Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm giành quyền lực pháp lý đối với quần đảo tranh chấp Điếu Ngư (Senkaku). Từ hạ tuần tháng 10, các tàu Trung Quốc bắt đầu tuần tra thường xuyên vùng lãnh hải này, bất chấp sự phản đối của Tokyo. Một số nhà phân tích bình luận rằng các bên đã dốc hết các biện pháp ngoại giao. Giờ đây, Bắc Kinh bắt tay vào một chiến lược mới, lâu dài, là thách thức sự kiểm soát quần đảo của Nhật.
Đây là lần đầu tiên kể từ đợt bùng phát căng thẳng gần đây, các tàu Trung Quốc dồn dập kéo tới vùng lãnh hải tranh chấp này. Các nhà phân tích nói động thái đó cho thấy Trung Quốc đang cố làm giảm quyết tâm kiểm soát quần đảo của Nhật. Nói theo Kunihiko Miyake, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Canon về nghiên cứu toàn cầu ở Tokyo: “Đây là sự khởi đầu cho một cuộc chiến tranh của sự kiên nhẫn, một cuộc chiến tiêu hao”. Báo New York Times dẫn lời Miyake nói: “Điều này hứa hẹn một cuộc thách đấu lâu dài trong đó Trung Quốc cố không kích động Nhật, nhưng làm Nhật nản lòng...”.
Tuần duyên Nhật cho biết cuối tuần qua, sáu tàu Trung Quốc - bốn chiếc thuộc đơn vị hải giám và hai tàu tuần tra ngư nghiệp - đã vào vùng lãnh hải gần quần đảo tranh chấp. Tuần duyên Nhật nói đoàn ca nô Nhật đã chặn nhóm tàu Trung Quốc lại, cảnh báo chúng phải rời đi bằng radio.
Tàu Trung Quốc nghe nói đã phản ứng lại qua radio rằng họ “đang thực hiện các hoạt động hợp pháp trong vùng lãnh hải Trung Quốc”.
Căng thẳng tăng lên trong những tháng gần đây khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa ba trong số đảo ở đây. Trong khi Thủ tướng Yoshihiko Noda của Nhật tuyên bố việc mua lại đảo nhằm ngăn chúng rơi vào tay của thống đốc Tokyo, người theo chủ nghĩa dân tộc, Trung Quốc đã giận dữ với động thái này.
Quyết định của chính phủ Nhật đã làm bùng lên những cuộc biểu tình trên các đường phố Trung Quốc, trong đó nhiều cơ sở kinh doanh của Nhật bị cướp phá và đốt, kéo theo một cuộc tẩy chay hàng hóa không chính thức từ Nhật. Trong khi chính phủ Trung Quốc đã dẹp các cuộc biểu tình, họ vẫn duy trì các chuyến viếng thăm của tàu. Nhật phản ứng bằng cách phái hàng chục tàu tuần duyên tới vùng lãnh hải gần quần đảo tranh chấp.
Một gói kích thích kinh tế được quốc hội thông qua tuần trước sẽ củng cố sức mạnh cho tuần duyên Nhật bằng đẩy nhanh việc mua sắm trực thăng và bảy tàu tuần tra nữa. Một sự phô trương quyết tâm như vậy kết hợp với việc điều tàu tới của Trung Quốc cảnh báo tình trạng bế tắc hiện nay có thể kéo dài.
Các nhà phân tích cho rằng sức ép ngày càng tăng từ Trung Quốc dường như xác nhận một cảm giác ngày càng tăng về tình trạng bấp bênh của Nhật qua sự trỗi dậy về kinh tế và sự hiện diện quân sự trong khu vực của Trung Quốc, cũng như sự suy giảm tương đối của Nhật và người bảo hộ lâu dài của họ, Hoa Kỳ.
Nhiều ý kiến cho rằng không chắc Trung Quốc có tiến xa tới mức dùng vũ lực để chiếm đảo. Mục tiêu của họ có lẽ là nhằm làm yếu những xác nhận của Nhật theo luật quốc tế trong khi xây dựng một nền tảng pháp lý để đưa ra những xác nhận tương tự cho chính mình.
P.HỒNG
CATP