Từ phản ứng của Nhật Bản
Đây là cuộc tuần hành lớn nhất của Nhật Bản kể từ khi nổ ra những cuộc biểu tình chống Nhật Bản tại Trung Quốc đến nay. Trước đó (18-9), người Nhật Bản cũng đã tụ tập (nhưng ít người) để phản đối Trung Quốc tại trung tâm Tokyo xung quanh những tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Ngày 21/9, Cục Hải dương quốc gia (SOA) và Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố danh sách các tên gọi được tiêu chuẩn hóa của các thực thể địa lý trên quần đảo tranh chấp với Nhật Bản và các vùng phụ cận. Bản danh sách nêu chi tiết tên gọi bằng tiếng Trung Quốc cùng thông tin mô tả vị trí địa lý của núi, nhánh sông, mũi đất và các thực thể địa lý khác trong vùng.
Cũng trong ngày 21/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, nhiều kế hoạch và hoạt động nhân dịp kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi hành động sai lầm của Tokyo khi mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư một cách trái phép. Ông Hồng Lỗi cũng tuyên bố, Nhật Bản sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này... Tổng cục Du lịch Quốc gia Trung Quốc cũng đã hủy kế hoạch tham dự Hội chợ Du lịch Quốc tế (từ 21 đến 24/9) tại Nhật Bản, một trong những sự kiện du lịch lớn nhất châu Á do Hiệp hội Các đại lý Du lịch Nhật Bản tổ chức...
Những nhà hoạt động Nhật Bản biểu tình chống Trung Quốc hôm 18/9. |
Ngày 21/9, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yukio Edano kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các điều luật quốc tế về vấn đề thương mại bởi hải quan Trung Quốc đang thắt chặt hoạt động kiểm tra hàng hóa Nhật Bản xuất sang Trung Quốc.
Tới những vi phạm của Trung Quốc trên biển Đông
Ngày 22/9, giới truyền thông đã được quan sát cuộc tập trận chung của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) của Nhật Bản và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại đảo Guam, phía Tây Thái Bình Dương. Mục đích của cuộc tập trận là nhằm nâng cao khả năng bảo vệ các đảo xa bờ trước các cuộc tấn công từ bên ngoài. Cuộc diễn tập với giả định giành lại quyền kiểm soát một hòn đảo bị lực lượng nước ngoài chiếm giữ, quân đội Nhật Bản và Mỹ từ các tàu nhỏ đã đổ bộ lên bờ biển phía Bắc đảo Guam, sau đó các binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Mặt đất của Nhật Bản tiến hành đột kích nhằm chiếm lại đảo. Đây là lần đầu tiên hai nước diễn tập nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các đảo xa bờ. |
Trong khi Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông thì Trung Quốc lại có một loạt hoạt động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 21/9, phát biểu trước đại diện 10 nước ASEAN tham dự Hội chợ ASEAN-Trung Quốc lần thứ 9 diễn ra tại Nam Ninh, Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi quan hệ láng giềng tốt giữa ASEAN và Trung Quốc. Mặc dù tránh nhắc đến tranh chấp ở biển Đông, nhưng ông Tập Cận Bình vẫn nói: Trung Quốc luôn cam kết duy trì ổn định trong khu vực và môi trường hòa bình quốc tế.
Nhưng trong ngày 21/9, Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc đang tăng cường thúc đẩy các hoạt động đầu tư, phát triển ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Cục Quản lý Thương mại và Công nghiệp của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vừa cho biết, trong tháng 8 và tháng 9, cơ quan này đã cấp phép cho một công ty xây dựng và một công ty du lịch hoạt động ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Chính quyền ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” cho biết, đang xúc tiến kế hoạch phát triển gồm dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông và bảo vệ sinh thái... trong đó có dự án mở tuyến du lịch bất hợp pháp đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước dịp Quốc khánh Trung Quốc 1-10.
Ngày 20/9, Phó cục trưởng Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc Trần Liên Tăng trong một hội nghị ở Bắc Kinh trước đó đã tuyên bố, cơ quan này sẽ tăng cường tuần tra trên các vùng biển tranh chấp (trong đó có biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một cách phi lý và phi pháp), cũng như gia tăng hoạt động của tàu tuần tra tại các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Cũng trong ngày 20/9, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thúc giục chính quyền Mỹ sử dụng tầm ảnh hưởng để ngăn cản việc sử dụng vũ lực hoặc đơn phương mở rộng các tuyên bố chủ quyền ở Đông Á của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông
Lê Trịnh - Trọng Hậu
Theo Công An