TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tranh chấp Trung-Nhật: Bom hẹn giờ ở Châu Á?

Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản vì tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang leo thang ngày một nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng, cuộc tranh chấp này giống như một quả bom hẹn giờ có thể nổ tung bất kỳ lúc nào.
 
Bom hẹn giờ
 
Sau khi “sóng gió” ở Biển Đông bắt đầu dịu đi thì một “cơn bão” lớn lại “đổ bộ” vào biển Hoa Đông. “Trận bão” ở biển Hoa Đông có vẻ nghiêm trọng hơn và gây lo ngại hơn đối với cộng đồng quốc tế.
 
Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.
 
Hiện tại, Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều này. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính khiến cho mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Trung-Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng. Trận “sóng to gió lớn” mới nhất nổi lên ở biển Hoa Đông từ hôm 15/8 khi một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này.
 
Ngay sau đó, Nhật Bản đã đáp trả bằng một loạt động thái đầy thách thức, trong đó đỉnh điểm là việc nước này mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Quyết định “quốc hữu hoá” quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của chính phủ Nhật Bản đã khiến Bắc Kinh thực sự tức giận và châm ngòi cho cơn cuồng nộ của người Trung Quốc.
 
Chính phủ Trung Quốc đã điều ngay 14 tàu hải giám đến vùng biển tranh chấp với Nhật Bản đồng thời tung tin sẽ dồn 1.000 tàu cá đến đây để uy hiếp nước láng giềng. Tàu thuyền Trung Quốc đã có các cuộc chạm trán căng thẳng với tàu thuyền Nhật Bản. Chưa hết, giới quan chức cấp cao ở Bắc Kinh còn liên tiếp tung ra những lời đe doạ, cảnh báo về việc họ sẽ sử dụng vũ lực và trừng phạt kinh tế đối với Nhật Bản nếu nước này không chịu lùi bước trong cuộc tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Phản ứng của người dân Trung Quốc còn dữ dội hơn. Hàng nghìn người dân Trung Quốc đã đổ ra khắp các đường phố ở nhiều tỉnh thành để biểu tình chống Nhật. Các cuộc biểu tình từ hoà bình đã chuyển thành bạo lực. Nhiều người Trung Quốc đã ném trứng, chai lọ, đất đá vào các văn phòng đại diện ngoại giao của Nhật Bản, đập phá các cửa hàng, các cơ sở kinh doanh của người Nhật ở Trung Quốc.
 
Tình hình căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật đã leo thang nghiêm trọng đến mức người ta tin rằng nó là một “quả bom hẹn giờ” có thể phát nổ bất kỳ lúc nào. Và một khi phát nổ, quả bom này sẽ gây hậu quả không lường không chỉ với hai nước Trung, Nhật mà còn với cả khu vực và thế giới.
 
Nỗ lực tháo gỡ “quả bom hẹn giờ”
 
Khi sóng gió ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nổi lên, Mỹ liên tục khẳng định, nước này sẽ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa các nước. Tuy nhiên, việc Mỹ giữ lập trường trung lập trong tranh chấp ở Biển Đông có vẻ dễ dàng hơn bởi mối quan hệ liên minh của Mỹ ở đây lỏng lẻo hơn, mờ nhạt hơn.
 
Trong khi đó, ở biển Hoa Đông, Mỹ và Nhật Bản có mối quan hệ liên minh gắn bó, chặt chẽ nhiều năm nay. Hơn nữa, Mỹ và Nhật Bản còn ràng buộc với nhau bởi một hiệp ước phòng thủ chung. Theo đó, Mỹ phải bảo vệ đồng minh trong trường hợp Nhật Bản bị tấn công. Chính vì lý do này, tranh chấp lãnh thổ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không chỉ liên quan đến hai nước Trung-Nhật mà còn kéo thêm cả Mỹ. Việc cả 3 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ càng khiến cho tình hình trở nên nguy hiểm.

Khi mà nền kinh tế Châu Âu đang chao đảo và kinh tế Mỹ đang rơi vào trì trệ vì một loạt khó khăn, đầu tầu của nền kinh tế đang được đặt ở Đông Á. Một cuộc chiến Trung-Nhật vào thời điểm này sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ. Rõ ràng, Mỹ không hề muốn có một cuộc đối đầu giữa một bên là đồng minh thân thiết của họ - Nhật và một bên là đối thủ lớn – Trung Quốc.
 
Nếu Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra đụng độ, Mỹ không thể đứng ngoài bởi điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến độ tin cậy trong mối quan hệ liên minh mà họ đã thiết lập với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, nếu đứng về phía Nhật, Mỹ sẽ phá hỏng mối quan hệ với Trung Quốc. Điếu đó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của Mỹ.
 
Vì lý do trên, Mỹ gần đây đang tiến hành các nỗ lực ngoại giao nhằm làm dịu mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuần này đã thực hiện chuyến công du Châu Á với mục tiêu hàng đầu là kêu gọi Tokyo và Bắc Kinh kiềm chế, tránh đối đầu, dành ưu tiên tối cao cho hoà bình và sự ổn định.

 

Kiệt Linh
Theo VNmedia

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te