TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Trung Quốc hạ giọng vụ Senkaku/Điếu Ngư

Truyền thông Trung Quốc có vẻ như đã giảm bớt giọng điệu diều hâu đầy khoa trương chống Nhật sau một loạt vụ biểu tình bạo lực nhằm vào các lợi ích của Nhật Bản ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chiều 18/9, 11 tàu công vụ Trung Quốc lại xuất hiện ở vùng đảo tranh chấp.

Báo điện tử "Thanh niên Bắc Kinh" nói rằng những vụ phá hoại các xe ô tô do Nhật Bản sản xuất xảy ra trên khắp Trung Quốc là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp Trung Quốc. Báo này viết: “Cần phải vạch rõ một giới hạn ở đây. Sự thể hiện chủ nghĩa yêu nước không nên gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng và cũng không được phép vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật”.

Hãng tin Tân Hoa Xã ngày 16/9 cũng đăng một bài bình luận, trong đó kêu gọi người dân Trung Quốc “thể hiện lòng yêu nước một cách sáng suốt”.

Netease, một cổng thông tin điện tử lớn ngày 16/9 cũng cảnh báo rằng “chủ nghĩa yêu nước” đang gia tăng mạnh mẽ đã bị lợi dụng làm bình phong cho những hành động phạm tội, như cướp bóc, đốt phá các cửa hàng ở Trường Sa (tỉnh Hồ Nam), Tây An (tỉnh Thiểm Tây) và thành phố Thanh Đảo.


10 tàu Hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Trong khi đó, ấn bản điện tử của "Nhân dân Nhật báo" - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - cho biết những hành động phi pháp đã làm xấu hổ hệ thống luật pháp của Trung Quốc cũng như toàn xã hội nước này và có thể gây ra sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc. Báo này viết: “Việc thể hiện lòng yêu nước thông qua sự giận dữ sẽ bị cười nhạo bởi những người đang bị những hành động đó nhằm vào và sự thể hiện đó cũng sẽ khiến cho đồng bào của chúng ta gặp nguy hiểm”. Mặc dù vậy, báo này cũng nói thêm rằng công chúng sẽ phản ánh biện pháp đúng đắn nhất trong việc bảo vệ chủ quyền quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku, còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Giọng điệu mềm mỏng nói trên của giới truyền thông Trung Quốc là sự thay đổi quan trọng so với lập trường diều hâu mà một số phương tiện truyền thông nước này đã đưa ra thời gian qua, trong đó có việc kêu gọi chuẩn bị các hành động quân sự để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Tuy nhiên, Giáo sư Triển Giang, Giảng viên báo chí thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc cho rằng một số phương tiện truyền thông Trung Quốc thực chất chỉ giả nhân giả nghĩa trong những lời kêu gọi người dân Trung Quốc bình tĩnh và kiềm chế, bởi họ chịu trách nhiệm ở một mức độ nào đó cho việc khơi dậy tinh thần dân tộc ở nước này trong cuộc tranh chấp biển đảo với Nhật Bản.

Giáo sư Triển Giang cáo buộc các cơ quan và tổ chức truyền thông như "Thời báo Hoàn cầu" -một ấn bản của "Nhân dân Nhật báo" - đã âm mưu cùng với giới tướng lĩnh có trách nhiệm của quân đội Trung Quốc trong việc lôi kéo lòng yêu nước của người dân Trung Quốc để phục vụ những lợi ích riêng của họ. Giáo sư Triển Giang nhấn mạnh: “Họ đã cố gắng lùi một chút, nhưng họ làm điều đó chỉ vì họ nhận thấy rằng các chiến dịch của họ có thể phản tác dụng cả ở mặt trận trong nước lẫn quốc tế.”

Trong khi đó, Giáo sư Viên Vĩ Thời, một chuyên gia lịch sử thuộc Đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu, nhận xét rằng các cuộc biểu tình lan rộng bất thường tại quá nhiều thành phố của Trung Quốc trong vài ngày qua đã cho thấy sự liên quan mật thiết của Chính phủ Trung Quốc. Giáo sư Viên Vĩ Thời nhận định: “Sẽ không thể có các cuộc biểu tình tự phát khắp Trung Quốc nếu như chính phủ không ngầm cho phép. Điều này đã khiến khả năng quản lý các mối quan hệ quốc tế cũng như kiểm soát những căng thẳng trong nước của ban lãnh đạo Trung Quốc bị thử thách".

Giáo sư Chúc Lập Gia thuộc Học viện Hành chính Quốc gia Trung Quốc đã cảnh báo rằng Bắc Kinh không được đánh giá thấp nguy cơ bùng nổ tinh thần chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước mù quáng bởi điều đó có thể gây hại cho chính phủ. Theo Giáo sư Chúc Lập Gia, nếu tình trạng này tiếp diễn, Trung Quốc sẽ yếu thế trong vấn đề giải quyết tranh chấp với Nhật Bản.

11 tàu Trung Quốc ở trong quần đảo tranh chấp biểu tình chống Nhật vẫn tiếp diễn

Tokyo ngày 18/9 cho hay 11 tàu chính phủ Trung Quốc đã tiến vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong khi hàng chục ngàn người biểu tình bài Nhật đã biểu dương lực lượng khắp Trung Quốc vào ngày đánh dấu Nhật chiếm đông bắc Trung Quốc năm 1931.

Những cuộc biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc đã bước sang ngày thứ tám, làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra xung đột giữa hai trong 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi các công ty của Nhật phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Nhiều ngàn người hôm nay đã tụ tập bên ngoài sứ quán Nhật tại Bắc Kinh, với một số ném trứng, chai lọ nhựa, một số mang ảnh chân dung nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông.

Trong khi đó, người phát ngôn lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật cho hay 10 tàu hải giám và 1 tàu ngư chính Trung Quốc đã tiến vào khu vực được gọi là vùng tiếp giáp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong khi 3 chiếc tàu đã tiến vào vùng biển của quần đảo này.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cho biết Bắc Kinh đáng có quyền “hành động thêm” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, song cũng hi vọng về “một giải pháp hòa bình và có thể thương lượng được”.

Hôm nay là ngày kỷ niệm sự kiện Mãn Châu 18/9/1931, trong đó lính Nhật đã cho nổ tung một đường ray ở Mãn Châu để lấy cớ chiếm toàn bộ vùng đông bắc của Trung Quốc. Sự kiện này được kỷ niệm hàng năm ở Trung Quốc./.

Võ Vân
Theo Tổ Quốc

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te