TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Triển vọng mờ mịt của tàu vận tải lưỡng dụng Ro-Ro Trung Quốc

Thời gian gần đây, Trung Quốc tuyên truyền rầm rộ về tương lai xán lạn của tàu vận tải lưỡng dụng Ro-Ro cũng như ca ngợi tính đúng đắn của chủ trương xã hội hóa vận tải quân sự.

 Nhưng thực tế dường như không suôn sẻ như những gì đang diễn ra trên mặt báo.

Ngày 14/8, quân đội Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng tàu vận tải Ro-Ro “Ngọc Phỉ Thúy Bột Hải” để thực hiện huấn luyện đổ bộ trên biển cho tập đoàn quân 54 thuộc Đại quân khu Tế Nam tại quân cảng Yên Đài - Sơn Đông.

Sự thật về tàu Ro-ro

Con tàu này có chiều dài 178m, rộng 28m, lượng giãn nước 36.000 tấn, có khả năng vận chuyển 2000 quân và khoảng 300 xe quân dụng.
 
Đây là chiếc đầu tiên trong loạt 3 chiếc tàu vận tải lưỡng dụng kiểu mới nhất mà Trung Quốc dự định phát triển.

Loại tàu này sử dụng cầu lên xuống phức hợp, cửa mở hậu và có cầu nối với cầu cảng để cho xe lên xuống tàu. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, khi khu vực eo biển Đài Loan có biến, họ chỉ cần mất vài giờ xếp dỡ và vận chuyển là có thể triển khai xong toàn bộ 1 lữ thiết giáp.

Qua các thông tin, giới chuyên gia Mỹ nhận định, Ro-Ro là một chủng loại tàu vận tải chứ không phải là một “lớp” tàu vận tải như một số báo thông tin, các chức năng và tầm vóc của tàu vận tải lưỡng dụng này cũng bị thổi phồng.

Tên loại tàu Ro-Ro là viết tắt của cụm từ “roll-on roll-off” (chạy qua, chạy lại) đã thể hiện rõ chức năng chính của nó là chuyên sử dụng để vận chuyển các loại phương tiện siêu trường và siêu trọng tự hành hoặc có xe kéo như: ôtô, máy xúc, xe ủi, xe lu, máy gặt…, xếp ngang hàng với các loại tàu dầu, tàu container, tàu chở hàng rời (bulker), tàu chở chất lỏng, tàu chở chất khí...

Trên hình ảnh có thể nhận thấy, trên boong chính của tàu Ro-Ro còn có mặt boong thượng tầng với độ cao 5-7m kín chạy thẳng từ lầu lái đến tận phía lái, trong đó bố trí khu vực sinh hoạt và làm việc của thuyền viên nên từ lầu lái không nhìn thấy phía sau lái và ngược lại.

Do đặc điểm vận tải nên phần vỏ dưới nước từ mũi đến giữa tàu Ro-Ro thường bị gầy tóp lại. Vì cần một diện tích mặt boong lớn và cửa sau lái cần mở rộng nên phần chìm dưới nước phía đuôi tàu phình to ra, vì vậy làm giảm đáng kể vận tốc của tàu. Thường các tàu Ro-Ro có vận tốc tối đa không vượt quá 20 hải lý/h, cá biệt có những tàu chỉ đạt hơn 20km/h.

 

 Ro-Ro được báo chí Trung Quốc thông tin rầm rộ. Ảnh: THX

Độ trễ điều khiển của Ro-Ro rất lớn, thời gian từ khi tàu bắt đầu bẻ lái cho tới khi tàu bắt đầu ăn lái kéo dài nên tính ổn định hướng kém, hơn nữa, đường kính đoạn chuyển hướng của tàu thường gấp 3,5 lần chiều dài tàu dẫn đến việc điều động tàu trong luồng và trong khu vực cảng chật hẹp rất khó khăn, khi đổi hướng tốc độ giảm rất nhiều.

Hơn nữa, tàu có quán tính rất lớn, nếu muốn để máy chạy lùi để dừng tàu thì cần khoảng cách và thời gian để dừng tàu lớn hơn nhiều so với tàu cỡ nhỏ. Về mặt hải hành, quá trình hồi phục của tàu Ro-Ro theo dạng chữ S. Ở góc nghiêng nhỏ, mô men hồi phục rất thấp nên khi bẻ lái phát sinh góc nghiêng ngang lớn và sự phục hồi rất chậm.

 

Với những đặc điểm như trên, sẽ là ảo tưởng nếu nuôi ý định sử dụng loại tàu này trong thời chiến. Về kinh tế, tuy Ro-Ro có khối lượng chuyên chở nhiều gấp 3 lần loại tàu đổ bộ quân dụng lớn nhất hiện nay là lớp Type 071 nhưng với tốc độ rất thấp của nó, cái giá phải trả về mặt thời gian là rất lớn, mà thời gian trong chiến tranh chính là xương máu.

Sử dụng Ro-Ro còn đồng nghĩa với khoanh vùng các quân cảng bốc xếp của mình và khu vực đổ bộ trên đất của địch. Với khả năng xoay trở, chuyển hướng kém và kết cấu cồng kềnh, cùng với kiểu cửa mở phải có cầu cập bờ, Ro-Ro cần những cảng nước sâu và luồng đường rộng để cập sát cầu cảng.

Hơn nữa, việc không có bất cứ một hệ thống phòng thủ nào, tốc độ lại chậm với thời gian chuyển hướng nghiêng mạn tới hàng phút đã biến nó thành con mồi dễ xơi với tất cả các loại vũ khí, kể cả các loại thô sơ như rocket, pháo bờ biển, thậm chí là pháo cối, thủy lôi…

Tàu lưỡng dụng

Theo truyền thông Trung Quốc, Tổng công ty vận tải viễn dương Trung Quốc (COSCO) chế tạo các tàu Ro-Ro theo định hướng của chính phủ, để phục vụ cả mục đích quân sự nhưng trên thực tế chúng chỉ đáp ứng mục đích chủ yếu là vận tải xuất khẩu cho ngành công nghiệp ôtô giá rẻ của Trung Quốc.

7 năm trước đây, đại đa số các tàu vận tải Ro-Ro trên thế giới đều thuộc sở hữu công ty vận tải biển Nhật Bản, còn COSCO chỉ có 3 tàu Ro-Ro cỡ nhỏ nên phải thuê thêm tàu của Nhật dẫn đến chi phí xuất khẩu ôtô bị đội lên rất cao.

Vì vậy họ đã đẩy mạnh mua sắm và đóng mới các tàu vận tải loại này để hiện thực hóa tham vọng của chính phủ Trung Quốc là nội hóa toàn bộ ngành vận tải xuất khẩu.

 

 Ro-Ro tham gia tập trận tháng 8/2012. Ảnh: Globalsecurity.org

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và khủng hoảng chính trị vùng Vịnh đã đem lại cho Trung Quốc rất nhiều hệ lụy. Ngành chế tạo ôtô giá rẻ của Trung Quốc đi vào ngõ cụt, cùng với sự xuống dốc của công nghiệp khai thác than, quặng sắt và sự sụt giảm lượng dầu xuất khẩu trên thế giới đã khiến ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải Trung Quốc tuột dốc không phanh.

Ông Tim Thomas, Giám đốc công ty vận tải biển Hoa Quang (Trung Quốc) cho biết: “90% nhà máy đóng tàu nội địa trong năm 2012, thậm chí có 28% nhà máy từ năm 2009 trở trở lại đây chưa có được đơn đặt hàng mới”. Các tàu hiện đang sử dụng không kiếm được vận đơn, các hợp đồng đang triển khai chế tạo cũng chẳng thể tìm được đầu ra.

Chính vì vậy, để trợ giúp ngành công nghiệp vận tải biển của mình, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một số chính sách như: cấm các tàu vận tải trên 30 vạn tấn cập cảng Trung Quốc; trợ giá cước vận tải cho các tàu sang cảng nước ngoài nhận dịch vụ, đồng thời quyết định dùng dịch vụ vận chuyển của các tàu Ro-Ro để thay thế cho các loại tàu đổ bộ quân dụng.

Tất nhiên, việc thiếu định hướng mục đích sử dụng từ khi triển khai đóng tàu đã dẫn đến tình trạng ngoài khả năng vận chuyển lớn ra, Ro-Ro không có bất cứ tính năng nào phù hợp với yêu cầu tác chiến quân sự. Vậy nên, đúng như tiêu đề của kênh truyền hình Trung Quốc CCTV7 “quân - dân lưỡng dụng, kết hợp thời bình”, có thể khẳng định loại tàu này chỉ có thể dùng được trong thời bình chứ không thể sử dụng trong thời chiến.

 

Với đặc điểm của một loại tàu vận tải dân dụng hạng nặng điển hình, các chuyên gia quân sự không khó để chỉ ra 4 điểm yếu chí mạng của tàu vận tải Ro-Ro là: không quan sát được toàn bộ tàu, tốc độ thấp, khả năng điều động (điều khiển và chuyển động) kém và không có khả năng tự vệ.

 

Năm 2009, Trung Quốc đã thiết kế và đóng thành công chiếc đầu tiên thuộc loại tàu vận tải Ro-Ro có tên là “Thịnh Thế” với tải trọng thấp hơn là 14.400 tấn. “Thịnh Thế” được thiết kế theo tiêu chuẩn phù hợp với cả mục đích dân sự và quân sự.

Nó có 9 sàn cố định và 3 sàn nâng đỡ (để xếp dỡ xe), có khả năng vận chuyển được 5000 ôtô các loại, bao gồm xe con và xe vận tải hạng nhẹ hoặc 1000 xe thiết giáp. “Thịnh Thế” thuộc biên chế của Tổng công ty vận tải viễn dương Trung Quốc (COSCO), là công ty thuộc sở hữu Nhà nước nên những tàu vận tải của họ đều có thể được trưng dụng trong thời chiến.

 


Nguyễn Ngọc
Theo Báo Đất Việt

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te