Ấn Độ gần đây đã liên tục phóng thử tên lửa đạn đạo chiến lược Agni, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Động thái này khẳng định vai trò quan trọng của tên lửa Agni trong chiến lược quốc phòng của quốc gia Nam Á này.
“Gia đình tên lửa” Agni
Theo Tân Hoa xã, chương trình tên lửa của Ấn Độ gồm 5 hệ thống tên lửa cốt lõi, trong đó đáng chú ý là các loại tên lửa đạn đạo: Prihvi tầm gần và Agni tầm trung/xa.
Tên lửa Agni-5 bắt đầu rời bệ phóng trên đảo Wheeler, ngoài khơi bờ biển Ô-đi-sa lúc 8 giờ 5 phút (giờ địa phương) ngày 19-4. Ảnh: technorati.com |
Theo nguồn tin trên, từ những năm 70 của thế kỷ trước, Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ đã bắt đầu phát triển tên lửa đạn đạo. Năm 1989, tên lửa Agni đã được phóng thử thành công lần đầu tiên. Tên lửa có chiều dài 21m, tầm phóng tối đa 2000km và chưa phát triển thành hệ thống vũ khí. Năm 1995, trước sức ép của Chính phủ Mỹ, Ấn Độ tạm dừng chương trình phát triển tên lửa Agni.
Năm 1998, Ấn Độ tiến hành thử hạt nhân thành công và bắt đầu nghiên cứu chế tạo tên lửa đạn đạo tầm trung Agni-2. Trong vài năm sau đó, nước ngoài luôn coi tên lửa mẫu Agni do Ấn Độ thử năm 1989 là Agni-1. Tuy nhiên, trên thực tế, phải đến năm 1999, Ấn Độ mới quyết định bắt đầu nghiên cứu chế tạo một loại tên lửa đạn đạo có tầm phóng đan xen giữa tên lửa Agni-2 và tên lửa Prihvi và đặt tên nó là Agni-1 để phân biệt với tên lửa mẫu Agni phóng lúc ban đầu của họ.
Agni-1 là tên lửa đạn đạo nhiên liệu đẩy thể rắn đơn cực, có tầm phóng 700-800km, dài 15m, đường kính 1m, nặng 12 tấn, sử dụng hệ thống dẫn đường/kiểm soát mới, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân nặng 1000kg. Agni-1 được phóng theo phương thức cơ động đường sắt hoặc cơ động đường bộ, từ đó đã giảm khả năng bị tấn công trước.
Agni-2 là tên lửa đạn đạo thể rắn lưỡng cực, dài 20m, có tầm phóng hơn 2000km. Tên lửa áp dụng quán tính cộng với dẫn đường của hệ thống định vị dẫn đường toàn cầu, độ chính xác khoảng 45m. Sau khi phóng thử thành công hai lần, năm 2002, tên lửa Agni-2 bước vào giai đoạn sản xuất ban đầu.
Tên lửa Agni-3 có tầm phóng 3.500-4000km, dài khoảng 13m. Hệ thống tên lửa này có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân 600-1.800kg, theo dự đoán đầu đạn hạt nhân có thể lên tới 200-300kg.
Ngày 15-11-2011, Ấn Độ bất ngờ công bố phóng thử thành công tên lửa tầm xa Agni-4. Tên lửa dòng này cơ bản đều sử dụng động cơ nhiên liệu thể rắn, vì vậy thể tích tương đối nhỏ.
Tuy nhiên, thành công nhất phải kể đến là việc Ấn Độ phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Agni-5 có khả năng mang đầu đạt hạt nhân ngày 19-4-2012. Tên lửa Agni-5 nặng 50 tấn, dài 17,5m, hoạt động bằng 3 tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, và có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng 1 tấn với tầm phóng 5000km. Tầm bắn của tên lửa Agni-5 có thể bao trùm toàn bộ châu Á và một phần châu Âu. Đây là loại tên lửa có thể cơ động trên đường ray hoặc đường bộ, do đó đối phương khó có thể phát hiện. Đài Truyền hình Ấn Độ NDTV gọi thành tựu này là “một trong những phút huy hoàng nhất của Ấn Độ”.
Ngay sau khi phóng thành công tên lửa Agni-5, Tổ chức DRDO tuyên bố, sẽ hoàn tất việc phát triển tên lửa ICBM đầu tiên mang tên Agni-6 với tầm bắn 10.000km vào giữa năm 2014. Theo DRDO, các bản vẽ và thiết kế loại tên lửa tối tân này đã bắt đầu được triển khai. Và nếu như mọi việc diễn ra thuận lợi, tên lửa 3 tầng Agni-6 với khả năng vượt trội so với thế hệ tiền nhiệm Agni-5 sẽ được sẵn sàng đưa vào sử dụng trong năm 2014.
Không giống như thế hệ tên lửa Agni-3, tên lửa Agni-6 sẽ được thiết kế nhỏ gọn với kiểu dáng đẹp hơn, để có thể dễ dàng triển khai ở mọi nơi khi cần thiết, tên lửa Agni-6 sẽ có chiều dài khoảng 40m, đường kính 1,1m so với Agni-5 là 17,5m với đường kính 2m. Thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Ấn Độ cũng sẽ mang theo số lượng đầu đạn hạt nhân nhiều hơn bất kỳ phiên bản nào khác. Trong khi Agni-5 có thể mang theo 3 đầu đạn hạt nhân, thì thế hệ Agni-6 có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân, với khả năng tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc. Sau khi ra mắt, loại tên lửa này có thể được phóng từ tàu ngầm và từ các bệ phóng trên đất liền.
Bước chân vào câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân
Sự kiện Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-5 ngày 19-4 vừa qua đã đánh dấu một cột mốc quan trọng của quốc gia Nam Á cả về khoa học, quân sự cũng như sức mạnh răn đe quân sự. Vụ thử nghiệm này đã mở cánh cửa để Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ số ít quốc gia có vũ khí tầm xa, với khả năng mang đầu đạn hạt nhân, mà gần đây chỉ gồm duy nhất 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ).
Tờ Le Figaro (Pháp) nhận định, đối với Niu Đê-li, thành công trong việc phóng tên lửa Agni-5 thật sự to lớn. Ngoài tự hào về sự tiến bộ của khoa học, tên lửa Agni-5 còn cho phép Ấn Độ nhắm vào các mục tiêu ở phía Đông châu Âu, một phần châu Phi và toàn bộ châu Á. “Tuy nhiên, đó chỉ là trên nguyên tắc, vì Ấn Độ đã nhanh chóng khẳng định Agni-5 chỉ là một vũ khí răn đe”, tờ Le Figaro viết.
Việc Ấn Độ liên tiếp thử tên lửa và ngay sau đó, Pa-ki-xtan có các vụ phóng tên lửa “trả đũa” là dấu hiệu cho thấy, đang có một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân “ngầm” giữa hai cường quốc hạt nhân trong khu vực Nam Á. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Xtốc-khôm (Thụy Điển), Pa-ki-xtan không ngừng mở rộng kế hoạch phát triển tên lửa tầm ngắn trong khi Ấn Độ phát triển hệ thống vũ khí mang theo đầu đạn hạt nhân phóng đi từ đất liền, biển và trên không. Mặc dù gần đây, mối quan hệ giữa hai nước có những chuyển biến theo hướng tích cực nhưng sự leo thang căng thẳng vẫn được cảnh báo bởi mối đe dọa xung đột hạt nhân luôn tồn tại.
Với những thành công trong các vụ phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Agni thời gian qua, Ấn Độ đã khẳng định tham vọng gia nhập câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân của mình.
Phương Linh
Theo Quân Đội Nhân Dân