tàu sân bay qua quá trình sử dụng tàu sân bay INS Viraat. Việc tiếp quản, sử dụng tàu sân bay mới không phải là vấn đề quá khó, trong khi đó với Trung Quốc mọi thứ đều phải bắt đầu từ con số 0.
Theo thông tin mới nhất từ phía Nga, tàu sân INS Vikramaditya sẽ được bàn giao cho phía Ấn Độ vào ngày 4/12/2012. Công tác huấn luyện phi công Mig-29K đã hoàn thành về cơ bản, bên cạnh đó hợp đồng thuê tàu ngầm hạt nhân Nerpa trong vòng 10 năm cũng được chuyển giao cho Ấn Độ vào ngày 5/4 tới .
Như vậy, Ấn Độ có thể đưa tàu sân bay và nhóm tác chiến tàu sân bay vào hoạt động sớm hơn so với Trung Quốc.
Chất lượng tàu sân bay, tiêm kích trên hạm Mig-29K chắc chắn sẽ vượt trội hơn nhiều so với tàu sân bay Varyag và tiêm kích trên hạm J-15.
Ấn Độ đang nắm lợi thế trong cuộc đua sở hữu nhóm tác chiến tàu sân bay đầu tiên tại châu Á-Thái Bình Dương ngoài nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Quốc Việt/ theo ĐVO